(Tổ Quốc) - Từ kinh nghiệm chống dịch Covid–19 tại nhiều nước trên thế giới, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nếu làm tốt việc đeo khẩu trang, phát hiện ngay từ sớm thì sẽ hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh.
- 16.03.2020 TP.HCM tạm ngừng hoạt động các rạp chiếu phim, quán bar, karaoke
- 16.03.2020 TP.HCM: Bệnh nhân 53 ho, sốt nhẹ 38 độ, thêm một ca nghi nhiễm Covid-19 đang chờ kết quả
- 15.03.2020 Ca nhiễm Covid-19 thứ 54 tại Việt Nam: Nam du khách người Latvia, đã ghé thăm TP.HCM và Phú Quốc
- 14.03.2020 Sở Y tế TP.HCM bị kẻ xấu mạo danh bán tài liệu phòng chống dịch Covid-19 để trục lợi
- 14.03.2020 TP.HCM: Tiếp xúc với cả 3 ca bệnh Covid-19 số 34, 41 và 45, nam thanh niên được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm
Chiều 16/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP.HCM đã họp giao ban trực tuyến với các sở, ngành và 24 quận, huyện trên địa bàn.
Thông tin trên Thanhuytphcm.vn, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, với sự chỉ đạo quyết liệt và hưởng ứng có trách nhiệm của sở-ngành, quận -huyện đến bây giờ thành phố đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Tuy nhiên, cần phải nhìn rộng ra xung quanh để thấy thế giới đang đối mặt với thách thức, có những nước ngăn chặn tốt dịch bệnh nhưng cũng có nước lại rất khó khăn, từ đó rút ra bài học cho TP.HCM.
Theo Báo SGGP, dẫn chứng ví dụ cụ thể, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, qua thống kê ở các nước như Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha là những nước châu Âu có nền khoa học rất phát triển, nhưng khi dịch bệnh xuất hiện họ không coi đeo khẩu trang là yêu cầu và họ cũng không triển khai tìm người nguy cơ lây bệnh để cách ly nên tốc độ lây lan rất lớn.
Tại các nước châu Âu, chỉ mất 7-8 ngày số người nhiễm từ 100 đã lên 1.000 người, 3-4 ngày sau thì tăng lên 2.000 người, 3-4 ngày tiếp đó thì tăng lên 4.000 người. Đặc biệt tại Ý, từ 8.000 người lên 16.000 người nhiễm bệnh chỉ trong khoảng ba ngày rưỡi. Ngược lại có hai nước kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh là Nhật Bản và Hàn Quốc. Ở Nhật Bản từ 100 lên gần 1.000 người nhiễm phải mất 30 ngày. Còn với Hàn Quốc, lúc đầu từ 100 lên 4.000 người nhiễm mất 11 ngày (trong khi Đức, Pháp và Ý là 13 ngày), tức là tình hình lây lan còn nhanh hơn ba nước châu Âu, nhưng sau khi có nhiều biện pháp cách ly quyết liệt, từ 4.000 lên khoảng 8.000 cũng chỉ khoảng 12 ngày, trong khi ở Ý với con số tăng tương đương chỉ mất 3,5 ngày.
Theo Thanhuytphcm.vn, từ kinh nghiệm chống dịch Covid–19 tại nhiều nước trên thế giới, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nếu làm tốt việc đeo khẩu trang, phát hiện ngay từ sớm thì sẽ hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh.
"Một trong những bài học kinh nghiệm là cần có sự chia sẻ. Bệnh dịch này là không bình thường, không phải chỉ những người sản xuất phải ngừng lại, không phải chỉ những người bị bệnh mới chịu hậu quả, mà cuối cùng mỗi người chúng ta đều chịu hậu quả. Vì vậy, mỗi người dân, doanh nghiệp cần chia sẻ khó khăn chung để cùng vượt qua. Dịch bệnh có thể kéo dài thêm vài tháng hay một năm, hoặc lâu hơn, do đó chúng ta phải điều chỉnh nếp sống, cách sinh hoạt và cách làm việc để duy trì tổng thể năng suất lao động xã hội không quá thấp", Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhận nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, chống virus là phải theo quy luật sinh học, không duy ý chí nhưng cũng không quá hoảng sợ. Mỗi người dân, doanh nghiệp cần một người làm công tác truyền thông, giám sát, cùng chung tay chia sẻ xã hội. Cùng với thực hiện đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay đúng cách bước, không tập trung nơi đông người, một trong những nhiệm vụ quan trọng là cần tăng cường chủ động dự báo, phát hiện nguy cơ người lây nhiễm từ các nước và địa phương khác vào TP.HCM. Khi có ca nhiễm lập tức truy tìm những người tiếp xúc để cách ly để loại trừ được khả năng bị nhiễm bệnh.
Báo SGGP cho biết, để kiểm soát tốt dịch bệnh, theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân thì cần tăng cường chủ động dự báo, phát hiện nguy cơ người lây nhiễm từ các nước và địa phương khác vào TP.HCM. Khi có ca nhiễm lập tức truy tìm những người tiếp xúc để cách ly. Nếu làm tốt sẽ loại trừ được khả năng bị nhiễm bệnh. Phải đeo khẩu trang ở những nơi đông người. TP.HCM khẳng định có đủ khẩu trang, hiện đang hợp đồng với 16 công ty sản xuất khẩu trang. Nếu học sinh đi học trở lại, TP sẽ cung cấp 50 triệu khẩu trang cho học sinh. Người dân ở địa phương có nhu cầu mua thì UBND phường phải chỉ địa điểm cung cấp khẩu trang. Bên cạnh đó, cần hạn chế tụ tập đông người, sắp tới đại hội Đảng bộ phường cũng hạn chế không quá 100 người.
"TP.HCM cũng sẽ đảm bảo năng lực cách ly và chữa bệnh. Đến cuối tháng 2 năng lực cách ly tập trung của TP là 2.000 người, cuối tháng 3 là 3.000 người, cuối tháng 4 là 4.000 người và sau tháng 5 nếu cần thiết là 24.000 người. Còn về năng lực giường bệnh khoảng 1.600 giường, tương ướng với 16.000 người bị nhiễm. Về bác sĩ sẽ có 1.000 dến 1.400 bác sĩ để phòng chống dịch. Máy thở, đặt khoảng 1.200 máy sẵn sàng ứng phó với bệnh Covid-19 tăng cao. TP.HCM phấn đấu số người bị nhiễm không vượt quá 100. TP không thiếu kinh phí để phòng chống dịch. Chúng ta sẽ giữ vững được TP là nơi an toàn, là nơi vẫn duy trì được điều kiện cơ bản của cuộc sống", Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.