• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngăn chặn biến tướng trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Bài 1: Hiểu rõ giá trị di sản, đoàn kết, thống nhất để phát huy

Văn hoá 21/10/2024 19:43

(Tổ Quốc) - Thời gian gần đây, 1 bộ phận mang danh thầy đồng, cô đồng nhưng có những hành động, ứng xử thiếu chuẩn mực, gây bất bình trong cộng đồng những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến một tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt từ thế kỷ XVI đã trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân, đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống con người. Sau khi được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016, việc giữ gìn sự trang nghiêm, đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau trong cộng đồng những người thực hành tín ngưỡng này là điều tối quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị của tín ngưỡng Thờ Mẫu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một bộ phận mang danh thầy đồng, cô đồng nhưng có những hành động, ứng xử thiếu chuẩn mực, gây bất bình trong cộng đồng những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến một tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc.

Ngăn chặn biến tướng trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu: Hiểu rõ giá trị di sản, đoàn kết, thống nhất để phát huy  - Ảnh 1.

Hình ảnh biến tướng trong thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu- quay lưng vào ban thờ, phán truyền tại Đền Cửu Thiên Huyền Nữ (Hưng Yên) được lan truyền trên mạng xã hội

Ai cũng có thể làm đồng thầy?

Những năm gần đây, truyền thông đã nhiều lần phản ánh hiện tượng có những thanh đồng, những người đóng vai trò quan trọng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, không giữ được sự chuẩn mực trong hành vi, lối sống. Hiện tượng một số thanh đồng họ lợi dụng tín ngưỡng để tự phong thánh thần, phán truyền, làm sai lệch những giá trị lịch sử, thậm chí công khai bói toán, mê tín dị đoan đã và đang làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp và giá trị của di sản này.

Đáng lo ngại hơn, sự lên ngôi của công nghệ 4.0, hiện tượng các thanh đồng lộng ngôn, sử dụng những lời tục tĩu trong giao tiếp đang gia tăng và phổ biến trên mạng xã hội. Thay vì giữ gìn sự thiêng liêng và kính cẩn, nhiều người lại lạm dụng ngôn từ để tự tôn vinh mình hoặc hạ thấp người khác, nhất là trên mạng xã hội. Những lời nói thiếu kiểm soát, lạm dụng danh xưng để thao túng tâm lý đệ tử hoặc thậm chí biến tín ngưỡng thành nơi "buôn thần bán thánh" đang tạo ra một hình ảnh méo mó về tín ngưỡng thờ Mẫu và gây ra sự bất bình trong cộng đồng những người thực hành di sản.

Rất nhiều clip được lan truyền trên mạng xã hội facebook, tiktok về các cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, trong đó có những thanh đồng thực sự giữ gìn chuẩn mực trong thực hành di sản, nhưng cũng có vô vàn clip phản cảm của những người tự xưng là cô đồng, thầy đồng.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, facebook có tên CCxđ, có rất nhiều clip người chủ tài khoản này dùng lời lẽ thô tục để chửi bới người khác, đáng báo động hơn, khi người này thực hiện hành vi này lại có cả trẻ em ngồi bên cạnh. Những ngôn từ chửi bới, nhục mạ người khác thiếu căn cứ được nói bạt mạng, thiếu phù hợp với một người lớn chứ chưa nói ở vị trí một thanh đồng- người thực hành tín ngưỡng tốt đẹp lại có hành vi phản cảm như vậy. Những ai nói lời ngược ý sẽ bị réo tên, chửi rủa, xúc phạm công khai trên các clip.

Sở hữu kênh facebook có 10 ngàn lượt thích, những clip chửi bới người khác của CCxđ đều có vài ngàn lượt xem, qua đó, người chủ tài khoản kêu gọi mọi người tặng sao, đọc số điện thoại để mời gọi mọi người liên hệ tư vấn.

Hay như trang tiktok thaysu lại chia sẻ những clip phản cảm về "làm phép đầu thai chuyển kiếp". Đặc biệt, ngày 11/10/2024, trang này cũng chia sẻ giá hầu có sự tham gia của nhiều thanh đồng được cho là có uy tín ở Hưng Yên tại Đền Cửu Thiên Huyền Nữ nhưng lại thực hành sai lề lối, phép tắc khi quay lưng về phía ban công đồng và nhân danh Thánh Mẫu để phán truyền. Việc phán truyền là điều cấm kỵ trong hầu đồng từ xưa đến nay. Việc tự xưng là Mẫu kèm theo lời phán truyền là hành động xúc phạm đến Mẫu và các đấng siêu nhiên của tín ngưỡng. Không chỉ vậy, nhiều người cho rằng, đây là hành động làm sai lệch giá trị di sản, truyền bá mê tín dị đoan, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa và Luật Tín ngưỡng tôn giáo.

Để chấn chỉnh hiện tượng này, ngay ngày 15/10, Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên đã có văn bản gửi UBND TP Hưng Yên yêu cầu chỉ đạo các phòng chuyên môn, Ban Quản lý di tích Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến khẩn trương làm rõ sự việc tại di tích đền Cửu Thiên Huyền Nữ; có biện pháp nhắc nhở các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân của Hưng Yên có mặt tại sự kiện nói trên; đồng thời, chấn chỉnh các hoạt động liên quan đến bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bản thành phố, đảm bảo tuân thủ Luật Di sản văn hóa và Công ước 2003, tránh gây bức xúc trong cộng đồng chủ thể di sản, đặc biệt là trong các nghệ nhân nắm giữ di sản.

Ngăn chặn biến tướng trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu: Hiểu rõ giá trị di sản, đoàn kết, thống nhất để phát huy  - Ảnh 2.

Đã có những cô đồng phải hầu tòa vì những hành vi vi phạm pháp luật trong thực hành tín ngưỡng

Còn nhớ cách đây 3 năm (năm 2021), chủ tài khoản YouTube có tên Thầy Long 0984... (tên thật Lương Gia Long - tự xưng là "thầy Long"), khiến dư luận bất bình vì đăng nhiều clip tuyên bố mình là "Ngọc Hoàng đại đế". Thậm chí người đàn ông này còn đăng tải các clip tuyên truyền mê tín dị đoan, xúc phạm Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn vô cùng ngông cuồng.

Thế nhưng kênh YouTube "Thầy Long…" vẫn có tới trên 100 ngàn người theo dõi, đồng thời người này cũng giới thiệu số điện thoại, địa chỉ nhà riêng tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), giờ làm việc để "khách hàng" tiện liên hệ. Ngay sau khi dư luận lên tiếng, Sở TT&TT Hà Nội và công an quận đã vào cuộc và chủ tài khoản này đã dừng hoạt động.

Trường hợp cô đồng bổ cau xem bói một dạo nổi tiếng với "hot trend" "đúng nhận sai cãi" từng bị phạt 7,5 triệu đồng vì đăng tải những clip thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục... Sau đó, cô đồng này còn phải chịu trách nhiệm hình sự vì lợi dụng sự tín nhiệm, mê muội của một số người để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Nhắc lại những trường hợp trên để thấy, đã và đang có hiện tượng "loạn danh xưng" ai cũng có thể trình đồng, mở phủ và tự phong là thầy đồng, cô đồng.

Hiểu rõ giá trị di sản, đoàn kết, thống nhất để phát huy

Chia sẻ với chúng tôi về thực trạng này, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, NNƯT Đặng Ngọc Anh cho biết, phần lớn những người thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được cha truyền con nối, phải học tập, trau dồi hơn chục năm mới được trình đồng, mở phủ. Đồng thời, người thực hành Tín ngưỡng phải tuân thủ các điều luật của tín ngưỡng thờ Mẫu, các quy định của Bộ VHTTDL trong thực hành, trao truyền nghi thức hầu đồng của người Việt. Tuy nhiên, hiện nay có một hiện tượng đáng buồn là 1 số người lợi dụng tín ngưỡng, có được một số con nhang đệ tử là trình đồng, mở phủ, thực hành sai lề lối di sản.

Cũng theo NNƯT Đặng Ngọc Anh, một số quy định cần tôn trọng như không mang hầu đồng ra chợ, ra sân khấu, không phải là hầu Mẫu mà là thỉnh 3 giá Mẫu... Khi hầu thánh trang phục phải như thế nào, bó hương như nào... đều có quy tắc mà phải học từ những nghệ nhân đi trước để có được cách thực hành chuẩn mực.

"Chúng ta phải nên nhớ rằng hầu đồng là diễn xướng, đóng vai diễn lại các tích của các vị Thánh để mong các ngài ban lộc ban tài. Mỗi giá đồng là một câu chuyện về một vị anh hùng, lúc sinh thời là người có đức độ, tài giỏi, có công với dân với nước, do đó được hầu cái bóng của các vị thánh là niềm vinh dự, tự hào đối với nghệ nhân. Bên cạnh việc hầu thánh, việc thực hành Tín ngưỡng còn là truyền bá cho người dân biết về lịch sử, gốc tích của các vị thánh để hiểu sâu sắc về ý nghĩa của từng giá đồng. Thông qua đó, người nghệ nhân giúp cho mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn và công lao của cha ông và giới thiệu về văn hóa, lịch sử đất nước, con người Việt Nam. Bởi vậy, tôi mong rằng các thanh đồng hãy gìn giữ nét đẹp của hầu đồng, đừng chạy theo một cách cuồng tín mà làm mất đi nét đẹp của di sản văn hóa này"- NNƯT Đặng Ngọc Anh chia sẻ.

Ngăn chặn biến tướng trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu: Hiểu rõ giá trị di sản, đoàn kết, thống nhất để phát huy  - Ảnh 3.

Chủ tài khoản có tên Thầy Long 0984... (tên thật Lương Gia Long - tự xưng là "thầy Long") đã bị xử phạt vì tự nhận là Ngọc hoàng đại đế đồng thời truyền bá mê tín dị đoan trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần thống nhất cộng đồng thực hành, cộng đồng sở hữu di sản có vai trò quan trọng nhất trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, cộng đồng chủ thể chỉ có thể phát huy tốt vai trò của mình trên cơ sở hiểu rõ giá trị di sản, có hiểu biết đầy đủ, chia sẻ thông tin lẫn nhau, có sự đoàn kết, thống nhất để phát huy giá trị di sản của mình.

Thực tế, di sản văn hóa vô cùng quan trọng nhưng mong manh và nhạy cảm trước sự thay đổi của thời cuộc. Các địa phương khi tổ chức sự kiện, lễ hội, liên hoan liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu - di sản hết sức nhạy cảm, cần có sự tham vấn với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thông qua Cục Di sản văn hóa (dù đã có sự phân cấp, phân quyền cho các địa phương), bởi đây không phải là sinh hoạt văn hóa làm ở đâu cũng được, làm gì cũng được.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa, khi có những vấn đề xảy ra, cần trao đổi với các bên có liên quan để có thông tin cụ thể, chính xác, từ đó ban hành văn bản quản lý. PGS.TS. Bùi Hoài Sơn cũng mong rằng, cơ quan quản lý có quy định cụ thể hơn nhằm hướng dẫn cộng đồng Thực hành di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ