• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngành du lịch Huế chủ động nhiều phương án phục hồi, phát triển khi dịch bệnh được kiểm soát

Thực hiện: Lê Chung | 27/09/2021

(Tổ Quốc) - Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động có nhiều phương án, những đề án, chương trình cụ thể nhằm thúc đẩy, níu giữ du khách ở lại và quay trở lại Huế khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.

Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để tái khởi động, phục hồi, phát triển hoạt động du lịch, tập trung các chính sách thu hút khách cũng như khuyến khích các đơn vị lữ hành đưa khách đến Huế trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tạo tiền đề cho việc đề xuất các chính sách, giải pháp kích cầu du lịch mới khi mở cửa du lịch... vừa qua, ngành du lịch tỉnh đã chủ động đề xuất, tham mưu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về kế hoạch phục hồi phát triển du lịch khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.

Ngành du lịch Huế chủ động nhiều phương án phục hồi phát triển khi dịch bệnh được kiểm soát - Ảnh 1.

Quần thể di tích Cố đô Huế.

Theo kế hoạch này, trong thời gian tới, khi tình hình dịch đã được khống chế, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có những đề án, chương trình cụ thể nhằm thúc đẩy, níu giữ du khách ở lại và quay trở lại Huế.

Thứ nhất, địa phương sẽ tiếp tục tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ mang tính đặc trưng, có đẳng cấp và sức cạnh tranh cao. Khai thác, phát huy các lễ hội; các loại hình văn hóa truyền thống phục vụ nhân dân và phát triển du lịch. Trong đó, tập trung xây dựng bộ sản phẩm mang thương hiệu Huế: "Huế - Kinh đô lễ hội", "Huế - Kinh đô áo dài", "Huế - Kinh đô ẩm thực" của Việt Nam.

Tiếp tục nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong tổ chức các hoạt động văn hóa lễ hội, nhất là các kỳ Festival Huế để gắn phát triển văn hóa với du lịch. Đổi mới và phát huy hiệu quả quản lý di tích Cố đô Huế, tiếp tục tổ chức Festival Huế theo hướng trải dài cả bốn mùa trong năm, tăng cường xã hội hóa, người dân làm chủ. Đồng thời, chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ và điểm đến vệ tinh để thu hút khách, giảm thiểu áp lực lên các di tích văn hóa.

Ngành du lịch Huế chủ động nhiều phương án phục hồi phát triển khi dịch bệnh được kiểm soát - Ảnh 2.

Du khách tham quan Đại Nội Huế.

Thứ hai, sẽ đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch theo hướng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị Di sản gắn với phát triển du lịch là một trong các nhóm ưu tiên tập trung phát triển; ưu tiên phát triển du lịch di sản làm nòng cốt, đặc trưng để xây dựng sản phẩm, điểm đến du lịch.

Quy hoạch một cách bài bản khu vực phát triển kinh tế đêm gắn với hoạt động du lịch, trong đó tập trung vào các loại hình đặc thù về đêm phục vụ du lịch là phố đêm, phố đi bộ, phố ẩm thực ở khu vực trung tâm TP Huế, khu vực Đại Nội.

Hoàn thiện, nâng cao chất lượng các phố đêm, phố đi bộ hiện có nhằm đảm bảo hệ thống các dịch vụ như mua sắm, ăn uống, nghệ thuật, vui chơi giải trí sôi động, đặc sắc, đặc trưng của văn hóa và con người Huế.

Thứ ba, địa phương sẽ nghiên cứu tổ chức các điểm khai thác dịch vụ du lịch về đêm ở quần thể di tích cố đô Huế, nhất là khu vực Đại Nội, từng bước tái hiện không gian văn hóa cung đình, khôi phục các giá trị văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực Cung đình Huế và một số sản phẩm cung đình đặc sắc khác, nhất là tạo ra các trải nghiệm dịch vụ, sản phẩm tại khu vực này. Hình thành phố đi bộ khu vực xung quanh Hoàng Thành Huế với chủ đề "Đêm Hoàng Cung" giúp du khách khám phá sâu về giá trị văn hóa đêm.

Ngành du lịch Huế chủ động nhiều phương án phục hồi phát triển khi dịch bệnh được kiểm soát - Ảnh 3.

Thừa Thiên Huế tiếp tục nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong tổ chức các hoạt động văn hóa lễ hội, nhất là các kỳ Festival Huế để gắn phát triển văn hóa với du lịch.

Thứ tư, sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, kết nối giao thông thuận lợi cho các điểm đến phát triển du lịch, dịch vụ. Hoàn chỉnh các tuyến đường ra vào thành phố, xây dựng mới các nút giao thông nội đô; nâng cấp các tuyến giao thông trong khu vực nội thành. Xây dựng mới các bến xe liên khu vực và tu sửa hệ thống bến bãi nội đô. Triển khai xây dựng các bến, bãi đỗ xe ô tô phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện các dịch vụ và chỉnh trang các hạ tầng thiết yếu tại khu phố đêm Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu - Chu Văn An, không gian văn hóa nghệ thuật trục đường Lê Lợi để hấp dẫn hơn nữa với du khách và cộng đồng địa phương; xây dựng phố đêm tại các đường quanh Đại Nội Huế; hình thành không gian đi bộ bờ Bắc sông Hương kết nối không gian đi bộ bờ Nam sông Hương gắn phát triển phố đêm với hình thành khu ẩm thực về đêm để phục vụ nhu cầu của du khách.

Cùng với đó, phát triển mạnh các dịch vụ du lịch trên sông Hương cũng như hai bờ sông Hương; xây dựng tuyến du lịch bằng đường thủy dọc theo sông Ngự Hà, sông An Cựu, sông Đông Ba.

Thứ năm, sẽ tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm, điểm đến khu du lịch Lăng Cô – Cảnh Dương tạo sức hút phát triển du lịch phía Nam của tỉnh, xứng tầm một điểm đến mang tầm cỡ quốc tế với những sản phẩm du lịch nổi bật về nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, các sự kiện văn hóa - thể thao, cảng quốc tế.

Phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch Lăng Cô - Cảnh Dương trở thành điểm đến quan trọng hàng đầu của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút được các dự án đầu tư phát triển du lịch, đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia.

Ngành du lịch Huế chủ động nhiều phương án phục hồi phát triển khi dịch bệnh được kiểm soát - Ảnh 4.

Phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch Lăng Cô - Cảnh Dương trở thành điểm đến quan trọng hàng đầu của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác triển khai các dự án đầu tư có quy mô lớn, có thương hiệu nhằm tạo điểm nhấn thúc đầy phát triển du lịch khu vực và toàn tỉnh. Tập trung thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch cao cấp cùng các loại hình dịch vụ đẳng cấp cao ở vùng biển, đầm phá và các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp, những khu phố đêm sôi động, tạo nên sự đối đẳng và bổ sung cho thành phố di sản Huế nhằm thu hút du khách quốc tế.

Thứ bảy, tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng số, hướng tới thời kỳ số trong quản lý và phục vụ phát triển du lịch với kết cấu hạ tầng, cơ sở dữ liệu vững chắc và các ứng dụng hoạt động xuyên suốt và chuyên nghiệp. Ưu tiên phát triển hạ tầng phục vụ du lịch thông minh, tập trung nguồn lực để chuyển đổi số trong ngành du lịch. Áp dụng các tiện ích quản lý thông minh, liên thông dữ liệu; phát triển các dự án du lịch thông minh, trải nghiệm thực tế ảo, du lịch số.

Thứ tám, đầu tư hoàn thiện và hình thành các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng tại các địa phương có tiềm năng phát triển. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ phát triển giúp các điểm đến đủ điều kiện được công nhận là các khu, điểm du lịch.

Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ tiến hành xây dựng chiến lược xúc tiến quảng bá du lịch trong tình hình mới phù hợp với nhu cầu, xu hướng, thị trường du lịch. Xây dựng các thương hiệu điểm đến của Huế để quảng bá, giới thiệu về hình ảnh điểm đến. Tăng cường chương trình kích cầu du lịch trong năm để thu hút khách du lịch và giới thiệu quảng bá điểm đến cho du lịch địa phương./.

NỔI BẬT TRANG CHỦ