• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nếu không được phát hiện sớm, nhiều trẻ bị thiếu hormone này có thể không đạt chiều cao tối ưu

Sức khỏe 05/06/2023 16:57

(Tổ Quốc) - Thiếu GH là nguyên nhân chính dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ. Nếu không được điều trị, trẻ thiếu GH có chiều cao trung bình chỉ từ 135 - 145cm, thấp hơn nhiều so với chiều cao tối đa có thể đạt được.

Nhiều trường hợp chậm điều trị tăng trưởng chiều cao ở trẻ được ghi nhận

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là một trong số những bệnh viện đa khoa chẩn đoán và điều trị được bệnh lý chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ. Cho đến nay, bệnh viện đã chẩn đoán và điều trị thành công cho hàng trăm trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH, trong đó có một số trường hợp đặc biệt được ghi nhận như sau:

Nếu không được phát hiện sớm, nhiều trẻ bị thiếu hormone này có thể không đạt chiều cao tối ưu - Ảnh 1.

Trường hợp thứ nhất là bé gái 12 tuổi, điều trị GH năm bé 10 tuổi. Khi bắt đầu điều trị, bé cao 126,5cm, nặng 30kg. Sau 2 năm, bé cao 148cm, nặng 41kg (tăng 21,5 cm/24 tháng). Chiều cao của bé nằm trong mức trung bình so với các bạn cùng lứa tuổi, trong khi trước khi điều trị bé luôn có chiều cao ở vị trí thấp nhất. Hiện tại bé vẫn đang được bổ sung GH.

Trường hợp thứ hai là bé trai 15 tuổi, điều trị GH năm bé 7 tuổi. Thời điểm bắt đầu điều trị bé cao 113cm, nặng 26kg. Từ năm 4 tuổi, chiều cao bé tăng rất chậm (3-4cm/năm), luôn thấp nhất lớp. Bé có chỉ định điều trị GH và điều trị liên tục trong 6 năm. Khi bé 13 tuổi, bé xuất hiện dấu hiệu dậy thì và gia đình quyết định ngưng điều trị. Thời điểm ngưng điều trị chiều cao của bé là 155cm, nằm trong mức trung bình so với tuổi (trung bình bé tăng 7-8cm/ năm). Hiện tại sau dậy thì 1 năm, chiều cao bé đạt được là 165cm.

Thiếu GH - nguyên nhân chính dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ

Có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ, bao gồm: di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao, GH… Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được. 

Riêng trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH, theo thống kê, trên thế giới, ước tính chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/3000 - 1/4.000 nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em và rất khó nhận biết.

GH là một hormone được sản xuất bởi tuyến yên (pituitary gland) trong não và có tác dụng giúp trẻ phát triển, chủ yếu trong giai đoạn tuổi dậy thì. GH đóng vai trò quan trọng lên sự phát triển của hệ cơ xương, quyết định chiều cao của cơ thể; đồng thời GH còn tác động lên chức năng chuyển hóa của cơ thể bao gồm sự phân bố dịch, chuyển hóa lipid, prorein, cacbohydrate, sức cơ và hệ tim mạch.
Nếu không được phát hiện sớm, nhiều trẻ bị thiếu hormone này có thể không đạt chiều cao tối ưu - Ảnh 3.

Nếu không được điều trị, trẻ thiếu GH có chiều cao trung bình chỉ từ 135 - 145cm, thấp hơn nhiều so với chiều cao tối đa có thể đạt được. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống sau này của trẻ mà còn có thể khiến tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng vì sự mặc cảm, tự ti khi so với bạn bè đồng trang lứa.

 

Trẻ được chẩn đoán chậm tăng trưởng do thiếu GH được chỉ định bổ sung GH. Mục tiêu của việc điều trị này là để thay thế sự thiếu hụt GH cho sự phát triển chiều cao, các hoạt động chuyển hóa và tình trạng sức khỏe nói chung. Bổ sung GH ngoài được chỉ định cho các trường hợp thiếu GH, còn được chỉ định điều trị trong trường hợp trẻ chậm cao do suy thận mạn, hội chứng Turner, hội chứng Prader-Willi, trẻ sinh ra co chiều cao thấp so với tuổi thai (SGA), lùn vô căn (GHD, ISS).

"Nếu xác định bệnh nhi bị thiếu GH và cần thiết điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung GH mỗi ngày. Trẻ thiếu GH được điều trị sớm (ngay từ lúc trẻ bắt đầu chậm tăng trưởng chiều cao) sẽ thấy rõ hiệu quả, trẻ sẽ phát triển gần như trẻ em bình thường khác. Trong một số trường hợp, điều trị sớm có thể giúp trẻ đạt chiều cao bình thường hoặc gần như bình thường theo di truyền từng trẻ. Giai đoạn vàng để điều trị chậm tăng trưởng chiều cao cho trẻ là trước tuổi dậy thì vì sau giai đoạn này, sụn xương trẻ sẽ đóng lại, việc điều trị sẽ không còn hiệu quả", bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh - Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết.

Từ ngày 17/06/2023 đến ngày 09/07/2023, Khoa Nội tiết bệnh viện Nguyễn Tri Phương tổ chức chương trình "Tầm soát miễn phí chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em".

Chương trình hỗ trợ tầm soát miễn phí cho tất cả trẻ em chưa dậy thì có nghi ngờ chiều cao thấp hơn so với độ tuổi nhằm giúp phát hiện sớm các trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng (GH) và các bệnh lý liên quan đến tăng trưởng chiều cao của trẻ. Từ đó đưa ra phương pháp chữa trị kịp thời để có thể giúp trẻ đạt được chiều cao tối ưu khi trưởng thành.

Đây là chương trình hỗ trợ cộng đồng thường niên của bệnh viện. Phụ huynh có thể gọi điện đăng ký cho con từ ngày 05/06/2023 đến ngày 03/07/2023.

HN

NỔI BẬT TRANG CHỦ