• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nâng tầm nghệ thuật tranh ghép gốm Đồng Nai

25/11/2017 10:00

(Cinet) - Không chỉ giới thiệu vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, sự khéo léo, mến khách của con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế, những bức tranh ghép gốm của Mai Văn Nhơn còn giúp tôn vinh những tinh hoa nghệ thuật gốm, sứ quê hương Đồng Nai.

(Cinet) - Từ những vật liệu thô cứng, nhóm nghệ sĩ do họa sỹ Mai Văn Nhơn đứng đầu đã mang tới những bức chân dung vô cùng ấn tượng của Lãnh đạo các nền kinh tế APEC. Không chỉ giới thiệu vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, sự khéo léo, mến khách của con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế, những bức tranh ghép gốm của Mai Văn Nhơn còn giúp tôn vinh những tinh hoa nghệ thuật gốm, sứ quê hương Đồng Nai.



Dòng chảy nghệ thuật gốm Việt



Kỹ thuật làm đồ gốm bằng đất nung đã được con người phát minh từ hơn 20.000 năm trước. Các hiên vật của văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn cũng cho thấy đồ gốm đã xuất hiện tại Việt Nam từ rất lâu, hơn 10.000 năm trước công nguyên.



Nghề gốm ngày càng tinh xảo theo sự văn minh, tiến bộ của cong người và ở Việt Nam, kỹ thuật làm đồ gốm sứ đã phát triển rực rỡ với những men ngọc, men lam, men nâu tuyệt đẹp.



Hoa sỹ Mai Văn Nhơn – Tác giả bộ sự tập tranh ghép gốm sứ chân dung lãnh đạo các nền kinh tế APEC cho biết, lịch sử gốm sứ Việt rất cổ xưa, phát triển rực rỡ và để lại dấu ấn trên các công trình. Nghệ thuật khảm sành, sứ đã được phổ biến và lên đến một tầm cao mới.

Bức tranh ghép gốm "Hồ Chủ tịch" và đại tướng Võ Nguyên Giáp của họa sỹ Mai Văn Nhơn và cộng sự.

Ảnh: Gia Linh



Nếu ở Miền Bắc nổi tiếng với làng gốm Bát Tràng, Thổ Hà, Hương Canh… thì ở miền Nam nổi tiếng với các trung tâm sản xuất như Huế, Biên Hòa, Thủ Dầu Một. Đồ gốm sứ không chỉ là những lọ bình đựng hoa mà còn được ứng dụng tranh trí cho nhieefuu công trình xây dựng đền đài, cung điện, lăng tẩm lớn… Những tác phẩm trang trí ghép mảnh gốm sứ lộng lẫy ở lăng vua Khải Định, ở phủ Kiên Thái Vương hay cửa Hiển Nhơn tại Cố đô Huế là minh họa cho sự đa dạng tuyệt vời của nghệ thuật gốm sứ Việt Nam.



Bàn về tranh ghép gốm, việc dùng cách mảnh gốm sứ nhiều màu để ghép thành tranh chân dung người, chim thú hay trang trí đền đài là việc yêu thích của con người từ cổ đại tới ngày nay. Đó cũng là cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân sáng tác.



Tại Việt Nam từ thập niên 1980, tác phẩm tranh ghéo gốm sứ hoành tráng ở năm cửa ô Hà Nội của lão họa sỹ Trường Sinh vẫn là một dấu ấn khó quên. Gần đây nhất, vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, con đường gốm sứ “Kỷ lục Guinness dài nhất thế giới” dọc bờ đê sông Hồng đã để lại ấn tượng với công chúng. Đó cũng chính là nguồn cảm hứng để họa sỹ Mai Văn Nhơn và cộng sự dày công nghiên cứu về men gốm khu vực phía Nam và xây dựng bộ sự tập tranh ghép gốm sứ chân dung lãnh đạo các nền kinh tế APEC.



Nâng tầm nghệ thuật tranh ghép gốm Đồng Nai



Từ những mảnh gốm sứ đa màu sắc, các nghệ nhân tài hoa đã vẽ nên bức tranh muôn màu về những nét đẹp văn hóa xã hội đời thường của người dân Việt Nam. Trong thể loại tranh ghép gốm sứ thì ghép chân dung con người có lẽ là khó nhất và chưa có nhiều họa sĩ theo đuổi.

Họa sỹ Mai Văn Nhơn. Ảnh: Gia Linh



Chia sẻ về lý do lựa chọn thực hiện tác phẩm chân dung từ tranh ghép gốm Đồng Nai, họa sỹ Mai Văn Nhơn chia sẻ, “Thứ nhất, tôi là một họa sỹ. Thứ hai là tôi sinh ở Đồng Nai nơi có làng gốm truyền thống và tôi đang đi tìm một chất liệu nào đó bền bỉ hơn so với những bức tranh sơn dầu trước đây tôi vẽ. Trong lúc tìm chất liệu mới và kết hợp với ý thức của mình, tôi bắt đầu tập trung vào thực hiện bộ chân dung lãnh đạo APEC 2017.”



Nhưng dùng gốm để tả chân dung thì thực sự là bài toán khó, đặc biệt là khi phải làm thế nào để xứng tầm một quà tặng quốc tế. Bởi phải làm thế nào để miếng gốm cứng tách ra thành các mảng ghép thật tinh tế - chính xác theo từng gam màu, sắc độ của từng vị trí, đặc tả chính xác các cơ mặt, đường gân với thần thái nhân vật, có giá trị thâm mỹ nghệ thuật cao và truyền được cảm hứng cho người xem?



“Phải làm sao từ các vật liệu cứng như thế, thô như thế như mảnh sành, mảnh sứ thể hiện được ánh mắt, bờ môi, độ mọng của làn da…? Rồi kỹ thuật phối mầu, phải đánh lừa thị giác như thế nào để khi ta nhìn kỹ là đường kẻ, đường răng cưa cứng nhưng nhìn tổng quát thì vần là những nét hiền dịu của chân dung các nguyên thủ?” Họa sỹ Mai Văn Nhơn chia sẻ.

Ông Phan Tâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin, Truyền thông cho biết, các bức tranh được thực hiện một cách

tinh xảo, thể hiện được tài năng, trí tuệ cũng như sự khéo léo, sáng tạo tuyệt vời của các nghệ nhân Việt Nam.

Ảnh: Gia Linh



Với sự dày công nghiên cứu, tìm tòi họa sỹ Mai Văn Nhơn và các cộng sự đã thành công trong việc nung men gốm ở nhiệt độ cao, với bộ màu men rất đa dạng, phong phú. Và với trình độ mỹ thuật, kỹ thuật cắt - ghép - dán tinh tế, họ đã thực hiện thành công bộ tranh ghép gốm chân dung tuyệt đẹp từ chính tinh túy nghệ thuật gốm quê hương – gốm Đồng Nai. Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã sử dụng bộ tranh này làm quà tặng cho một số Lãnh đạo các nền kinh tế APEC. Qua đó, nâng tầm tranh ghép gốm Đồng Nai lên một tầm cao mới.



Ông Phan Tâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin, Truyền thông cho biết, các bức tranh được thực hiện một cách tinh xảo, thể hiện được tài năng, trí tuệ cũng như sự khéo léo, sáng tạo tuyệt vời của các nghệ nhân Việt Nam nói chung và nhóm tác giả Đồng Nai nói riêng. Tác phẩm được các cơ quan quản lý, nhà chuyên môn đánh giá cao về chất lượng và tính thẩm mỹ.

Du khách chiêm ngưỡng các bức tranh ghép gốm Đồng Nai tại triển lãm “Chân dung lãnh đạo các nền kinh tế

APEC 2017". Ảnh: Gia Linh



Chị Vũ Bích Liên, Hà Nội – một khán giả tham dự Triển lãm tranh ghép gốm Đồng Nai “Chân dung lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017” chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với bộ sưu tập tranh gốm này. Tôi rất tự hào vì trong khi còn nhiều khó khăn, người Việt Nam có thể tạo nên những bức tranh đẹp như vậy. Gốm là chất liệu thô cứng nhưng lại thể hiện được hết ánh mắt, màu sắc, mảng sáng, mảng tối, rất có thần thái giống như những bức ảnh mình chụp.



Sự đón nhận của công chúng đối với những tác phẩm tranh ghép gốm Đồng Nai “Chân dung lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017” là tín hiệu vui với không chỉ họa sỹ Mai Văn Nhơn và cộng sự mà còn mở ra nhiều cơ hội đưa tranh ghép gốm Đồng Nai nói riêng, gốm sứ Đồng Nai nói chung tới với đông đảo người dân Việt Nam và vươn tầm thế giới như một thương hiệu của văn hóa Việt./.



Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ