• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nền kinh tế dữ liệu Việt Nam giàu triển vọng tăng trưởng

Kinh tế 07/09/2023 12:57

(Tổ Quốc) - Theo chuyên trang phân tích Vietnam Briefing, nền kinh tế dữ liệu của Việt Nam đang hướng đến phát triển và mở rộng ổn định hơn.

Dự báo của đơn vị nghiên cứu thị trường Research and Markets ước tính, nền kinh tế dữ liệu của Việt Nam sẽ đạt giá trị 1,03 tỷ USD vào năm 2028, tăng đáng kể so với mức 561 triệu USD được ghi nhận vào năm 2022. Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet vào tháng 1 năm 2023, tăng 7,3% so với năm 2022.

Tuy nhiên, những con số này chỉ nói lên một phần câu chuyện. Cơ hội trong nền kinh tế số của Việt Nam là rất lớn và đang trải qua những chuyển đổi đáng kể khi động lực thúc đẩy số hóa ngày càng lớn và những quy định, luật lệ liên quan cũng rõ ràng hơn.

Triển vọng tích cực của ngành dữ liệu

Một bản tin đầu năm nay của Hanoi Times cho biết mạng 5G hiện đã phủ sóng 40 trong số 63 tỉnh, thành của Việt Nam. Vào tháng 4 năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) đã ra thông báo đấu giá phổ tần 2.300 MHz – 2.400 MHz nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng dịch vụ 4G và 5G tại Việt Nam. Khối băng tần được đấu giá đầu tiên là A1 2300-2330 MHz. Đơn vị trúng thầu sẽ được cấp phép sử dụng trong thời hạn 15 năm.

Nền kinh tế dữ liệu Việt Nam giàu triển vọng tăng trưởng - Ảnh 1.

Ngành dữ liệu Việt Nam đang bắt kịp đà phát triển của nền kinh tế số. Ảnh: Vietnam-Briefing.

Bộ Thông tin và Truyền thông đầu năm 2022 cũng đã bày tỏ ý định khởi động nghiên cứu phát triển công nghệ 6G để đáp ứng nhu cầu của các lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh chóng.

Về kết nối mạng, Việt Nam có 5 tuyến cáp ngầm đang hoạt động kết nối với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương (APAC), châu Âu, Trung Đông, châu Phi (EMEA) và Mỹ. Ngoài ra, đường cáp trực tiếp châu Á (ADC) và cáp 2 Đông Nam Á-Nhật Bản (SJC2) dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023/2024, tăng cường hơn nữa khả năng kết nối của Việt Nam.

Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025 cũng đã đặt mục tiêu chuyển 50% hoạt động kinh doanh sang nền tảng số vào năm 2025, phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng về triển khai trung tâm dữ liệu và tận dụng khả năng kết nối ngày càng tăng của mạng 5G.

Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích ngành dữ liệu

Ngày 10/5/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 677/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020. Quyết định này vạch ra một chiến lược toàn diện nhằm nuôi dưỡng sự phát triển hệ thống tri thức số của quốc gia, với trọng tâm cụ thể là khai thác chuyên môn và năng lực của các công ty trong lĩnh vực CNTT-TT để tạo điều kiện chia sẻ kiến thức và nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động CNTT Việt Nam.

Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 2117 về khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Văn bản này đưa ra một loạt ưu đãi nhằm thúc đẩy sự thâm nhập của công nghệ số vào thị trường Việt Nam đối với nhiều mảng như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IOT), phân tích dữ liệu lớn, blockchain, điện toán đám mây, điện toán lưới, điện toán biên, điện toán lượng tử, cơ sở hạ tầng mạng thế hệ tiếp theo (5G, 6G, NG-PON, SDN/NFV , SD-RAN, SD-WAN Network Slicing, LPWAN, IO-Link Wireless), thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), an ninh mạng thông minh….

Các công ty hoạt động trong những lĩnh vực trên sẽ được tạo điều kiện hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp tốt cùng với các lợi ích như giảm hoặc miễn tiền thuê đất, giảm 5% thuế giá trị gia tăng ( VAT) và miễn thuế đối với các bộ phận, linh kiện và nguyên liệu sản xuất trong thời gian 5 năm.

Môi trường cạnh tranh chất lượng thúc đẩy đà phát triển của ngành dữ liệu Việt

Các trung tâm phát triển ngành dữ liệu lớn ở Việt Nam là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng cộng có 27 cơ sở dữ liệu. Về phân bố địa lý, miền Bắc chiếm 46% số cơ sở dữ liệu trong cả nước, tiếp theo là miền Nam (35%) và miền Trung (11%).

Các nhà đầu tư đáng chú ý trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu tại Việt Nam bao gồm Viettel IDC, NTT Global Data Centers, FTP Telecom, CMC Telecom, HTC Telecom International (ECDC), VNPT và VNTT.

Ngành dữ liệu Việt Nam cũng đang thu hút đầu tư từ nhiều tên tuổi nước ngoài mới như Data Center First (Singapore), Edge Centers (Australia), Infracrowd Capital (Singapore) và Worldwide DC Solutions (Singapore). Trong khi đó, các nhà khai thác lâu đời cũng đang mở rộng sự hiện diện bằng cách đầu tư vào các cơ sở mới và nâng cấp các cơ sở hiện có.

Vào tháng 8 năm 2022, Amazon Web Services (AWS) công bố kế hoạch ra mắt các trung tâm dữ liệu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các trung tâm dữ liệu này có vị trí chiến lược gần với người dùng và được trang bị nhiều thiết bị chịu trách nhiệm thu thập và truyền dữ liệu. Kế hoạch phát triển này cho thấy các "ông lớn" như Amazon cũng đang nhận thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của thị trường dữ liệu Việt Nam.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ