• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Net Zero là gì mà có thể khiến Vietjet Air, Vinamilk… chi rất nhiều tiền để chạy theo khái niệm mới mẻ này

Kinh tế 27/06/2023 16:34

(Tổ Quốc) - Net Zero là khái niệm còn khá mới mẻ với nhiều người. Tuy nhiên, đây lại là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững.

Theo đó, Net Zero được hiểu là cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể, với lượng khí thải còn lại được tái hấp thụ từ khí quyển bởi rừng và đại dương.

Khoa học đã chứng minh, để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu và bảo tồn một hành tinh có thể sống được, sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu cần được giới hạn ở mức 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Trái Đất hiện nay đã ấm hơn khoảng 1,1°C so với cuối những năm 1800, trong khi lượng khí thải vẫn tiếp tục tăng lên. Để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5°C như mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris, thế giới cần phải giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt Net Zero vào năm 2050.

Net Zero là gì mà có thể khiến Vietjet Air, Vinamilk… chi rất nhiều tiền để chạy theo khái niệm mới mẻ này - Ảnh 1.

Net Zero được hiểu là cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể.

Theo báo cáo mới đây của PwC liên quan Net Zero, quá trình chuyển đổi sang trung hòa carbon sẽ yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế.

"Ở góc độ quốc gia, Việt Nam gần đây đã cam kết mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tại COP26. Tuy nhiên, thực tế là một quốc gia không thể đáp ứng cam kết bằng không nếu không có hành động đầy tham vọng và thay đổi hệ thống.

Đây không phải là hành trình mà các chính phủ có thể thực hiện một mình. Các doanh nghiệp có vai trò quan trọng và đã đến lúc Việt Nam áp dụng cách tiếp cận dựa trên quan hệ đối tác để đạt được mục tiêu", báo cáo của PwC nêu.

Như vậy, có thể thấy, doanh nghiệp có ảnh hưởng quan trọng đến Net Zero. Trong khuôn khổ hội thảo "Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu" do VTV tổ chức sáng 27/6, lãnh đạo bộ ngành, một số doanh nghiệp Việt Nam đã bày tỏ quyết tâm thực hiện mục tiêu này như một sứ mệnh.

Việt Nam cần 6,8% GDP mỗi năm để đạt Net Zero

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết Net Zero là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó, một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề nguồn lực.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (năm 2022), Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng "0".

Trong đó, hành trình khử carbon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực. Tuy nhiên, khu vực công sẽ chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực yêu cầu; trong khi thị trường tài chính xanh hiện mới ở giai đoạn đầu phát triển, nguồn lực huy động qua thị trường tài chính xanh ở mức rất nhỏ bé so với nhu cầu đặt ra.

Ông Phớc cho biết thêm, hiện nay, Bộ Tài chính đang tập trung thực hiện cải cách hệ thống thuế, quản lý nợ công và cơ cấu lại ngân sách nhà nước nhằm động viên nguồn lực một cách hợp lý cho ngân sách nhà nước; cải thiện dư địa tài khóa; tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.

Net Zero là gì mà có thể khiến Vietjet Air, Vinamilk… chi rất nhiều tiền để chạy theo khái niệm mới mẻ này - Ảnh 2.

Phiên thảo luận tại sự kiện Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu" do VTV tổ chức sáng 27/6. Ảnh: VTV.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển - Ban chỉ đạo dự án Net Zero của Vinamilk nhấn mạnh tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới tất cả mọi người, không chừa một ai. Ông Khánh khẳng định Net Zero không phải cuộc chơi xa xỉ của người giàu, mà là nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi.

Vinamilk đã công bố lộ trình phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo ông Khánh, đây là quá trình và hành động kép. 

"Mục tiêu là giảm biến đổi khí hậu và xóa dấu chân carbon trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp mình. Đặc biệt, chúng tôi không mua tín chỉ carbon mà chúng tôi trung hòa bằng những hành động của mình", lãnh đạo Vinamilk chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của Vinamilk, nếu đầu tư từ sớm thì chi phí sẽ thấp hơn và lợi ích thu lại lớn hơn rất nhiều. Ông Khánh nói: "Nếu nhiều năm trước chúng tôi không tiến hành chương trình 1 triệu cây xanh thì bây giờ chúng tôi không thể tự trung hòa lượng phát thải phát ra".

Hiện tại, trang trại và nhà máy của Vinamilk cân bằng khoảng 17.500 tấn CO2/năm. Điều này tương đương 1,7 triệu cây xanh 5 tuổi. "Chi phí là có nhưng hiệu ích lớn hơn", Giám đốc R&D Vinamilk kết luận.

Còn ông Tô Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air cho rằng Net Zero là xu hướng, đặc biệt với ngành hàng không - lĩnh vực đa quốc gia, quốc tế hóa, có nhiều chuẩn mực quốc tế... 

"Vì thế, nếu chúng ta không đón đầu xu hướng thì sẽ gặp khó khăn. Tôi nghĩ đây không phải là cuộc chơi mà là sứ mệnh mà chúng ta phải chủ động và tích cực thực hiện", ông Thắng nói thêm.

Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air cho rằng nếu có định hướng về chiến lược sớm thì các lựa chọn công nghệ, giải pháp đã đúng ngay từ đầu, từ đó giúp tiết kiệm rất nhiều trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, nếu là doanh nghiệp đi đầu, triển khai sớm thì sẽ nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng, Chính phủ, các tổ chức và các nhà sản xuất đồng hành.

Phía Vietjet Air đã tính toán điều hành, quản trị hoạt động khai thác tàu bay để giảm nhiên liệu tiêu thụ,sử dụng tàu bay mới, áp dụng chuyển đổi số để giảm sử dụng giấy…

Theo ông Thắng, việc chuyển đổi này không phải thách thức mà chính là lợi thế cho các doanh nghiệp, trong đó có Vietjet Air.

Dy Khoa

NỔI BẬT TRANG CHỦ