• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nâng cao tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Sức khỏe 19/10/2020 10:18

(Tổ Quốc) - Trong 4 năm, từ tháng 7 năm 2017 đến tháng 7 năm 2021, Trung tâm Phát triển Truyền thông và Sức khỏe (HCDC) đã triển khai thực hiện Dự án EC4 "Tổ chức xã hội thúc đấy dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản".

Dự án do Liên minh Châu Âu (EU) và tổ chức ActionAid Việt Nam tài trợ được triển khai ở 3 xã Dang Kang, Hòa Phong, Khuê Ngọc Điền thuộc huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk và 2 xã Đan Phượng, Tân Thanh thuộc huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Đáng chú ý, Dự án tác động đến 95.320 đối tượng hưởng lợi, tương đương với 60% số phụ nữ và thanh niên ở các địa phương nói trên.

Theo báo cáo khảo sát của Dự án, đối tượng nghiên cứu ở các xã của huyện Krông Bông, tỷ lệ phụ nữ người Kinh chiếm 73,4%, người Êđê chiếm 18,2%, còn lại người H'Mông, Tày và Nùng là 8,4%. Trong khi đó ở huyện Lâm Hà tỷ lệ phụ nữ người Kinh chiếm 55,6%; Tày, Nùng chiếm 31,5% và phụ nữ K'ho 12,9%. Độ tuổi trung bình của nhóm phụ nữ tham gia nghiên cứu ở Krông Bông là 36, còn ở Lâm Hà là 34.

Nâng cao tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên vùng dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo Công bố báo cáo tại Buôn Ma Thuột

Dự án đã thực hiện nghiên cứu, đánh giá khá toàn diện các mặt tác động đến phụ nữ, thanh niên khi tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản như: Phong tục tập quán; tôn giáo, tín ngưỡng; điều kiện kinh tế hộ gia đình; trình văn hóa; cơ sở, trang thiết bị của các cơ sở khám chữa bệnh; năng lực, giới tính của nhân viên y tế thực hiện khám chữa bệnh v.v... Dự án được tổ chức vận hành thông qua hệ thống y tế huyện, xã; cộng tác viên dân số kế hoạch hóa gia đình; Tổ chức phụ nữ thôn, xã và thành lập các nhóm cộng đồng tại mỗi xã.

Nâng cao tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên vùng dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 2.

Bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc HCDC chủ trì Hội thảo

Đến nay, Dự án đã tài trợ hoạt động cho 30 nhóm phát triển cộng đồng tại 5 xã thuộc 2 huyện Krông Bông và Lâm Hà, mỗi nhóm thu hút từ 15-35 chị em tham gia; tài trợ gói thiết bị y tế cho phòng khám đa khoa của 2 huyện này với tổng trị giá gần 2,7 tỷ đồng. Đồng thời thực hiện một số hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số tại 2 huyện này như: nâng cao năng lực và hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức xã hội dân sự; tổ chức các khóa tập huấn về tiếp cận dựa trên quyền giám sát dịch vụ công nhạy cảm giới, kỹ năng lãnh đạo và phát triển tổ chức… Các nhóm cộng đồng đã được tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đối tượng là phụ nữ và thanh niên từ 19 đến 60 tuổi...

Nâng cao tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên vùng dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 3.

Bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng đại diện Tổ chức quốc tế ACTIONAID tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Sau hơn 3 năm triển khai, ngày 6/10/2020 tại thành phố Buôn Ma Thuột, HCDC phối hợp với Vụ Địa phương II, Ủy ban Dân tộc và tổ chức ActionAid tổ chức Hội thảo "Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số", với sự tham gia của đại diện Lãnh đạo Cục khám chữa bệnh Bộ Y tế, Lãnh đạo Vụ Địa phương II, Ủy ban Dân tộc, Giám đốc ActionAid Việt Nam; Hội Phụ nữ, Sở Y tế, Ban Dân tộc của 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Trung tâm Y tế của 2 huyện Krông Bông và Lâm Hà; đại biểu trực tiếp hưởng lợi từ Dự án....

Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan và đại biểu, đều đánh giá cao hiệu quả của Dự án trong việc nâng cao nhận thức, tiếp cận dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên ở 2 huyện triển khai Dự án. Phụ nữ được chủ động tham gia vào quá trình giám sát, phản hồi, tiếp thu kiến thức về sức khỏe sinh sản thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ, chia sẻ những khó khăn về sức khỏe sinh sản mà phụ nữ gặp phải, cùng nhau bàn bạc, đưa ra giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề. Qua đó, nhận thức của các thành viên về các vấn đề như: xâm hại tình dục, mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây qua đường tình dục… đều được nâng cao hơn. Dự án đã hỗ trợ một số trang thiết bị hiện đại cho các cơ sở y tế tuyến huyện, xã, giúp nâng cao chất lượng khám, phát hiện và điều trị từ tuyến cơ sở. Đội ngũ nhân viên y tế đã bố trí thời gian về tận thôn bản khám bệnh, tư vấn tạo sự thân thiện, gạt bỏ những e ngại để sau đó chị em chủ động đến khám, điều trị tại cơ sở y tế v.v...

Một số đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Mặc dù, Dự án triển khai trên địa bàn có tỷ lệ người DTTS còn thấp, chủ yếu là người Kinh, nhưng những kết quả nghiên cứu, thực nghiệm đã đạt được và những đề xuất, kiến nghị để nâng cao hơn nữa tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên vùng DTTS&MN của Dự án EC4 "Tổ chức xã hội thúc đấy dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản" sẽ giúp cho cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các ngành chuyên môn, các tổ chức xã hội... nghiên cứu áp dụng và triển khai thực hiện một cách hiệu quả ở các địa bản vùng DTTS&MN núi khác trên cả nước.

Đỗ Văn Đại

NỔI BẬT TRANG CHỦ