• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nếu kịp thời rút kinh nghiệm, hiện tượng phản văn hóa trong lễ hội sẽ giảm

Văn hoá 20/11/2016 13:00

(Tổ Quốc) - Nếu chúng ta kịp thời rút kinh nghiệm từ nhiều năm tổ chức để có kế hoạch, các phương án tổ chức một cách linh hoạt thì chắc chắc những hiện tượng tiêu cực, phản văn hóa trong lễ hội sẽ từng bước giảm đi, và cuối cùng sẽ giải quyết được dứt điểm.

Mùa lễ hội đang đến gần, Bộ VHTTDL đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, chỉ đạo Cục Văn hóa cơ sở tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường công tác giám sát, tổ chức, quản lý lễ hội, đảm bảo một mùa lễ hội 2017 an toàn, vui tươi, nhân văn… Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở vế vấn đề này.

+ Thưa bà, Lễ hội là di sản văn hóa, là sinh hoạt văn hóa cộng đồng ngày càng hấp dẫn, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống. Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, nhiều lễ hội bị dư luận cho là phản cảm, mất đi giá trị nhân văn. Theo bà, nguyên nhân của những tồn tại đó là gì?

- Trong những năm gần đây, công tác quản lý và tổ chức lễ hội cơ bản đã thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội của của Đảng và Nhà nước. Hầu hết các địa phương đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, thành lập Ban Tổ chức, phân công trách nhiệm cho từng thành viên. Nhiều lễ hội được tổ chức ngày càng tốt hơn, như: lễ hội Yên Tử, lễ hội đền Cửa Ông (Quảng Ninh), lễ hội đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ); lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương); lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang), lễ hội Chùa Hương (Hà Nội)...

Bà Trịnh Thị Thủy: Với sự chỉ đạo sát sao từ Bộ, sự vào cuộc tích cực ở các địa phương, chúng ta có thể hy vọng, mùa lễ hội năm 2017 sẽ thực sự trở thành hoạt động văn hóa tinh thần lành mạnh của cộng đồng

Ban Tổ chức đã xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong lễ hội, tập trung chỉ đạo các ngành chức năng kiên quyết xử lý các hành vi phản cảm trong lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi. Vấn đề an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường đã từng bước được chấn chỉnh: các cơ sở kinh doanh ăn uống đã được quán triệt và ký cam kết về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đảm bảo vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh chung. Hầu hết các địa phương đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền các văn bản chỉ đạo quản lý và tổ chức lễ hội của Đảng, Nhà nước và của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của di tích, lễ hội… hướng dẫn nhân dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.

Tuy nhiên, việc quản lý, tổ chức lễ hội thời gian qua vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục, đặc biệt là vấn đề nhận diện lễ hội để có hành vi ứng xử văn minh khi tham gia lễ hội, không gây bức xúc trong dư luận.

Theo tôi, còn sự thiếu ý thức ở một bộ phận không nhỏ người dân và du khách khi tham gia lễ hội.

Hiện tượng người dân vứt rác, xả rác thải không đúng nơi quy định, bẻ cành cây, trèo tường, thậm chí leo trèo cả lên tượng Phật, tượng Thánh thần. Rồi cảnh chen lấn, xô đẩy, tranh cướp mang tính bạo lực trong lễ hội Gióng đền Sóc Sơn; cảnh chen lấn, xô đẩy, trèo vào hậu cung để “cướp lộc” trong đêm khai hội ở Đền Trần; cảnh chen lấn, giẫm đạp tại lễ hội Cướp Phết lấy may ở Bàn Giản (Vĩnh Phúc) và những hình ảnh tương tự diễn ra ở Hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ)…

Ở nhiều lễ hội, nhiều người còn nhét tiền vào tay tượng, Phật, thả tiền xuống giếng, đặt tiền ở gốc cây, kẽ đá, ở bất kỳ nơi nào có thể… gây hình ảnh thiếu trang nghiêm, vi phạm việc sử dụng đồng tiền Việt Nam. Đáng buồn hơn là hình ảnh người tham gia lễ hội mà trong số đó phần nhiều là những người trẻ ăn mặc hở hang, nói cười ồn ào ở chốn tôn nghiêm, gây phản cảm khi tham gia lễ hội mặc cho Ban tổ chức đã có quy định trang phục phải lịch sự, kín đáo, ăn nói nhỏ nhẹ…

Trước đây, người ta nhắc đến đi chùa, đến nơi tâm linh chủ yếu là để cầu xin sức khỏe, bình an; vật chất để dâng lễ là “thành tâm”. Nhưng thời gian gần đây, trong suy nghĩ và dưới con mắt nhiều người, Phật bỗng trở thành một người tham tiền, mưu cầu lợi ích. Bởi vậy, tại những lễ hội người ta chen lấn, vội vàng nhét tiền vào tay Phật như “bố thí”, “hối lộ” cho Phật vậy.

Tại Yên Tử, người ta dùng tiền để “đánh bóng” cả chùa Đồng. Mỗi người cầm trên tay một tờ tiền rồi thi nhau chạm, chà xát vào thân chùa-dù không có sự tích nào được lưu truyền về việc phát tài, phát lộc theo cách này. Ở chùa Bái Đính, ngôi chùa to, đẹp thuộc hàng nhất Việt Nam, năm nào chúng ta cũng bắt gặp hình ảnh du khách thập phương nhét tiền vào tay tượng Phật; ở Đền thờ Thánh mẫu Nguyễn Thị Bích Châu (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có tục “xóc thẻ” cầu may đầu năm, nhưng ai ai cũng xóc, chỗ nào cũng xóc khiến cho không gian chật chội của di tích trở nên náo loạn…

Những hiện tượng nêu trên thể hiện sự thiếu hiểu biết về lịch sử, ý nghĩa lễ hội, về giá trị tín ngưỡng, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là biểu hiện lệch lạc, thậm chí là “mù quáng” về tâm linh.

 + Nhưng không thể chỉ đổ lỗi cho người tham gia lễ hội khi trên thực tế, vẫn còn những lễ hội để lại ấn tượng không tốt do BTC buông lỏng quản lý?

- Đúng vậy. Vấn đề ý thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương, các nhà tổ chức lễ hội cũng cần được đặt ra. Nhiều nơi vẫn đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan, như: không gian lễ hội chật hẹp, lượng người tham gia lễ hội đông vượt quá khả năng đáp ứng của các di tích và lực lượng phục vụ…

Nhưng nếu chúng ta kịp thời rút kinh nghiệm từ nhiều năm tổ chức để có kế hoạch, các phương án tổ chức một cách linh hoạt thì chắc chắc những hiện tượng tiêu cực, phản văn hóa nêu trên sẽ từng bước giảm đi, và cuối cùng sẽ giải quyết được dứt điểm.

Những hình ảnh không đẹp trong tục cướp lộc hoa tre tại lễ Hội Gióng đền Sóc Sơn thời gian gần đây là do chính cách hành xử của những người đi bảo vệ lễ phẩm và người tham gia cướp lộc; hình ảnh những người tham dự (được cho là khách mời) tại đêm khai ấn Đền Trần trèo rào vào hậu cung cướp lộc lấy may… khiến chúng ta không thể chối bỏ trách nhiệm từ cả phía những người tổ chức và những người tham dự. Bên cạnh đó, nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền địa phương về ý nghĩa, vai trò của lễ hội chưa cao, chưa coi trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tốt đẹp từ lễ hội. Cá biệt có một số địa phương chạy theo lợi ích kinh tế, không chấp hành các văn bản chỉ đạo quản lý của Đảng, nhà nước để tổ chức các lễ hội gây bất ổn về an ninh trật tự (hiện tượng cá cược), biểu hiện thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi (bán vé thu tiền vào lễ hội), tạo ra những hình ảnh bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống nhân văn của người Việt, đang trở thành những vấn đề “nóng” gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Hiện tượng chen lấn, xôi đẩy, tranh cướp tại nhiều lễ hội thể hiện sự "mù quáng" về tâm linh (ảnh: Anh Tuấn)

+ Hằng năm, Bộ VHTTDL đều có văn bản chỉ đạo và thành lập đoàn thanh, kiểm tra các lễ hội. Đặc biệt, năm nay, ngay từ tháng 10, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017. Theo bà, công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2017 sẽ có chuyển biến tích cực?

- Đúng vậy, vừa qua, Bộ trưởng đã ký ban hành công văn gửi các địa phương về viêc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017. Trong đó, sẽ giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, ngày hội. Không cấp phép, tổ chức lễ hội vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Chỉ đạo dừng tổ chức đối với những lễ hội đã cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội.

Trong tháng 10 vừa qua, Cục VHCS đã phối hợp với Sở VHTTDL Phú Thọ tổ chức Hội thảo “Văn hóa ứng xử trong lễ hội” với mong muốn cùng các nhà khoa học, các nhà quản lý và truyền thông, trên cơ sở đánh giá thực trạng và nhận diện những bất cập trong hoạt động lễ hội, tìm ra các giải pháp kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện thiếu văn minh trong hoạt động lễ hội, để hoạt động lễ hội đáp ứng được nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân, để mọi tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Cũng trong đầu tháng 11, ở nhiều địa phương còn vấn đề tồn tại trong lễ hội đã cùng với nhân dân địa phương, tìm phương cách tổ chức lễ hội sao cho giảm những yếu tố phản cảm. Trong đó, có lễ hội Cầu trâu (Hương Nha, Tam Nông, Phú Thọ), lễ hội Phết Hiền Quan (xã Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ)…

Với sự chỉ đạo sát sao từ Bộ, sự vào cuộc tích cực ở các địa phương, chúng ta có thể hy vọng, mùa lễ hội năm 2017 sẽ thực sự trở thành hoạt động văn hóa tinh thần lành mạnh của cộng đồng./.

+ Xin cảm ơn bà!

Hoàng Nguyên (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ