• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngành Công nghiệp phụ trợ Việt Nam cần tinh thần làm việc như HLV Park Hang-seo

Kinh tế 19/12/2018 15:20

(Tổ Quốc) - "Cần tinh thần làm việc có tầm chiến lược như HLV Park Hang-seo đưa đội tuyển Việt Nam giành ngôi vô địch AFF Suzuki Cup 2018 để ngành Công nghiệp phụ trợ Việt Nam vươn lên...", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, tổ chức sáng 19/12.

Ngành Công nghiệp phụ trợ Việt Nam cần tinh thần làm việc như HLV Park Hang-seo - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, tổ chức sáng 19/12. (Nguồn: Chinhphu.vn)

Tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá năng lực sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã hình thành và nhiều nơi đã dần hoàn thiện. Các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ của Việt Nam hiện tại không chỉ phát triển về lượng mà còn phát triển về chất như da giày, lắp ráp ô tô, xe máy....

Trong đó bao gồm những doanh nghiệp đang đi đầu trong các ngành sản xuất tại Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa cao và đang hình thành mạng lưới chuỗi sản xuất quy mô lớn như Trường Hải - Thaco, Samsung, VinFast... Samsung tại Việt Nam cho biết tỷ lệ nội địa hóa của họ là 30%, trong đó có các doanh nghiệp cung ứng tại Việt Nam có cả FDI và doanh nghiệp Việt. Công ty Trường Hải hiện có hơn 30 doanh nghiệp phụ trợ, phụ tùng sản xuất xe lên đến 40%. VinFast công bố 90% linh kiện xe máy điện là tại Việt Nam... Đây là những minh chứng và thành quả nội địa hóa tại Việt Nam.

Dù vậy, Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn còn những hạn chế.

"Chúng ta đã cố gắng song vẫn chưa đủ lực để tham gia vào chuỗi toàn cầu, trong khi tư duy khép kín sản xuất vẫn còn trong đầu của nhiều ông chủ doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp Việt chưa nắm vững được năng lực quản trị toàn cầu", Thủ tướng nói.

Cụ thể hơn, Thủ tướng cho biết, chuyên gia nước ngoài chỉ rõ Việt Nam còn quá ít trung tâm nghiên cứu và phát triển.

"Trường Hải thành công vì họ duy trì được hệ thống trường đào tạo nghề. Hay Tập đoàn Lộc Trời ở phía Nam, họ có hơn 1.300 kỹ sư chuyên về nông nghiệp. Nguồn nhân lực như thế mới phát triển được", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thời gian tới, Thủ tướng mong muốn Việt Nam cần đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, sản xuất, để trở thành một công xưởng sản xuất của châu Á, thế giới, khu vực ASEAN. Việt Nam có khát vọng phát triển nền tảng công nghiệp phụ trợ không chỉ là ôtô, xe máy, mà có thể là Boeing sẽ sản xuất cánh máy bay ở nước ta. Nền tảng công nghiệp phụ trợ không chỉ phục vụ một ngành mà còn nhiều lĩnh vực khác, tham gia vào chuỗi sản xuất khác nhau...

"Đây phải được xem là chiến lược, để giành nguồn lực, trí lực phát triển. Kinh tế phải làm sao thành công giống như đội tuyển bóng đá Việt Nam ấy", Thủ tướng nói.

Lấy ví dụ người Hàn Quốc, Nhật Bản có ý chí lớn phát triển đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta phải học tập. Chúng ta phải đưa tinh thần thể thao như thành công của đội tuyển Việt Nam vào công nghiệp hỗ trợ, phát triển kinh tế. Cần tinh thần làm việc có tầm chiến lược như HLV Park Hang-seo đưa đội tuyển Việt Nam giành ngôi vô địch AFF Cup 2018 để ngành Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vươn lên và thành công.

Hội nghị sáng nay được xem là sự kiện cuối cùng trong chuỗi các hội nghị chuyên đề được tổ chức trong năm nay để giải quyết các vấn đề then chốt, nóng bỏng đối với nền kinh tế Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, thực trạng chung của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay là quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế: Số lượng ít, năng lực sản xuất còn rất thấp, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, hạn chế nhất hiện nay của công nghiệp hỗ trợ là chính sách và khuôn khổ pháp luật được ban hành chậm, chưa đáp ứng thực tiễn và chưa đồng bộ như các chính sách về thuế, tín dụng, đất đai và môi trường nên chưa tạo ra cơ chế mạnh mẽ thúc đẩy ngành CNHT phát triển.

Bên cạnh đó, quy mô cũng như năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam còn hạn chế, số lượng còn ít. Cả nước mới chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp nội địa và chỉ có 300 doanh nghiệp tham gia vào tập đoàn đa quốc gia nhưng hiện vẫn đang khó tìm nguồn cung ứng cho chuỗi sản xuất.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ