(Tổ Quốc) -Ruộng đồng vốn là nơi cỏ chả ai trồng vẫn tự nhiên mọc mà còn bị thu phí thì không khéo với kiểu tận thu này hít thở từng xăng ti mét không khí cũng phải mất tiền.
Thoạt nghe chuyện Quảng Bình thu phí chăn trâu, chăn vịt trên các đồng cỏ hẳn có người cứ tưởng địa phương này hiện đại, giàu có đến mức một tổ chức, hay cá nhân mua một diện tích lớn chỉ để trồng cỏ, chăm sóc cỏ như mấy công ty sữa. Bà con thôi thì mất tí tiền nhưng trâu, bò, gà, vịt… được phục vụ cỏ đến tận chân răng thì còn gì bằng, đáng mừng quá đi chứ.
Thế nhưng làm gì có cái viễn cảnh lung linh như thế, từ cái “thoạt nghe” với những giả thiết đưa ra lại không trùng khít với thực tế. Nào phải đồng cỏ thuộc sở hữu của một của riêng ai, nào phải có người bỏ công bỏ của đầu tư chăm sóc đồng cỏ. Đồng cỏ đơn thuần vẫn là đồng cỏ như bao làng quê khác dưới vòm trời bao la này … chỉ là Quảng Bình “vẽ” ra cách để thu phí chăn trâu, thả vịt không giống với các nơi khác. Và lý do thu thuế được núp dưới danh nghĩa mỹ miều rằng để các hộ dân phải góp một phần trách nhiệm vào việc bảo vệ nông sản ruộng đồng. Không lẽ các nơi khác người dân không phải đóng thứ thuế này thì họ không ý thức bảo vệ ruộng đồng?.
Ảnh minh họa. zing.vn |
Vậy nên khi biết Quảng Bình có một thứ thuế “lạ” đã khiến không ít người sửng sốt.
Sửng sốt là bởi, thực chất thứ thuế này là “phí cỏ” – thứ vốn luôn được coi là “trời sinh cỏ”, bạt ngàn và vô tận. Chế độ phong kiến đã không còn, nhiều người dân đã được làm chủ ruộng đồng, nhiều thứ thuế phi lý đã được dẹp bỏ. Người nông dân được tự do vùng vẫy trên cánh đồng để có cơm no, áo ấm. Thế mà bỗng dưng họ lại bị đeo thêm một cái chòng vô hình từ thứ thuế chăn thả trâu bò thì lạ quá đi chứ.
Còn nhớ, vào một dịp năm hết tết đến, câu chuyện thu phí chăn thả trâu bò xuất hiện trong vở hài kịch dân gian của đạo diễn nổi tiếng Phạm Đông Hồng có tên “Chôn nhời” mang đến cho nhiều khán giả tiếng cười đả kích, sâu cay và cả sự nhói lòng . Vở hài kịch kể về một lũ quan tham, bất tài, không chăm lo đời sống cho người dân, suốt ngày chỉ phè phỡn ăn chơi và nghĩ đủ cách thu thuế, bòn rút của dân. Cuối cùng đã nghĩ ra cách đánh thuế cả vào trâu, bò ăn cỏ ngoài đồng. Để tận thu, nếu trâu, bò chửa người dân còn phải đóng thuế gấp đôi… đã khiến người dân phẫn nộ. Ấy thế mà câu chuyện thu thế trâu bò ăn cỏ tưởng chừng chỉ là kịch bản hài dân gian, lấy bối cảnh thời xưa lại xuất hiện ở ngay thời đương đại.
Và rồi chỉ cách đây chưa lâu, câu chuyện tương tự về thu thuế chăn thả trâu bò tại Thanh Hóa đã diễn ra và bị người dân cũng như dư luận phản đối khá quyết liệt. Cuối cùng những người đưa ra “luật thu” này – HTX dịch vụ Minh Anh xã Triệu Dương, Thanh Hóa phải xin lỗi, hoàn tiền cho người dân và nhận hình thức kỷ luật. Một kết cục nhãn tiền liên quan đến chuyện thu phí chăn thả trâu, bò tại Thanh Hóa phải chăng không khiến HTX Hoàng Vinh, HTX Thống Nhất ( Quảng Trị) “lăn tăn” gì trước quyết định thu thuế chăn thả trâu, bò và phí bảo trì đường bộ khi người dân đưa máy cày, máy gặt ra đồng?.
Từ bao đời nay, người nông dân gắn bó với đồng ruộng cỏ xanh mơn mởn trở thành tài sản tự nhiên vô tận để chăn trâu cắt cỏ, để những đứa trẻ có thêm một công việc phụ giúp cha mẹ nghèo, cho những người nông dân lúc nông nhàn có thêm công việc… bỗng dưng giờ đây cái việc chăn thả trâu bò xưa như trái đất và chả có gì cao sang, đáng bàn cãi ngoài ruộng đồng cũng phải đóng thuế.
Nghĩ về thứ thuế vô lý này, bất giác nhớ đến câu thơ nổi tiếng nhà thơ Giang Nam từng viết “Ai bảo chăn trâu là khổ” mới giật mình thấy hóa ra có những người nông dân thời nay chăn trâu đúng là khổ. Bởi việc thu thuế này không những tước đi môi trường mưu sinh của người nghèo mà còn cho thấy rõ một kiểu “phép vua thua lệ làng’. Người nông dân phản ứng, không đồng tình nhưng rốt cuộc họ chỉ là người “thấp cổ bé họng”,vì miếng cơm manh áo, vì mưu sinh có đôi khi họ phải cắn răng chấp nhận hoặc mong chờ một “phép lạ” xảy ra để xóa bỏ vĩnh viễn thứ thuế này.
Ruộng đồng vốn là nơi cỏ chả ai trồng cỏ nhưng sức sống bề bỉ, kỳ lại của nó vẫn tự nhiên mọc bao đời nay mà còn bị thu phí thì không khéo với kiểu tận thu này, ít nữa địa phương nào lại “học hỏi”, nhân rộng để có khi ngắm hoa nở trong công viên, hít thở từng xăng ti mét không khí và nước mưa tưới ruộng đồng cây cối người dân cũng phải è cổ ra để …trả phí!.