(Tổ Quốc) - Nhà xuất bản sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet (Mỹ) đã xếp hạng Nepal ở vị trí thứ 5 trong 10 điểm đến hàng đầu trên thế giới đáng để ghé thăm.
Theo trang My Republica, Nepal là một đất nước tự hào với vô số cảnh đẹp thiên nhiên, di sản văn hóa phong phú và nhiều điểm tham quan độc đáo. Là thiên đường của những người đi bộ, được thiên nhiên ban tặng cảnh quan đa dạng như dãy Himalaya phủ tuyết hùng vĩ, những ngọn đồi quyến rũ và những khu rừng xanh tươi trù phú, Nepal thực sự là một trong những điểm đến du lịch tuyệt vời trên thế giới.
Đất nước này cũng là điểm đến sở hữu 8 trong số 10 ngọn núi cao nhất thế giới, bao gồm cả đỉnh Everest - nơi thu hút hàng nghìn người đi bộ, leo núi dành cho những tín đồ đam mê phiêu lưu mỗi năm.
Trong khi đó, du lịch là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế Nepal, là nguồn thu ngoại tệ và doanh thu chính. Ngành du lịch Nepal có truyền thống chỉ tập trung vào leo núi và du lịch mạo hiểm, còn các hình thức du lịch khác như du lịch động vật hoang dã, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa vẫn chưa thực sự được chú trọng. Tuy nhiên, những hoạt động này du lịch này gần đây đã nhận được sự quan tâm thế giới do góp phần kích thích tiêu dùng, thúc đẩy thương mại và tăng cường giao lưu quốc tế.
Trong tương lai, Nepal có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch này và thu được nhiều lợi nhuận. Bằng cách đa dạng hóa các dịch vụ du lịch, Nepal có thể thu hút nhiều du khách hơn và tạo ra các hoạt động du lịch bền vững hơn, mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế và môi trường.
Đa dạng hóa các hoạt động du lịch bền vững
Với số lượng du khách ngày càng tăng, các hoạt động du lịch không có kế hoạch và không bền vững đã gây tổn hại đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên và cộng đồng địa phương tại Nepal. Để giải quyết vấn đề này, du lịch bền vững được xem là một giải pháp quan trọng.
Du lịch bền vững là một loại hình du lịch nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, thúc đẩy bảo tồn văn hóa, truyền thống địa phương và mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho cộng đồng.
Ở Nepal, một số hoạt động du lịch bền vững đã được chú trọng nhiều hơn trong những năm gần đây là leo núi có trách nhiệm, du lịch sinh thái và du lịch dựa vào cộng đồng. Những hoạt động này cho phép du khách tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên quý giá, hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương và tăng cường ý thức bảo vệ môi trường.
Một trong những thách thức chính mà du lịch bền vững ở Nepal đang phải đối mặt là cân bằng tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường. Mặc dù du lịch có thể mang lại nguồn thu cần thiết cho cộng đồng địa phương nhưng đang làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường và gây ra các vấn đề ô nhiễm.
Nhiều công ty du lịch và lữ hành đã áp dụng các gói và biện pháp xanh như sử dụng năng lượng mặt trời, thu nước mưa, vật liệu có thể tái sử dụng và các biện pháp làm phân bón. Những hoạt động này không chỉ làm giảm tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường mà còn giúp giảm chi phí hoạt động và tăng lợi nhuận. Hơn nữa, các sáng kiến du lịch bền vững ở Nepal tập trung vào các hoạt động du lịch thân thiện với môi trường và khuyến khích du khách ủng hộ các nỗ lực bảo tồn.
Du lịch sinh thái là một hình thức quan trọng khác trong du lịch bền vững ở Nepal. Hoạt động du lịch này liên quan đến việc tham quan các khu vực tự nhiên đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường.
Các hoạt động du lịch sinh thái ở Nepal bao gồm đi bộ xuyên rừng, đi bộ khám phá di sản, các khu vực hoang dã và các điểm đến tự nhiên. Đất nước này là nơi sinh sống của một số loài có nguy cơ tuyệt chủng như hổ Bengal, tê giác một sừng, gấu trúc đỏ bao gồm nhiều loại chim và bò sát.
Các hoạt động du lịch động vật hoang dã ở Nepal như đi săn trong rừng, ngắm chim, đi dạo trong rừng, chăn nuôi động vật hoang dã và các chương trình bảo tồn cũng rất hấp dẫn. Những hoạt động này mang đến cho du khách cơ hội trải nghiệm sự đa dạng sinh học độc đáo của đất nước đồng thời hỗ trợ và tôn trọng các nỗ lực bảo tồn.
Bên cạnh đó, du lịch dựa vào cộng đồng cũng là cách tiếp cận sáng tạo khác đối với du lịch bền vững ở Nepal. Hoạt động du lịch này tập trung vào việc thu hút cộng đồng địa phương tham gia vào du lịch bằng cách cung cấp cho người dân các cơ hội đào tạo và việc làm.
Hướng tới du lịch xanh
Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, nhiều quốc gia ở khu vực Châu Âu và Châu Á Thái Bình Dương đã bắt đầu các hoạt động du lịch bền vững như du lịch không thải carbon và du lịch xanh. Du lịch xanh đã đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích du lịch bền vững với môi trường nhằm tôn trọng và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cũng như sự đa dạng.
Du lịch bền vững có thể giải quyết 3 vấn đề chính hiện nay: bền vững về môi trường, phát triển kinh tế, tôn trọng sự đa dạng về văn hóa và xã hội. Tổ chức du lịch hàng đầu thế giới (UN WTO) cũng cam kết đẩy nhanh tiến độ phát triển du lịch carbon thấp và thực hiện du lịch xanh nhằm thúc đẩy du lịch có trách nhiệm, bền vững và có thể tiếp cận toàn cầu.
Để đạt được sự phát triển du lịch bền vững, điều cần thiết là phải có sự tham gia của tất cả các bên liên quan và sự quan tâm của chính phủ để đảm bảo sự tham gia rộng rãi và xây dựng sự đồng thuận. Du lịch bền vững là một quá trình diễn ra liên tục, đòi hỏi phải giám sát liên tục các tác động và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cũng như khắc phục cần thiết khi cần thiết. Áp dụng chiến lược du lịch bền vững là hành động thiết yếu để du lịch thành công và có rất nhiều cơ hội để phát triển du lịch bền vững, mang lợi ích cho du khách, người dân địa phương và toàn thế giới trong tương lai.
Cách tiếp cận du lịch bền vững sẽ tối đa hóa lợi ích, giảm thiểu những tiêu cực và mang đến các cơ hội mới. Du lịch bền vững ở Nepal được xem là cách tiếp cận đầy hứa hẹn nhằm phát triển ngành du lịch đồng thời tăng cường ý thức bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hóa cũng như mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Vì vậy, chính phủ và ngành du lịch nước này đang hợp tác cùng nhau để thúc đẩy các hoạt động du lịch bền vững và đảm bảo tính bền vững của ngành du lịch Nepal trong tương lai./.