Ngắm biểu tượng rồng trên các công trình kiến trúc, cổ vật triều Nguyễn
Thực hiện: Lê Chung | 08/02/2024
(Tổ Quốc) - Đến Thừa Thiên Huế ngày nay, người dân và du khách không khó để bắt gặp hình ảnh linh vật rồng xuất hiện nhiều trên các công trình kiến trúc, đền đài, lăng tẩm hay trên các tác phẩm nghệ thuật... Biểu tượng rồng có thể xem là một nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Cố đô Huế.
Là kinh đô cuối cùng của Việt Nam dưới thời quân chủ, Huế hiện là nơi còn lưu giữ nhiều nét văn hóa từ triều Nguyễn (1802-1945), trong đó không thể không kể đến biểu tượng rồng - một biểu tượng có thể dễ dàng bắt gặp ở nhiều công trình kiến trúc trúc, di tích, đền đài....
Rồng xuất hiện trong nghệ thuật Việt rất sớm, nhưng phải đến thời Nguyễn, hình tượng rồng mới đạt đến sự phong phú tối đa về đề tài, chất liệu và hình thức biểu đạt.
Các tác phẩm nghệ thuật, các công trình kiến trúc, cổ vật... gắn liền với hình tượng rồng thời nhà Nguyễn đến nay vẫn bảo tồn được vô số.
Trên chất liệu vàng bạc, hình rồng được điêu khắc tinh xảo phải kể đến là những chiếc ấn báu của Hoàng gia.
Dưới bàn tay tài hoa của những người thợ thủ công, hình ảnh rồng được thể hiện một cách công phu, đa dạng về hình thức và kiểu dáng.
Rồng trên "An dân bảo kiếm" chế tác thời vua Khải Định được làm từ sắt, vàng, đồi mồi, đá quý.
Rồng trên kim sách bằng vàng.
Hình tượng rồng cũng xuất hiện trên trang phục của vua quan triều Nguyễn.
Trước nhà hát cổ Duyệt Thị Đường hiện nay cũng có đôi rồng điêu khắc đồng. Rồng được đặt trên bệ vuông, thân nửa phần cuộn quanh, nửa phần dựng lên để tạo dáng ngồi xổm. Mắt rồng nhìn thẳng, bờm và vây lưng dựng đứng, dáng vẻ ngộ nghĩnh.
Trên các công trình kiến trúc, di tích, đền đài... biểu tượng rồng xuất hiện đa dạng về cách thức thể hiện và chất liệu.
Rồng trên cửa Hiển Nhơn phía Đông Hoàng Thành Huế.
Rồng trên cửa Chương Đức phía Tây Hoàng Thành Huế.
Di tích Nghinh Lương Đình với phần nóc mái được trang trí biểu tượng rồng.
Bên trong Hoàng Thành Huế là nơi có nhiều công trình, kiến trúc, di tích được trang trí biểu tượng rồng.
Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc tiêu biểu của di tích Cố đô Huế còn được lưu giữ nguyên vẹn cho đến nay và là nơi diễn ra các hoạt động lễ nghi triều chính của triều đình nhà Nguyễn trong suốt 143 năm tồn tại.
Trải qua hơn 200 năm tồn tại, trước các tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt, điện Thái Hòa bị xuống cấp nghiêm trọng nên đã được tiến hành trùng tu tổng thể từ tháng 11/2021, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Sau hơn 2 năm đóng cửa để trùng tu, du khách chỉ có thể tham quan thông qua hình thức du lịch thực tế ảo thì Tết Nguyên đán năm nay, điện Thái Hòa sẽ được đơn vị quản lý tạm bỏ hàng rào bảo bệ, dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang cảnh quan khu vực và trưng bày bên trong để phục vụ du khách.
Hình tượng rồng trang trí trên ngai vàng của vua (bản phục dựng) đặt tại điện Thái Hòa phục vụ khách tham quan.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cùng với việc mở cửa tại điện Thái Hòa thì điện Kiến Trung, một cung điện quan trọng khác cũng sẽ mở cửa đón khách tham quan vào Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sau thời gian dài tu bổ, phục hồi.
Rồng đắp vữa gắn sành sứ được phục dựng trên điện Kiến Trung.
Ấn tín hình rồng (phục dựng), văn phòng tư bảo để treo lên ngọn nêu tại tái hiện lễ Thướng Tiêu trong Hoàng cung Huế.
Năm nay, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng trang trí nhiều hình ảnh linh vật rồng đề phục vụ người dân tham quan dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó có 2 linh vật rồng lấy hình mẫu rồng triều Nguyễn đặt trước sân Bia Quốc học Huế.