(Tổ Quốc) - Trang Vietnam Briefing dẫn tin, các mục tiêu chuyển đổi số của Việt Nam đã tạo nên những bước ngoặt lớn trong lĩnh vực kỹ thuật số của ngành chăm sóc sức khỏe.
Nỗ lực số hóa trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cụ thể là sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các ứng dụng y tế kỹ thuật số đang ngày càng phát triển trên thế giới.
MedTech (công nghệ y tế) được biết đến là việc ứng dụng công nghệ hiện đại và trí tuệ nhân tạo để thực hiện chăm sóc y tế từ xa, cung cấp giải pháp thiết thực cho cộng đồng. Ứng dụng này lấy khách hàng làm trung tâm, không chỉ thực hiện việc kết nối giữa bệnh nhân và các y bác sĩ mà còn là một vòng tròn sinh thái, hỗ trợ đề xuất các nhà thuốc, bệnh viện theo yêu cầu.
Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), dân số hiểu biết về kỹ thuật số của Việt Nam cũng như mức độ sử dụng điện thoại thông minh và internet cao đã đóng vai trò hỗ trợ hiệu quả cho những đổi mới của MedTech.
Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức mà các doanh nghiệp cần phải nhận thức được và việc hiểu rõ những thách thức quan trọng này có thể mang lại cho các công ty lợi thế cạnh tranh trong việc tận dụng tối đa tiềm năng to lớn.
Ngành MedTech Việt Nam qua những con số
Theo Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam được dự đoán sẽ tăng với tốc độ hàng năm là 9,2% từ năm 2009 đến năm 2025, đạt mức 262 USD/ người.
Nghiên cứu của VIRAC cũng cho thấy thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây, với chi tiêu cho các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tăng 11% trong thập kỷ qua. Theo Statista, doanh thu y tế số đạt 968,2 triệu USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng gấp 1,5 lần con số đó vào năm 2027.
Quá trình tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào sự thay đổi về nhân khẩu học, sự giàu có ngày càng tăng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn cũng như chính sách chăm sóc sức khỏe của chính phủ tại Việt Nam.
Hơn 31,6% dân số Việt Nam ở độ tuổi từ 45 trở lên.Tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng, ước chiếm khoảng 20% dân số vào năm 2024.
Với nhu cầu ngày càng cao đối với các tiêu chuẩn về dịch vụ chăm sóc sức khỏe, người tiêu dùng Việt Nam đang mong muốn tăng cường tính minh bạch, tiện lợi và cá nhân hóa từ các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Để giải quyết những nhu cầu mới nổi này, các công ty công nghệ chăm sóc sức khỏe đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số nhằm nỗ lực cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân.
Các công ty khởi nghiệp MedTech hàng đầu tại Việt Nam
Mặc dù đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, nhiều công ty khởi nghiệp MedTech tại Việt Nam rất nỗ lực đổi mới hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Công ty đầu tư mạo hiểm Nextran có trụ sở tại Hàn Quốc chỉ ra một số lĩnh vực chính hiện đang phổ biến trong các công ty MedTech, bao gồm công nghệ thông tin y tế, y tế từ xa, thiết bị y tế tiêu dùng và dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa trên AI.
Đặc biệt, các công ty MedTech thường đặt khách hàng làm trung tâm cho sự phát triển và đã đạt được nhiều thành công. Điều này phù hợp với phát hiện của McKinsey & Company, rằng việc áp dụng cách tiếp cận lấy khách hàng làm trung tâm sẽ giúp các công ty MedTech tạo ra doanh thu đáng kể hơn và tổng lợi nhuận cho cổ đông (TSR) cao hơn nhiều so với các công ty cùng ngành trong thế giới y tế ngày nay.
Bằng cách tập trung đổi mới lấy khách hàng làm trung tâm, các công ty khởi nghiệp MedTech tại Việt Nam cũng đang nhận được khoản đầu tư khá lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn như BuyMed có trụ sở tại Việt Nam đã nhận được 51,5 triệu USD tài trợ vào đầu năm nay.
BuyMed là nền tảng phân phối dược phẩm cung cấp các sản phẩm y tế cho hàng nghìn nhà thuốc, phòng khám trên khắp Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.
Theo Tech in Asia, vào tháng 5/2023, UOB Venture Management đã đầu tư 51,5 triệu USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng của BuyMed và cung cấp các phương pháp phân phối thuốc hiệu quả về mặt chi phí. Hiện tại, đây là công ty lớn nhất trong lĩnh vực MedTech tại Việt Nam, với hơn 20.000 khách hàng hoạt động hàng tháng và phục vụ trên 63 tỉnh thành tại Việt Nam.
Xu hướng mới nổi và cơ hội tăng trưởng trong ngành MedTech
Được trang bị những đổi mới công nghệ mạnh mẽ, cùng với nhu cầu ngày càng tăng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, ngành MedTech của Việt Nam sẵn sàng mở rộng nhanh chóng.
Nhận thức được xu hướng này, ngày càng nhiều bệnh viện ở Việt Nam đang hình thành quan hệ đối tác chiến lược với các công ty cung cấp dịch vụ tư vấn từ xa, y tế từ xa hoặc phẫu thuật ảo để tăng thêm giá trị cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Mặc dù việc áp dụng công nghệ 4.0 của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu nhưng quốc gia này đang đạt được tiến bộ trong đổi mới công nghệ và cố gắng đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số. Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia về Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu, điều cho thấy nỗ lực xây dựng sự sẵn sàng về kỹ thuật số của Việt Nam đang có hiệu quả.
Các công ty MedTech cũng đang sử dụng công nghệ tiên tiến trong các dịch vụ chẳng hạn như Dữ liệu lớn và AI, mở đường cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng hơn.
Thời gian tới, lĩnh vực này sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ khi người tiêu dùng yêu cầu nhiều hơn đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tích hợp kỹ thuật số trong bối cảnh chính phủ Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.
Tất nhiên, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý về khuôn khổ pháp lý của hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam nếu muốn thâm nhập sâu hơn vào thị trường MedTech nước này hoặc đầu tư vào các công ty MedTech./.