(Tổ Quốc) - Sau khi ngành hàng không được tái khởi động, số liệu cho thấy trong thời gian vừa qua, sản lượng vận chuyển hàng không đã tăng mạnh so với giai đoạn thấp điểm vì giãn cách xã hội.
Khôi phục kinh tế là mục tiêu hàng đầu
Sau khi dịch Covid-19 có chuyển biến tích cực tại Việt Nam, trong phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, việc khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh là mục tiêu hàng đầu để vực dậy nền kinh tế của quốc gia.
Trong khi nền kinh tế đang dần quay trở lại quỹ đạo, nhiều doanh nghiệp bắt đầu đi vào hoạt động trở lại, kéo theo nhu cầu di chuyển công vụ khắp cả nước, đặc biệt ở các trung tâm kinh tế lớn đang ngày càng tăng cao. Mặt khác, các nhu cầu như du lịch, thăm thân… của người dân cũng đang phát triển, sau khoảng thời gian cách ly xã hội vừa qua.
Với tình hình thuận lợi này, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đã kiến nghị Bộ GTVT cho phép từ ngày 5/5/2020 tăng tần suất các đường bay trục, cụ thể: tăng lên 52 chuyến khứ hồi/ngày đối với đường bay Hà Nội – TP Hồ Chí Minh; và tăng tần suất lên 20 chuyến khứ hồi/ngày với mỗi đường bay giữa Hà Nội/TP Hồ Chí Minh – Đà Nẵng.
Trước đó, trong vòng 15 ngày giãn cách xã hội toàn quốc, dù hệ thống giao thông gần như bị cắt đứt giữa các vùng miền, tuy nhiên các đường bay giữa Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, Hà Nội/TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng vẫn được duy trì, cho thấy sự quan trọng của các trục kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
Kể từ ngày 1/6/2020, các hãng sẽ khai thác trở lại bình thường các chuyến bay nội địa theo lịch bay mùa hè đã được cấp phép, đồng thời khai thác các chuyến bay chở hàng quốc tế bình thường.
Cục HKVN dự báo sau khi Chính phủ cho phép hoạt động vận tải khách trở lại bình thường, các hãng hàng không nội địa sẽ chỉ cần khoảng 1 tháng để cơ bản phục hồi toàn bộ mạng bay nội địa để kịp phục vụ cao điểm hè 2020, cho thấy ngành này đang như lò xo bị nén lại, sức bật của ngành hàng không đúng như dự đoán trước đó của nhiều chuyên gia.
Nhận định về điều này, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và du lịch cho rằng, ngoài ý nghĩa kinh tế, việc các hãng bay sớm khai thác trở lại còn đem đến niềm tin về việc Việt Nam đã trở thành điểm đến an toàn trong con mắt bạn bè quốc tế.
Nỗ lực vượt khó
Theo tính toán, trong đại dịch Covid-19 này, ngành hàng không là một trong những lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất, với tổn thất toàn ngành có thể lên đến hơn 40.000 tỷ đồng. Vì vậy, việc các hãng hàng không nối lại hoạt động bay một cách nhanh chóng có thể nói là sự nỗ lực rất lớn của các hãng.
Đến nay, tất cả các hãng hàng không trong nước đã nhanh chóng khôi phục các đường bay nội địa quan trọng như đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, các đường bay từ Hà Nội/TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phố khác. Đồng thời, các hãng còn liên tục tiến hành tăng chuyến đến các thành phố du lịch lớn để phục vụ nhu cầu du lịch, thông thương tăng mạnh của khách hàng sau thời gian giãn cách.
Nhằm kích cầu du lịch, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hãng hàng không đã tung ra các gói hỗ trợ cùng các sản phẩm thẻ bay, combo... với nhiều ưu đãi hấp dẫn chưa từng có để đón đầu, đáp ứng nhu cầu di chuyển của hành khách.
Mặt khác, để đảm bảo sức khỏe cho hành khách, trong giai đoạn này, các chuyến bay của các hãng cũng vẫn được thực hiện nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn cao nhất của các cơ quan chức năng. Hành khách được kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế trước chuyến bay và đeo khẩu trang trong suốt hành trình bay. Các hãng cho biết sẽ tiếp tục khử trùng, khử khuẩn tàu bay theo quy định của Cục HKVN.
Thích ứng môi trường, hành động khẩn trương
Là một trong những hãng hàng không rốt ráo đẩy mạnh hoạt động sau khi Chính phủ gỡ bỏ giới hạn giãn cách, Bamboo Airways đã ngay lập tức dồn toàn bộ nguồn lực để khai thác bay tối đa theo lượng tải được cho phép. Đây được xem là một sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của hãng. Trong tuần, Hãng khai thác trung bình gần 50 chuyến bay/ngày và sẽ tiếp tục tăng lên theo nhu cầu di chuyển của hành khách.
Cụ thể, với mạng bay nội địa, Bamboo Airways tăng cường tần suất các đường bay kết nối Hà Nội với TP HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc Quy Nhơn, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Pleiku; cùng các đường bay kết nối TP HCM với Phú Quốc, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quy Nhơn và Vinh… để phục vụ nhu cầu của hành khách. Dự kiến đến tháng 6/2020, Hãng sẽ khôi phục toàn bộ mạng bay nội địa, cũng như tiếp tục nghiên cứu xúc tiến đường bay mới.
Đối với thị trường quốc tế, trong thời gian tới, tùy vào tình hình kiểm soát dịch ở các nước bạn, Hãng sẽ khôi phục hoạt động trên những đường bay thường lệ đã thiết lập như Hàn Quốc, Đài Loan, Séc; tái xúc tiến, xây dựng và kết nối các đường bay mới tới Đông Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương đang bị tạm hoãn; nghiên cứu và tính toán các đường bay tiềm năng quốc tế mới khác. Dự kiến phục vụ kế hoạch khai thác nói trên sẽ là đội máy bay ít nhất 40 tàu đến cuối năm 2020.
Hiện tại, không chỉ Bamboo Airways, nhiều hãng hàng không nội địa đang đặt kỳ vọng vào mô hình hồi phục chữ V, nghĩa là hàng không đã đi qua "đỉnh dịch" bắt đầu phát triển trở lại, là nhân tố thúc đẩy phục hồi kinh tế qua các hoạt động giao thương, đầu tư, du lịch…
Một tín hiệu khả quan cho thấy, sau khi ngành hàng không được tái khởi động, số liệu cho thấy trong thời gian vừa qua, sản lượng vận chuyển hàng không đã tăng mạnh so với giai đoạn thấp điểm vì giãn cách xã hội.
Những ngày cận kề dịp lễ 30/4, 1/5, lượng hành khách qua các cảng trong ngày 29/4 đã đạt hơn 15.000 lượt khách trong khi ngày thấp nhất chỉ có hơn 1.000 khách (vào ngày ¾), tăng gấp 15 lần. Từ ngày 30/4 đến 3/5, các hãng đã vận chuyển hơn 150.000 khách trên các chuyến bay nội địa.
Từ những tín hiệu tích cực khi "mở cửa" bầu trời, "mạch máu" giao thông được khơi thông, có thể tin tưởng rằng với sự nỗ lực trở lại của ngành hàng không, nền kinh tế Việt Nam không chỉ an toàn vượt qua đại dịch mà còn bứt phá phát triển mạnh mẽ./.