(Toquoc)-Động lực tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung Euro tiếp tục suy yếu, bóng đen của lạm phát xuất hiện trở lại.
(Toquoc)-Động lực tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung Euro tiếp tục suy yếu, bóng đen của lạm phát xuất hiện trở lại.
Hiện tại, kinh tế khu vực Eurozone vẫn tồn tại nhiều mảng tối màu. Nếu chỉ đơn thuần dựa vào các gói kích thích QE e rằng khó có thể xoay chuyển tình thế kinh tế ảm đạm hiện nay, mà cần phải đẩy nhanh cải cách cơ cấu.
Tăng trưởng tụt dốc
Tăng trưởng GDP trong quý 2/năm 2014 của khu vực Eurozone chỉ đạt 0,1%, gần như đình trệ. Trong đó, nền kinh tế Đức - vốn được coi là “đầu tàu” của kinh tế khu vực Eurozone bất ngờ giảm 0,2%, là mức giảm đầu tiên trong hai năm trở lại đây; tháng 8, tỷ lệ thất nghiệp của Đức đã tăng lên mức 6,7%. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu - Italy tiếp tục đà giảm sâu trong hai quý liên tiếp, một lần nữa rơi vào trạng thái suy thoái.
Cũng theo số liệu mới nhất, do chịu tác động từ số lượng các đơn đặt hàng và kim ngạch xuất khẩu giảm xuống, trong tháng 8, giá trị cuối cùng của Chỉ số Quản lý mua hàng ngành chế tạo (PMI) của khu vực Eurozone chỉ đạt mức 50,7, là mức thấp nhất trong 13 tháng trở lại đây.
Trong bối cảnh cả EU và Nga vẫn đang áp dụng các biện pháp chế tài lên đối phương, theo nhiều dự báo, bức tranh kinh tế của Eurozone trong quý 3 chắc chắn cũng không mấy lạc quan. Hiện tại, khu vực Eurozone đang đối mặt với những rủi ro lạm phát tương đối lớn. Tháng 8, tỷ lệ lạm phát của khu vực Eurozone giảm xuống 0,3%, là mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm 2009 đến nay, tiếp tục cách xa mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu đặt ra.
Tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn cao kỷ lục, giữa lúc bức tranh kinh tế ảm đạm
Giảm lãi suất hay QE?
Nền kinh tế khu vực Eurozone vừa mới thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ công, song hiện nay khu vực này lại tiếp tục phải đối mặt với tình trạng nền kinh tế rơi vào đình trệ, điều này đã buộc ECB phải cân nhắc áp dụng nhiều hơn các biện pháp kích thích, trong đó có những lời kêu gọi tung ra các gói nới lỏng định lượng (QE) theo phiên bản châu Âu.
Để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2008 đến tháng 5/2009, ECB đã liên tục hạ lãi suất. Lãi suất huy động vốn cơ bản giảm từ 3,75% đến 1%. Mặc dù áp lực lạm phát tăng cao nhanh chóng, vào năm 2011, ECB đã gia tăng lãi suất lên 1,5%, tuy nhiên do tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nên sau đó ECB tiếp tục giảm lãi suất, lãi suất cơ bản giảm từ 1,5% xuống còn 0,15% như hiện tại. Trong một hội nghị chính sách vào tháng 6 vừa qua, ECB còn giảm lãi suất tiền gửi qua đêm xuống mức âm 0,1%. ECB đã từng đưa ra hai vòng các biện pháp huy động vốn mới dài hạn có kỳ hạn 3 năm, để gia tăng tính thanh khoản giữa các ngân hàng, kích thích lượng cho vay ngân hàng.
Từ trước đến nay, mục tiêu chính sách của ECB đều nhằm khôi phục các hoạt động cho vay giữa các ngân hàng, đảm bảo tính thanh khoản trong hệ thống ngân hàng dồi dào, từ đó nâng cao ý nguyện cho vay, tuy nhiên ECB chưa bao giờ thực thi chính sách QE. Trong khi đó, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản lại thông qua trực tiếp mua vào các khoản nợ hoặc các trái phiếu ghi nợ khác để giảm lãi suất dài hạn, kích thích nhu cầu, vực dậy tăng trưởng kinh tế.
Trước mắt, tính thanh khoản trong hệ thống ngân hàng của khu vực Eurozone đã tương đối dồi dào. Tuy nhiên, do thiếu niềm tin vào thị trường, lượng tiền mặt mà các ngân hàng có được vẫn chưa đổ vào những doanh nghiệp thực sự có nhu cầu và vào các ngành kinh tế thực thể. Các số liệu cho thấy, lượng tiền mà ECB thông qua các vòng LTRO để tung ra bên ngoài đã có một bộ phận chảy ngược về các ngân hàng, một số khác đã bị các ngân hàng trục lợi giao dịch để mua vào trái phiếu.
Xét từ mức độ nào đó, hiệu quả chính sách lãi suất của ECB đã gần đến điểm cực hạn, LTRO đã không thể trực tiếp kích thích các khoản vay thế chấp, bản thân chính sách còn tồn tại tính đình trệ, cũng khó có thể hoãn lại dự báo lạm phát đang lên của thị trường. Trong các gói giải pháp có hạn của mình, ECB có khả năng buộc phải đi theo bước chân của Mỹ và Nhật Bản, áp dụng chính sách tiền tệ phi truyền thống.
Trên thực tế, những gì mà kinh tế châu Âu phải đối mặt là một căn bệnh trầm kha, chỉ đơn thuần dựa vào nới lỏng tính thanh khoản không thể chữa trị tận gốc được. Đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu nội địa ảm đạm, tiêu dùng và đầu tư yếu, việc chính sách tiền tệ đẩy giá lên cao rất có khả năng lợi bất cập hại. Rất nhiều vấn đề mang tính kết cấu cần phải được giải quyết, điều này như tiên định trước quá trình phục hồi kinh tế của khu vực Eurozone chắc chắn sẽ không thể thuận buồm xuôi gió.
Để vực dậy viễn cảnh tăng trưởng dài hạn, khu vực Eurozone cần đầy nhanh thực thi các chính sách cải cách cơ cấu, thay đổi cục diện thiếu năng lực cạnh tranh. Chỉ khi kích thích nhu cầu nội địa một cách đầy đủ, đồng thời kích thích đầu tư công và đầu tư tư nhân, mới có thể xoay chuyển cục diện mất cân bằng kinh tế vĩ mô một cách hiệu quả, tạo ra nhiều việc làm hơn nữa, thực hiện tăng trưởng mang tính nội sinh bền vững./.
Nguyễn Nam