(Tổ Quốc) - Trong khi người người “cố thủ” trong nhà, tại văn phòng… để tránh cái nắng như đổ lửa với nền nhiệt ngoài trời lên tới gần 50 độ C thì các shipper lại nhân cơ hội này đổ ra đường để đi giao hàng, giao đồ ăn, thức uống… nhưng với mức tiền công tăng vọt.
“Đút túi” 600 – 700 nghìn tiền công mỗi ngày
Ảnh: Thế Công |
Những ngày cuối tháng Sáu, đầu tháng 7, từng trận nắng như đổ lửa bao phủ xuống đường phố khiến ai nấy đều cảm thấy mệt mỏi, nền nhiệt tại Hà Nội mỗi lúc một tăng, có thời điểm lên tới hơn gần 50 độ C vào ban ngày. Trong khi người người “cố thủ” trong nhà để tránh nắng thì dân shiper lại nhân cơ hội này tranh thủ đi giao hàng, giao đồ ăn, thức uống… nhưng với giá tiền tăng gấp 2, 3 lần bình thường, dù người khô hết mồ hôi, cháy nắng khét lẹt.
Để chống say nắng, dân shipper luôn phải trang bị cho mình áo dài tay, khẩu trang cùng cai nước chanh muối. Đây là những vật “bất ly thân” giúp họ duy trì sức khoẻ để rong ruổi cả ngày trên đường trong cái nắng như rang của Hà Nội.
Là một người giao hàng có kinh nghiệm nhưng anh Phương cũng cảm thấy oải vì nắng nóng. Anh Phương cho hay: “Thời gian nắng nhất thì mình đang ở ngoài đường để giao đồ ăn cho khách văn phòng, đó là tầm trưa. Tới nơi vừa đưa hàng cho khách xong đã phải vội đi để không trễ hẹn điểm tới. Khách thì ngồi trong nhà, trong văn phòng có điều hoà mát nên không hiểu được chúng tôi đi lại bị kẹt xe như thế nào còn cứ gọi điện giục ời ời”.
Anh Phương cho biết, trong khoảng thời gian từ 11 -12h trưa hôm qua (3/7), anh đã đi giao hàng tại 4 điểm theo cung đường từ Khuất Duy Tiến sang phố Xuân Thuỷ sau đó lại quay về Tô Hiến Thành và Thanh Nhàn. Quãng đường dài không nghỉ bởi khách yêu cầu giao hàng ngay khiến anh Phương bở hơi tai. Dù mồ hôi nhễ nhại, có lúc cảm thấy người chao đảo như say nắng nhưng nghĩ đến số tiền công nhận được tăng gấp đôi so với ngày thường nên anh lại tiếp tục nhận “lệnh” di chuyển.
Những ngày nắng nóng, vì dân tình không ai muốn ra đường nên đây cũng là cơ hội cho shipper kiếm tiền. Cũng vì lý do thời tiết, đi lại vất vả mà phí giao hàng thường tăng gấp đôi, lượng đơn hàng vận chuyển cũng tăng vọt.
Lịch trình của anh Hùng 2 -3 tuần nay luôn kín, bắt đầu từ khoảng 9h sáng tới 6h chiều. Công việc của anh là giao hàng cho cửa hàng cơm hộp tại phố Đoàn Trần Nghiệp. Ngoài ra, anh Hùng còn nhận giao hàng cho một cửa hàng bánh mì tại phố Huế. Ngày thường, anh Hùng nhận phí giao hàng từ Đoàn Trần Nghiệp đến Nguyên Hồng khoảng 25 nghìn đồng. Tuy nhiên, vào những ngày nắng nóng này, phí giao hàng tăng lên 35-45 nghìn đồng.
“Phí giao hàng ngang bằng với tiền một suất cơm hộp, có khi còn cao hơn. Tuy nhiên, khách hàng thường đặt một lúc vài ba suất trở lên để tiết kiệm tiền vận chuyển”, anh Hùng cho hay.
Cũng theo chia sẻ của anh Hùng, các đợt nắng nóng, dù vất vả nhưng mỗi ngày anh cũng “đút túi” 600 – 700 nghìn đồng tiền công. So với việc chạy xe ôm thì công việc này có phần “ổn” hơn vì không phải ngồi ở vỉa hè chờ khách. Anh Hùng có kinh nghiệm giao hàng đã 2 năm. Tuy nhiên, để có được các mối quen nhờ giao hàng, anh Hùng phải có người quen đứng ra giới thiệu, đảm bảo tin cậy để thu tiền về từ khách giao cho chủ cửa hàng. Sau một thời gian, nhờ chăm chỉ, nhiệt tình nên anh Hùng được chủ cửa hàng nhận làm người giao hàng chính, thời gian rảnh có thể làm thêm bên ngoài.
Nắng “vỡ đầu”, mưa bão mới được phép “chảnh”
Ngày thường gọi shipper không khó nhưng vào những ngày nắng “vỡ đầu” hay mưa bão thì khác. Cũng phải thông cảm và thấu hiểu cho họ khi đây là những thời điểm nguy hiểm và vất vả mà không ai muốn xuất hiện ngoài đường, ngoài họ - những người giao hàng.
Chị Ánh, chủ một quán giải khát trên phố Huế cho biết: “Những ngày nắng nóng, khách gọi điện ship chè, sinh tố… liên tục nhưng nhiều lúc phải từ chối vì không có người giao hàng. Nắng ngoài đường có lúc 39 độ C đến 40 độ C nên chẳng ai muốn ra đường cả. Có khi phải nịnh hoặc tăng giá tiền lên gấp rưỡi thì mới có người nhận đi giao cho khách. Mà khách thì có khi ăn cốc chè 15 nghìn đồng nhưng phải trả phí ship lên tới 20 -25 nghìn đồng khiến tôi cũng rất ngại”.
Chị Ánh cho biết, chị cũng từng tìm cách liên hệ với một số shipper trên mạng nhưng họ cũng từ chối vì đơn hàng quá nhiều. Gọi Grabike thì đơn giản hơn nhưng giá cước vào giờ cao điểm cũng rất cao. Nhiều lúc rất khó để chiều lòng những “thượng đế không muốn mưa tới mặt, nắng tới đầu mà vẫn mua được hàng”.
Chị Phương Anh, một nhân viên văn phòng cho hay, chị thích ăn bánh mì tại một cửa hàng trên phố Nguyên Hồng nên thường gọi ship đến cơ quan chị tại Hoa Lư. Bình thường chị đặt 2 cái bánh mì (40 nghìn đồng) và tiền ship 20 - 25 nghìn đồng. Tuy nhiên, hôm vừa rồi chị phải trả phí ship lên tới 37 nghìn đồng.
“Người giao hàng giải thích rằng do trời nắng nóng nên họ đi lại vất vả hơn, vì thế nên tiền công cũng phải tăng. Tôi cũng hoàn toàn thông cảm với họ nhưng nghĩ đến tiền bánh mì bằng tiền ship thì cũng tiếc”, chị Phương Anh nói.
Một shipper ở quận Hoàng Mai chia sẻ, hãy thử ra đường giữa trưa đi cả chục cây số mới hiểu được nỗi khổ của các shipper bởi nếu thời tiết không quá nắng nóng hay mưa bão thì cũng kẹt xe, thậm chí vừa đi vừa nghe điện thoại của khách và chủ cửa hàng gọi giục ời ời.
“Mình đi ra đường chở một đống đồ đằng sau nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn giao thông. Bị cảnh sát phạt, làm hỏng đồ của khách thì coi như công toi”, shipper này nói./.
Hà Giang