• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nền nghệ thuật Thủ đô “bay cao” trên báo Australia

Văn hoá 09/10/2017 13:53

(Tổ Quốc) - Mới đây, tờ báo Úc The Australia đã có một bài viết về tốc độ phát triển nhanh chóng của nghệ thuật tại thủ đô Hà Nội.  

Theo The Australia, nhiều năm trước đây, để có được cái nhìn bao quát về nền nghệ thuật Hà Nội nói riêng và Việt Nam, bạn chỉ có lựa chọn duy nhất là đến thăm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Quyết định mở cửa đất nước vào năm 1986 đã đem lại cơ hội to lớn cho các nghệ sỹ thủ đô, giúp họ có thể tái kết nối với giới nghệ thuật toàn cầu, đồng thời đẩy nhanh tốc độ phát triển của nền nghệ thuật thành phố.

Vào những năm 1990, nhóm 5 người – gồm các họa sỹ Hà Nội Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hòa, Trần Lương và Phạm Quang Vinh – là những người tiên phong cho sự thay đổi của nghệ thuật thành phố, và đã giành được sự công nhận ở tầm quốc tế với những tác phẩm theo trường phát thể hiện tân cổ điển. Một số nghệ sỹ khác đã tiếp bước họ và đặt nền móng cho các trào lưu nghệ thuật mới tại Việt Nam. Những không gian nghệ thuật đầu tiên cũng được mở ra trong thành phố, góp phần nuôi dưỡng và phát triển các thể loại nghệ thuật thử nghiệm, khuyến khích sự đối thoại và chia sẻ ý tưởng sáng tạo giữa các nghệ sỹ. Trong số này có Mai Gallery – không gian triển lãm tư nhân đầu tiên của Hà Nội, do bà Phương Mai, con gái của nhà thơ và nhà phê bình nghệ thuật Dương Tường, mở ra.

Mai Gallery đã tạo cảm hứng cho một loạt các gallery khác ra đời sau đó, đáng chú ý có Apricot Gallery, Art Vietnam Gallery (được thành lập bởi nhà tư vấn nghệ thuật người Mỹ Suzanne Lecht, người từng đích thân đưa Tổng thống Mỹ Bill Clinton đi thăm các gallery tại Hà Nội năm 2000), Nhà Sàn Studio, Nhà Sàn Collective…

Bên trong phòng tranh Apricot tại Hà Nội

“Chúng tôi đang mở rộng các ranh giới, nhưng không vượt qua chúng,” The Australia dẫn lời Vincent Nguyễn, một gương mặt triển vọng trong thế hệ các họa sỹ trẻ tại Hà Nội.

Tờ báo Úc cũng nhắc tới hai địa chỉ quen thuộc cho giới nghệ sỹ đương đại Hà Nội là DobLab, Tadioto và Manzi. Được thành lập năm 2009 bởi Viện Goethe tại Hà Nội, DobLab cung cấp địa điểm, thiết bị, các khóa học, hội thảo… cho các nhà làm phim độc lập, nghệ sỹ truyền thông; và được kỳ vọng là “mở ra cánh cửa đến với thế giới của phim tài liệu Việt Nam.”

Quán bar nghệ thuật Tadioto, do nhà báo người Mỹ gốc Việt Nguyễn Quý Đức thành lập, từ lâu đã trở thành một địa điểm quen thuộc cho giới sáng tạo thành phố, thông qua các sự kiện nghệ thuật mang tính thử nghiệm cao. Trong khi đó, Manzi là một quán cà phê kết hợp không gian triển lãm, chuyên trưng bày tác phẩm của các nghệ sỹ trẻ đương đại trong nước và quốc tế…

The Australia cũng ca ngợi, ngay cả những khách sạn trong thành phố cũng tạo cơ hội để nghệ thuật có thể “nâng cánh bay cao”. Tại khách sạn 5 sao Sofitel Legend Metropole Hanoi, du khách có thể thỏa sức thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật đương đại Việt Nam trong khu sảnh khách sạn. Cách đó không xa, ngay bên bờ hồ Hoàn Kiếm, Khách sạn Apricot (cùng chủ sở hữu với Apricot Gallery) sở hữu hơn 600 tác phẩm nghệ thuật của các họa sỹ hàng đầu nền mỹ thuật Việt Nam như Mai Trung Thứ, Phan Kế An, Bùi Xuân Phái…

Các nghệ sỹ và giới trẻ yêu nghệ thuật làm phim trong một buổi sinh hoạt tại DobLab

Một trong những gợi ý cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về quá trình phát triển của nghệ thuật Ha Nội, theo The Australia, đó chính là tham gia chương trình Sophie’s Art Tour (Tour nghệ thuật của Sophie). Được tổ chức bởi bà Sophie Hughes, người từng có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực nghệ thuật châu Á, chương trình này sẽ dẫn bạn đến các bộ sưu tập tư nhân, bảo tàng, studio và gallery đương đại đáng chú ý nhất trên khắp thủ đô Hà Nội, cũng như cung cấp những thông tin phong phú về sự thay đổi của nghệ thuật Việt Nam trong thế kỷ 20 và 21.

(Theo The Australia)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ