Ngắm toa tàu điện làm từ 15.000 mảnh gốm ở tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội
Thực hiện: Bảo Trung | 15/11/2024
(Tổ Quốc) - Toa tàu hóa thạch đặt tại ga S8 - Cầu Giấy (thuộc tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội) cao hơn 2,8 m, được tạo nên từ hàng chục nghìn mảnh gốm trong trạng thái tan chảy. Toa tàu lấy cảm hứng từ thiết kế tàu điện "Leng keng" ở Hà Nội đầu thế kỷ XX.
Tác phẩm nghệ thuật 5 giờ sáng, Hà Nội thức giấc - Il est cinq heures, Hanoï s’éveille gây chú ý tại ga S8 - Cầu Giấy thuộc tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội. Tác phẩm phác họa một toa tàu điện được tạo nên từ hơn 15.000 mảnh gốm.
Tác phẩm do nghệ sĩ Nguyễn Xuân Lam thực hiện, được Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) thông qua quỹ Métis trao tặng cho TP Hà Nội. Thân tàu là hình ảnh một vườn bách thú - bách thảo có ý nghĩa tương tác với Công viên Thủ Lệ gần nhà ga S8.
Tác giả cho biết toa tàu lấy cảm hứng từ thiết kế tàu điện Leng keng Hà Nội đầu thế kỷ XX, kỳ vọng đây là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại khi được trưng bày tại tầng trung chuyển của nhà ga S8. Toa tàu hóa thạch cao hơn 2,8 m, chiều ngang hơn 3,6 m được tạo nên từ các mảnh gốm trong trạng thái tan chảy. Tác phẩm ra đời nhằm nâng cao trải nghiệm giao thông công cộng và gửi gắm thông điệp bảo vệ môi trường đến hành khách.
Kỹ thuật vẽ sử dụng nhiều nét nhỏ đan chéo được lấy cảm hứng từ cách dệt họa tiết vải vùng Jouy (Toile de Jouy) - biểu tượng của văn hóa Pháp. Họa tiết này thường miêu tả những khung cảnh thiên nhiên nên thơ hay câu chuyện thần thoại.
"Tôi chọn thiết kế bệ đỡ của tàu là một hình lục giác với mong muốn tác phẩm biểu trưng cho tình bạn và giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Pháp trong thế kỷ 21. Những hình ảnh khu vườn tan chảy còn gợi cho người xem những suy nghĩ về mối quan hệ giữa con người, đô thị với thiên nhiên", họa sĩ Nguyễn Xuân Lam nói.
Theo tác giả, quá trình thực hiện toa tàu thuận lợi nhờ sự phối hợp chặt chẽ với các trợ lý và đối tác tại làng gốm Bát Tràng. "Từ Paris đến Hà Nội, với sự hỗ trợ của AFD, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cùng đội ngũ thi công 15 người, ý tưởng nghệ thuật đã dần thành hiện thực sau hơn 5 tháng làm việc cường độ cao", họa sĩ Xuân Lam nói và cho biết, anh làm việc mỗi ngày 12 tiếng trong hơn 2 tháng rưỡi.
Đội ngũ thi công cũng tốn tròn 3 tháng từ sáng tới đêm để hiện thực hóa bản vẽ. Anh Nguyễn Xuân Lam tách khu vườn của mình thành hơn 206 mảnh ghép. Sau đó các nghệ nhân dùng kỹ thuật in lụa (screen printing) chuyển hóa trực tiếp nét vẽ lên đất sét.
Bậc thang đi lên toa tàu, bên trái là hiệu ứng những mảnh vỡ.
Mô hình toa tàu thu hút sự chú ý của người xem khi đến và rời ga Cầu Giấy. Thùy Dương, 19 tuổi, chụp ảnh cùng tác phẩm trước khi rời khỏi ga, cho biết ấn tượng trước độ hoành tráng của mô hình.
Du khách dừng chân chiêm ngưỡng tác phẩm
Theo ban tổ chức, dự án đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội là biểu tượng của mối quan hệ Việt - Pháp trong phát triển đô thị bền vững. Dịp này, Cơ quan Phát triển Pháp phối hợp Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội và nghệ sĩ Nguyễn Xuân Lam thực hiện tác phẩm công cộng nhằm tạo nên không gian thú vị, thúc đẩy ý thức về biến đổi khí hậu tại Việt Nam.