(Tổ Quốc) - Thông qua các hội thi tuyên truyền pháp luật, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Thừa Thiên Huế đã được phổ cập, nâng cao nhận thức, các kiến thức liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Thực hiện Kế hoạch số 43/KH-BDT ngày 9/6/2023, vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với UBND các xã Hương Nguyên, Hồng Hạ, A Roàng, Lâm Đớt và Đông Sơn (huyện A Lưới) đã tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023.
Hội thi được tổ chức với mục đích tạo sân chơi, giải trí và bồi dưỡng kiến thức liên quan đến nội dung giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cung cấp các kiến thức pháp luật về bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, Luật hình sự, các nội dung của Tiểu dự án 2, Dự án 9, Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Theo đó, hội thi đã được tổ chức trên địa bàn 5 xã gồm: Hương Nguyên, Hồng Hạ, A Roàng, Lâm Đớt và Đông Sơn của huyện A Lưới với sự tham gia của 150 thí sinh. Các xã được lựa chọn tổ chức hội thi đều thành lập đội thi theo hướng dẫn của Ban Tổ chức hội thi, mỗi đội thi gồm 5 thành viên đến từ các thôn, cán bộ công chức cấp xã và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn xã.
Tại hội thi, các đội sẽ tranh tài ở 4 phần thi, gồm: Phần thi chào hỏi; Phần thi kiến thức (trắc nghiệm); Phần thi xử lý tình huống và Phần thi trình bày tiểu phẩm.
Nội dung các phần thi xoay quanh các nội dung như: Tìm hiểu các quy định pháp luật, tác hại và phòng chống tảo hôn - hôn nhân cận huyết thống; Luật Hôn nhân và Gia đình (năm 2014); các chính sách, pháp luật có liên quan đến Luật hôn nhân và gia đình; hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số; bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số; phòng, chống bạo lực gia đình; chăm sóc giáo dục trẻ em…
Ngoài ra, để tạo không khí vui tươi, sôi nổi, góp phần vào thành công của hội thi, Ban Tổ chức đã bố trí thêm những giải thưởng dành cho khán giả tham gia cổ vũ các đội thi. Hội thi đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo người dân trên địa bàn.
Tại hội thi, các đội đã có những phần thi xuất sắc, hấp dẫn mang nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem. Có thể kể đến như phần thi chào hỏi, hay tiểu phẩm "Tảo hôn và cái kết" đến từ đội thi xã Hồng Hạ; tiểu phẩm "Lời ru buồn" đến từ đội thi xã Đông Sơn. Kết quả, tại vòng chung kết, giải Nhất đã được trao cho đội đến từ xã Đông Sơn; Giải Nhì thuộc về đội thi đến từ xã Hồng Hạ; Giả Ba thuộc về đội thi đến từ xã A Roàng và 2 giải Khuyến khích được trao cho các đội thi đến từ xã Hương Nguyên và xã Lâm Đớt.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế, hội thi được tổ chức là sự kiện truyền thông quan trọng có ý nghĩa thiết thực đối với người dân, phụ huynh và thanh thiếu niên người đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là những địa bàn thường xuyên xảy ra tảo hôn.
Với những lượng thông tin được cung cấp tại các hội thi, hy vọng người dân sẽ có những nhận thức sâu sắc về hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, qua đó nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, chuyển đổi hành hành vi và có được ứng xử đúng đắn trong thực hiện pháp luật hôn nhân và gia đình nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn./.