(Tổ Quốc) - Dù sở hữu đôi bàn chân được xem là yếu điểm của VĐV điền kinh, nhưng Ngần Ngọc Nghĩa đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại.
Bàn chân bẹt trong thể thao, đặc biệt trong điền kinh được xem là một yếu điểm lớn với các VĐV bởi việc chịu lực, cân bằng, đi đứng nhẹ nhàng, giúp giảm phản lực từ mặt đất dội lên khi chân di chuyển hoặc chơi thể thao sẽ dễ bị té, gặp chấn thương. Nói cách khác, những VĐV sở hữu bàn chân bẹt khó có thể chạy nhanh.
Tuy nhiên, một số trường hợp đã chứng minh bàn chân bẹt vẫn có thể đạt được những thành tích lớn. Giải điền kinh vô địch Quốc gia 2020 đã chứng kiến trường hợp phá kỷ lục đầu tiên thuộc về VĐV Ngần Ngọc Nghĩa ở cự ly 100m nam. Với thành tích 10 giây 40, Ngần Ngọc Nghĩa đã phá kỷ lục của chính bản thân (kỷ lục cũ 10 giây 47).
Một điểm đáng chú ý ở Ngọc Nghĩa là dù sở hữu đôi bàn chân bẹt, nhưng chàng trai 21 tuổi vẫn bỏ xa đối thủ gần nhất với 0,333 giây (HCB ở nội dung này là Trịnh Việt Tú đoàn Quân đội với thành tích 10 giây 7333).
"Chân của Nghĩa ban đầu là bàn chân chuẩn, nhưng hồi bé cậu ấy sống ở vùng núi, trong quá trình di chuyển qua lại khiến cho cấu trúc bàn chân bị biến đổi. Khi tôi tuyển chọn Nghĩa ở Sơn La, tôi đã thấy bàn chân của Nghĩa sẽ khiến em gặp bất lợi. Nhưng không phải vì thế mà tôi bỏ qua. Bàn chân bẹt cũng là một yếu tố để đánh giá, chứ không phải hoàn toàn" – HLV Nguyễn Văn Hoàng, người trực tiếp huấn luyện cho VĐV Ngần Ngọc Nghĩa chia sẻ.
Theo HLV Nguyễn Văn Hoàng, đối với người bình thường sở hữu đôi bàn chân cong thì độ đàn hồi khi tiếp xúc với mặt đất sẽ tốt hơn. Nhưng với những bàn chân bẹt, lực thấm xuống mặt đất sẽ nhiều hơn khiến cho tốc độ bị chậm lại. Bên cạnh đó, bàn chân của Ngọc Nghĩa cũng bị hướng ra bên ngoài khiến cho khi di chuyển lực bị phát tán.
Để khắc phục yếu điểm này, HLV Nguyễn Văn Hoàng đã đưa ra nhiều bài tập khắc phục như cuốn chân, tập đi trên đường thẳng… để hướng bàn chân của Nghĩa đúng với tiêu chuẩn Điền kinh.
"Để khắc phục cho Nghĩa, chúng tôi đã phải dùng nhiều biện pháp như cuốn chân, mỗi ngày đều cho bạn ấy tập trên một đường thẳng. Mỗi buổi tập sáng, Nghĩa đều phải chạy hướng mũi chân trên một đường thắng trong khoảng 15-20 phút. Đến bây giờ, Nghĩa vẫn phải tập các bài bổ trợ như vậy" – HLV Nguyễn Văn Hoàng cho biết.
Được biết, quá trình luyện tập trên của Nghĩa kéo dài liên tục trong 5 năm theo nghề, lặp lại hàng ngày cho đến tận thời điểm hiện tại. Bắt đầu tập cho đội Công an nhân dân từ năm 2015, đến năm 2018, Ngọc Nghĩa đã đạt được những thành tích đầu tiên.
Cũng theo HLV Nguyễn Văn Hoàng, ở Nghĩa hoàn toàn không xuất hiện sự chán nản. Dù bài tập lặp đi lặp lại và kéo dài trong nhiều năm nhưng kỷ lục gia 21 tuổi vẫn nghiêm tục thực hiện, không than vãn bất kì lời nào.
Năm 2018, chỉ 2 tháng trước Đại hội Thể thao toàn quốc 2018, Ngọc Nghĩa dính chấn thương cơ đùi sau. Hầu hết HLV đều nghĩ VĐV người Sơn La sẽ không thể đạt được thành tích khi chỉ tập các bài hô hấp, hồi phục, massage, sức bền mà không dám tập mạnh. Mục tiêu khi ấy chỉ là tham dự giải để cải thiện thành tích. Tuy nhiên, Nghĩa đã gây bất ngờ khi giành tổng cộng 3 HCV gồm 2 HCV cá nhân và 1 HCV đồng đội.
"Năm 2018 tôi đã lập kỷ lục Quốc gia, khi ấy mới bình phục chấn thương nên tôi rất vui bởi trước đó tôi chưa từng nghĩ sẽ đạt được thành tích như thế. Năm nay tôi còn bất ngờ hơn vì ảnh hưởng của Covid – 19 trước đó khiến chúng tôi tập luyện khó khăn. Trong thời gian cách ly xã hội, chúng tôi gần như không tập luyện được gì. Chỉ ở trong phòng tập, tập các bài bổ trợ như bật, lò cò, tập cùng dây chun. Chúng tôi không thể chạy vì cơ sở vật chất không có" – Ngần Ngọc Nghĩa chia sẻ.
Hướng tới mục tiêu xa
Theo Trần Ngọc Nghĩa, thành tích đạt được tại giải Điền kinh vô địch Quốc gia 2020 tốt hơn so với năm 2018 khi phong độ, cơ thể tốt hơn.
Mục tiêu tới đây của của Ngần Ngọc Nghĩa là nâng cao thành tích chạy. Dù đã phá kỷ lục của đại hội nhưng thành tích 10 giây 40 chỉ dừng ở mức cạnh tranh HCB tại SEA Games, nơi sở hữu thành tích cao nhất 10 giây 36.
"Với Nghĩa thì những năm tới có thể vượt qua thành tích hiện tại là 10 giây 40. Còn có giành HCV hay phá kỷ lục SEA Games hay không thì rất khó nói trước. Tôi hiểu rõ Nghĩa, cậu ấy rất mạnh ở nước rút và ở sau mét 30. Nếu có đối thủ mạnh để cạnh tranh, Nghĩa chơi càng tốt hơn. Khu vực Đông Nam Á rất mạnh ở cự ly ngắn, đặc biệt ở Thái Lan. Việt Nam chúng ta lại không có nhiều người tham dự các nội dung này. Trước đây chỉ có Lê Trọng Hinh, bây giờ có Nghĩa. Tố chất của Nghĩa rất đều nhưng phải cải thiện nhiều về sức mạnh, khả năng xuất phát cũng cần phải cải thiện. Hy vọng trong những năm tới, với các kế hoạch đã chuẩn bị, Nghĩa sẽ có được thành tích tốt nhất" – HLV Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ.