• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nestlé Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa C02

Kinh tế 09/12/2021 09:25

(Tổ Quốc) - Để thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng xanh, kinh tế tuần hoàn, chiều ngày 8/12, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Nestlé Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và thúc đẩy quản lý bao bì bền vững. Nhân dịp này, Nestlé tại Việt Nam (gồm Công ty Nestlé Việt Nam và Công ty La Vie) đã công bố cam kết trung hòa nhựa đến năm 2025.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - cho biết, thế giới đang trải qua những tác động cộng hưởng, ảnh hưởng nặng nề với mức độ và quy mô chưa từng có của các vấn đề toàn cầu như: Đại dịch Covid-19; biến đổi khí hậu; cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải nhựa.

Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ trên toàn thế giới; khoảng 8 triệu tấn nhựa được thải vào các đại dương mỗi năm, trong đó 40% nhựa được sản xuất là bao bì và loại bỏ sau một lần sử dụng. Đại dịch Covid-19 cũng đã làm gia tăng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm khẩu trang, găng tay và bao bì thực phẩm, đồ uống.

Nestlé Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa C02 - Ảnh 1.

ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu tại lễ công bố.

Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường nhưng chỉ 27% số rác được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Hiện nay, việc quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam đang là vấn đề bức thiết, bởi rác thải nhựa, rác thải bao bì khi thải ra môi trường sẽ tác động trực tiếp đến môi trường, chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người, hệ sinh thái và các loài sinh vật.

Để vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo vệ được môi trường, xu thế thế giới đã chuyển sang tiếp cận giải pháp mô hình kinh tế tuần hoàn thay thế cho mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống; hướng tới phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững, tái tạo tài nguyên theo chu trình khép kín, nhằm giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường, mang lại giá trị kinh tế - xã hội.

Nhận thức rõ vấn đề này, Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã xác định cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững. Vì vậy, việc Tổng cục Môi trường và Nestlé Việt Nam ký hợp tác thỏa thuận là hành động thiết thực, nhằm góp phần đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc thúc đẩy các sáng kiến, mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn; quản lý bao bì bền vững theo chu trình khép kín từ thiết kế, sản xuất bao bì từ vật liệu tái chế, thân thiện môi trường, cho đến các giải pháp thu gom, tái chế và tái sử dụng bao bì trong tương lai.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc điều hành Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đưa ra cam kết đến năm 2025, 100% bao bì của Nestlé có thể tái chế hoặc tái sử dụng; đặt mục tiêu giảm 1/3 việc sử dụng nhựa nguyên chất. “Chúng tôi luôn xác định đóng vai trò tiên phong giải quyết các thách thức về rác thải nhựa; đồng thời tin tưởng, với sự chung tay, đồng hành và hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đối tác, người tiêu dùng, chúng ta sẽ cùng nhau hành động vì một đất nước Việt Nam xanh, sạch, đẹp”, ông Binu Jacob nói.

Nestlé Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa C02 - Ảnh 2.

Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc điều hành Công ty TNHH Nestlé Việt Nam chia sẻ về cam kết trung hòa nhựa đến năm 2025 của Nestlé tại Việt Nam.

Cũng tại sự kiện, Nestlé tại Việt Nam đã công bố cam kết trung hòa nhựa đến năm 2025, nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, hướng tới một tương lại không có rác thải. Theo ông Binu Jacob, ngay cả khi đại dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức hơn nhưng cam kết của Nestlé vẫn không thay đổi.

Để đạt được mục tiêu, các thành viên của Tập đoàn Nestlé tại Việt Nam đang và sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác và tổ chức tập trung thực hiện các sáng kiến và dự án: Giảm nhựa nguyên sinh thông qua đổi mới và cải tiến bao bì; thực hiện mô hình tuần hoàn đối với chai nước Lavie 19 lít; tạo cơ chế khuyến khích nhà sản xuất trong nước thu gom và tái chế nhựa rPET đủ tiêu chuẩn dùng cho ngành thực phẩm; hợp tác với đối tác thu gom vỏ hộp sữa đã sử dụng để tái chế; tăng cường thu gom bao bì nhựa và vỏ hôp đã sử dụng để tái chế thông qua Tổ chức Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam); hỗ trợ máy phân loại rác thải nhựa cho đối tác để cải thiện việc thu gom và phân loại nhựa có giá trị thấp, khó tái chế và chất thải nhựa không thể tái chế; thúc đẩy việc xây dựng, hoàn thiện và tham gia vào cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ