(Toquoc)–Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Phạm Sỹ Liêm chia sẻ quan điểm về cải tạo nhà chung cư cũ
(Toquoc) – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm cho rằng, các chung cư cũ của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã quá thời hạn sử dụng nhưng hiện vẫn đang bí cách cải tạo.
Bên lề Hội thảo xây dựng chính sách cải tạo các khu đô thị cũ mới đây, ông Liêm đã trao đổi với Điện tử Tổ quốc về vấn đề này.
- Một trong các vấn đề của cải tạo chung cư cũ hiện nay là gặp khó về vốn. Theo ông, làm thế nào để giải quyết vấn đề này?
+ Các thành phố không thể để những nhà rác như hiện nay mà phải tạo thành phố, nên xóa đi, xây lại thành những đường phố rộng rãi. Còn nếu chung cư ở ngoài mặt phố thì giá trị chung cư sẽ rất cao. Ví dụ: xây một chung cư 20 tầng thì năm tầng dành cho thị trường, 15 tầng trên dành để ở. Tiền thu được nhờ việc bán năm tầng dưới đi sẽ thừa sức cải tạo cho 15 tầng trên mà không cần phải lấy tiền ở đâu cả.
Tôi thấy đã có những hộ tự hợp lại thành một hợp tác xã để tự cải tạo và ba, bốn chung cư gần đây gom lại để tạo thành một chung cư như vậy.
Các hộ dân cũng mong muốn Nhà nước tạo điều kiện để vay tiền của ngân hàng chứ không phải đi xin của ai cả. Bởi đất không mất tiền đền bù vì mình cũng vẫn ở đấy thôi, chỉ mất tiền xây không đáng là bao nhiêu. Cho nên vay một số tiền như vậy để xây dựng rồi bán những tầng dưới đi, mọi người ở tầng trên nên rất văn minh.
Trong khi các hộ dân, hộ nào muốn nhà mình rộng thì chỉ cần đóng thêm tiền thêm giá thị trường vào. Như vậy sẽ vừa thỏa mãn yêu cầu của từng hộ gia đình, cũng không tốn nhiều tiền, mọi người lại vừa vui vẻ vì được tự làm chủ vận mệnh của mình chứ không phải nhà kinh doanh bất động sản nào đến rồi hai bên bàn bạc không thống nhất sự việc kéo dài không bao giờ xong cả.
Với cách làm như thế này thì Nhà nước miễn đủ các thứ thuế, mình không ăn lãi mình, không tốn nhiều phí quản lý. Giá thành nhà sẽ rẻ hơn so với kinh doanh bất động sản, việc thi công chắc chắn cũng sẽ rất nhanh.
Ví dụ như cải tạo lại khu Giảng Võ, không những có một khu phố đàng hoàng, đường phố đẹp đẽ và từ Kim Mã sang Giảng Võ có 1 đại lộ rộng nối ngang Ngọc Khánh, Núi Trúc, giao thông đô thị thông suốt, giá trị nhà đất sẽ tăng.
Nên để người dân chung sức cải tạo chung cư cũ (Ảnh: D.Nguyên)
- Việc cải tạo chung cư cũ cũng xuất hiện mâu thuẫn về việc gia tăng áp lực dân số lên cơ sở hạ tầng chỉ có hạn. Giải pháp ở đây là gì thưa ông?
+ Thứ nhất, dân số có gia tăng nhưng không đáng kể. Người ta gọi đó là đô thị nén, mật độ người ở có tăng hơn trước, nhưng bù lại đường xá rộng rãi lại ở lên cao, chưa kể điện nước. Người dân còn có sân chơi...
Hiện nay một số khu đô thị mới do không thiết kế thành phố phường hẳn hoi nên dẫn tới nhiều nơi tự phát xây quán ăn đằng sau, đường hẹp lại làm quán ăn ngon ô tô đến đỗ kín cả. Còn chúng ta cải tạo chung cư cũ từ đầu đã có ý thức làm đường phố, đường phố chính người đi lại, đường phố nhánh thì ô tô đỗ, không ảnh hưởng tới việc chất tải ở đây.
- Ở Hà Nội có văn bản quy định chiều cao cũng như tầng cao của các tòa nhà tại một số khu vực nhất định. Vậy việc cải tạo chung cư cũ lại xây lên cao tầng, vậy theo ông giải quyết mâu thuẫn đó như thế nào?
+ Thứ nhất theo tôi các tòa nhà phải có một cự li nhất định chứ không thể ngồi sát lại với nhau được, nhà 5 tầng cách từng ấy, nhà 20 tầng cách xa hơn. Ngày nay trong đô thị xanh người ta lại bố trí thế nào nhà cao tầng đổ bóng xuống công viên các khu sân rộng nên rất mát mẻ. Điều này đòi hỏi thiết kế đô thị phải nghiên cứu rất kỹ. Ví dụ người ta đưa đường sắt một ray vào đô thị sẽ cải thiện rất nhanh tình trạng ùn tắc giao thông mà rẻ thôi, nó len lỏi vào khắp nơi và giải quyết vấn đề giao thông đô thị. Cũng không phải giao thông đô thị cứ nhất thiết phải nằm dưới mặt đất. Vì thế, nếu áp dụng được cách thiết kế đô thị xanh trong cải tạo chung cư cũ là điều rất nên làm.
+ Trên thế giới, việc cải tạo các chung cư cũ được thực hiện như thế nào thưa ông?
- Tôi nhận thấy, đô thị không chỉ coi trọng giá trị vật chất, giá trị kinh tế mà phải coi trọng phát triển các giá trị tinh thần, giá trị văn hóa, đây là tư duy mới của thế giới. Trong cải tạo đô thị cũng cần phải tôn trọng lợi ích chủ sở hữu, không phải vì muốn cải tạo mà không hỏi han gì đã đuổi họ đi được. Cải tạo cũng phải trong một khuôn khổ luật pháp nhất định, rõ ràng, không thể tùy tiện muốn thế nào cũng được, phải minh bạch trong mọi thứ tránh trường hợp ông này bà kia tư lợi cá nhân. Và thứ nữa là coi trọng quan hệ hợp tác công tư. Đô thị không làm thay việc cải tạo mà chỉ đóng vai trò là đối tác, đường xá thông suốt thì đô thị mới có lợi./.
Thái Linh (lược ghi)
Bình luận