(Tổ Quốc) - Ngân hàng Standard Chartered cho rằng thặng dư thương mại Việt Nam tháng 4 tăng lên 1,5 tỷ USD từ mức 0,7 USD trong tháng 3.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô gần đây về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam xuống 6,5% từ mức 7,2% trước đó.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nhận định: "Việt Nam có đặc thù nhập khẩu nhiều, do vậy các chỉ số nhập khẩu giảm đáng kể cho thấy hoạt động kinh tế đang chậm lại, mặc dù sức tiêu dùng trong nước vẫn mạnh".
Số liệu của Standard Chartered cho thấy các chỉ số vĩ mô trong tháng 4 có sự chậm lại. Xuất khẩu giảm 17,1% so với cùng kỳ, nhập khẩu giảm 20,5% so với cùng kỳ và sản xuất công nghiệp chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ; thặng dư thương mại tăng lên 1,5 tỷ USD từ mức 0,7 USD trong tháng 3.
Lạm phát ở mức 2.8% trong tháng 4, giảm tháng thứ ba liên tiếp từ mức 4.9% hồi tháng 1; lạm phát cơ bản tăng 4.6% do doanh số bán lẻ tăng mạnh 11.5%. Vốn FDI giải ngân từ tháng 1-4/2023 đạt tổng cộng 5.9 tỷ USD, giảm 1.2% so với cùng kỳ; vốn FDI cam kết đạt 8.9 tỷ USD, giảm 17.9%.
Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản xuống 5% vào cuối quý II, sau đó lãi suất sẽ duy trì cho đến cuối năm 2025. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra tình huống lãi suất sẽ tăng, đặc biệt là vào cuối năm, do NHNN có thể sẽ chú trọng vào sự ổn định của thị trường tài chính hơn là tăng trưởng.
Chuyên gia của Standard Chartered cho biết từ đầu năm 2023, NHNN đã chuyển hướng sang hỗ trợ quá trình phục hồi của nền kinh tế. Ngoài việc cắt giảm lãi suất, NHNN còn hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn bằng cách cho họ thêm thời gian để giải quyết tình trạng thiếu thanh khoản.
"Tháng 4 năm nay, các điều khoản cho vay đã dễ dàng hơn, bao gồm việc hoãn trả nợ (tối đa 12 tháng) và miễn giảm lãi suất. Thị trường bất động sản có thể sẽ cần thêm các biện pháp hỗ trợ thanh khoản do các biện pháp tính đã được triển khai tính đến nay mới chỉ giúp làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn", ông Tim Leelahaphan cho biết.
Theo Báo báo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023, GDP quý I ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91% vào mức tăng chung.
Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh.
Tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm một số ngành dịch vụ quý I/2023 như sau: Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,98% so với cùng kỳ năm trước; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,65%; ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%.
Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2022, triển vọng năm 2023 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố mới đây đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023.
Cụ thể, kịch bản thứ nhất, tăng trưởng GDP đạt 6,47%; lạm phát bình quân 4,08%; tăng trưởng xuất khẩu 7,21% và cán cân thương mại là 5,64 tỷ USD. Kịch bản thứ hai tích cực hơn khi tăng trưởng GDP tăng 6,83%; lạm phát 3,69%; tăng trưởng xuất khẩu 8,43% và cán cân thương mại là 8,15 tỷ USD. Các mức tăng trưởng này khá cao so với mức dự báo tăng trưởng bình quân của thế giới là 2,2% mà báo cáo đưa ra.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng cao nhất khu vực ASEAN-6, với GDP tăng 5,8% so với cùng kỳ. Ngày 13/3, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 được dự báo đạt 6,3%.