(Tổ Quốc) - Với những quan điểm khác biệt liên quan tới tương lai chính trị của Syria và những lợi ích của Nga, mối quan hệ giữa Moscow và Damascus không sớm thì muộn sẽ phát sinh căng thẳng.
Ngày 12/5, trang tin Informed Comment đăng tải bài viết nhan đề: "Is Russia set to abandon its ally, Syria’s al-Assad?" (tạm dịch: Người Nga đang tìm cách bỏ rơi đồng minh Syria, Tổng thống Bashar al-Assad?) của nhà báo người Serbia Nikola Mikovic.
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn khách quan, trong bối cảnh các kênh truyền thông thế giới đang đi sâu phân tích về các động thái của Nga, Iran liên quan tới tương lai chính trị hậu xung đột của Syria, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Tại sao truyền thông Nga "tấn công" Tổng thống Syria al-Assad?
Những ngày gần đây, một tin đồn đang lan ra với tốc độ "chóng mặt" rằng nhiều khả năng người Nga đang tìm cách lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad hoặc buộc ông phải chấp nhận một hiến pháp mới hạn chế đáng kể quyền lực của mình.
Gần đây, truyền thông Nga đã liên tiếp tung ra các bài xã luận nhằm vào cá nhân ông Bashar al-Assad, cáo buộc ông điều hành một chính thể tham nhũng và cho rằng đã đến lúc cần thay thế ông trên cương vị tổng thống Syria bằng một người mới.
Việc Moscow bất ngờ chỉ trích đồng minh duy nhất của mình ở Trung Đông đã đặt ra câu hỏi về tương lai của Nga trong cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn ở Syria.
Điều đáng chú ý là Nga đã tích cực tham chiến ở Syria từ năm 2015, điều đó có nghĩa là Kremlin hiểu rất rõ về chính trị Syria trong quá khứ, tuy nhiên vì nhiều lý do, Moscow đã "nhắm mắt làm ngơ".
Mối quan hệ đồng minh giữa Nga và Syria chủ yếu phụ thuộc vào các lợi ích mà Moscow thu được ở quốc gia Trung Đông.
Vậy tại sao phải đợi tới năm 2020, truyền thông Nga mới "nhận ra" rằng Damascus tham nhũng?
Tình báo Nga nhiều năm qua đã khai thác thông tin về các đồng minh của họ trên khắp thế giới và báo cáo với Điện Kremlin, đặc biệt là khi các "đầu sỏ chính trị" và các quan chức Nga có bất đồng và tranh chấp với các lãnh đạo của các quốc gia nói trên.
Khi nói đến việc truyền thông Nga cáo buộc ông al-Assad, có thể suy đoán rằng vị tổng thống này đang là "hòn đá ngáng đường" trong các kế hoạch liên quan đến cảng Latakia của Nga bằng cách chấp thuận để Iran "lấn lướt" với việc xây dựng tuyến đường sắt Shalamcha.
Tuyến đường sắt Shalamcha kết nối Basra, Baghdad ở Iraq với Albu Kamal (al-Bukamal) và Damascus ở Syria sẽ cho phép Tehran tiếp cận trực tiếp bờ biển Syria và Lebanon.
Tuyến đường sắt Shalamcha được kết nối thành công sẽ là "cánh cửa" và cũng là con đường ngắn nhất giúp Iran tiếp cận Địa Trung Hải.
Moscow có muốn "thay ngựa giữa dòng" hay không?
Người Mỹ đã tỏ thái độ hoan nghênh sự thay đổi chính sách của Nga đối với Syria, vì điều đó có thể sẽ trực tiếp làm suy yếu ảnh hưởng của Iran trong khu vực Trung Đông. Đại diện của Mỹ về Syria ông James Jeffrey đã đưa ra bình luận:
"Chúng tôi đã thấy một số tín hiệu trên truyền thông Nga và trong một số hành động nhất định của Moscow - cho thấy việc tăng cường sự linh hoạt (của Nga) đối với Ủy ban Hiến pháp ( Syria)".
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng tại thời điểm hiện tại, việc Moscow tìm cách lật đổ Tổng thống al-Assad là điều khó có thể xảy ra, vì nó sẽ tạo ra sự bất ổn ở phần lớn lãnh thổ Syria nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Damascus.
Ở một tương lai xa, có thể Nga sẽ vì những lý do riêng mà tính đến phương án "Assad must go" (tạm dịch: Assad phải ra đi) mà Phương Tây thường đề cập.
Còn hiện tại họ sẽ chỉ đơn thuần "gây áp lực" với nhà lãnh đạo Syria nhằm thu được những nhượng bộ nhất định.
Tuy nhiên, "nói thì dễ hơn làm". Mặc dù phụ thuộc nhiều vào Moscow, chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad có một đồng minh khác cũng không kém phần mạnh mẽ là Iran.
Tehran có khá nhiều lợi ích cần phải bảo vệ ở Syria. Trước khi người Nga tham chiến, Iran đã huy động một lực lượng dân quân Shia khổng lồ từ khắp Trung Đông và Trung Á để giúp đỡ Damascus chống lại các nhóm phiến quân và khủng bố chủ yếu là người Sunni.
Nhiều năm qua, Tehran cũng vẫn tiếp tục sử dụng các nhóm vũ trang người Shia ở Syria như một "công cụ" để gây áp lực lên đối thủ khu vực là Israel.
Một tay súng vẫy cờ của nhóm vũ trang Shia Harakat Hezbollah al-Nujaba bên cạnh bức tranh Tướng Iran Qassem Soleimani tại một nhà nguyện Sunni trong thành phố Aleppo vào năm 2015.
Có hay không "thỏa thuận đen tối" giữa Nga và Mỹ?
Người Nga đang tỏ thái độ "hai mặt" ở Syria. Một mặt họ tỏ ra đồng thuận với Tehran liên quan tới các hoạt động quân sự chung nhưng mặt khác lại có các phản ứng không tương xứng với các cuộc tập kích của máy bay Israel vào các "mục tiêu Iran" và phòng không Syria.
Moscow là hiện là đồng minh của Damascus, nhưng thực tế họ đã phải mất 4 năm "suy tính" mới đưa ra quyết định đưa lực lượng Nga tới Syria và tiến hành không kích nhằm vào các nhóm vũ trang cực đoan được Phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Vùng Vịnh hậu thuẫn.
Nói cách khác, nếu Nga chịu ra tay từ đầu cuộc chiến, ông al-Assad đã có thể đập tan cuộc nổi loạn ngay từ khi nó còn "trứng nước", giống như cách mà người tiền nhiệm và cũng là cha ruột của ông đã làm trong cuộc nổi dậy của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo tại Hama vào năm 1981.
Tuy nhiên, người Nga đã "án binh bất động" cho đến khi phiến quân dẫn đầu bởi nhóm khủng bố IS liên tiếp giành thắng lợi và đứng trước cơ hội chiếm giữ các cơ sở quân sự và kinh tế quan trọng của Syria.
Có thể mối quan tâm duy nhất của Nga ở thời điểm đó không phải là sự sụp đổ của đồng minh duy nhất ở Trung Đông mà là một sự quan tâm khác - sự vô chính phủ ở Syria hậu chiến sẽ là điều kiện quan trọng cho phép các nhóm khủng bố mở rộng và uy hiếp chính nước Nga.
Mặt khác, mục tiêu của cuộc can thiệp Syria của Nga không phải là giữ cho ông al-Assad nắm quyền và cũng không vì mục đích giúp đỡ người dân Syria mà là bảo vệ các căn cứ và ảnh hưởng của Nga trong khu vực.
Về lâu về dài, cách tiếp cận vấn đề nói trên chắc chắn sẽ khiến mối quan hệ giữa Moscow và Damascus phát sinh căng thẳng và "rạn nứt" là điều tất yếu phải xảy ra.
Mặc dù "cuộc phiêu lưu" ở Syria đã giúp Điện Kremlin tái tạo "huyền thoại" rằng Nga đã trở lại vị thế cường quốc toàn cầu mà họ đã đánh mất sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng phần lớn Trung Đông vẫn nằm trong tầm ảnh hưởng của Mỹ.
Nếu Moscow quyết định lựa chọn phương án xấu nhất đó là "Assad must go", chắc chắn đó sẽ chỉ là một phần của "thỏa thuận đen tối" giữa họ với Washington và các thế lực trong khu vực.
Máy bay chiến đấu Nga bay trình diễn trên không phận Syria nhân Ngày chiến thắng phát xít (Nguồn: RT).