(Tổ Quốc) - Sáng 30/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và 5 năm 2016-2020; triển khai nhiệm vụ năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025 của ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT).
- 26.11.2020 Quảng Nam cần chú trọng phát triển du lịch bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường và di sản
- 10.08.2020 Bộ Tài nguyên & Môi trường bất ngờ huỷ thanh tra hàng loạt dự án bất động sản
- 05.06.2020 Bộ Tài nguyên & Môi trường muốn siết phân lô bán nền, Bộ trưởng Xây dựng nói gì?
- 18.02.2020 Lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết thời điểm sẽ thực thi việc cấp sổ đỏ cho căn hộ condotel
Báo cáo tại Hội nghị, năm 2020, toàn ngành TN&MT đã phát huy tinh thần “kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”, chủ động, sáng tạo để hóa giải các thách thức, chủ động chuẩn bị các nền tảng để tăng tốc bứt phá, tạo ra những dấu ấn quản lý rõ nét trên các lĩnh vực. Nhờ đó, toàn ngành không chỉ hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong năm 2020 mà còn về đích hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra trong kế hoạch 5 năm 2016-2021.
Trong đó, nổi bật là nhiều điểm nghẽn về cơ chế, chính sách trong quản lý tài nguyên đã được ngành tham mưu để Đảng, Quốc hội và Chính phủ xem xét tháo gỡ, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn. Nhiều chủ trương, chính sách lớn mang tầm chiến lược dài hạn đã được ngành xây dựng, trình ban hành, góp phần giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên cho phát triển mới của đất nước. Trong đó, nổi bật là Luật Bảo vệ môi trường 2020 với tư duy, cách tiếp cận đột phá cho công tác bảo vệ môi trường.
Trong 5 năm qua, các nguồn tài nguyên được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả. Tài nguyên khoáng sản, giá trị địa chất được điều tra, quản lý, sử dụng hiệu quả gắn với công nghiệp chế biến đóng góp cho tăng trưởng. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, khai thác không gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường đã cơ bản được khắc phục. Các lợi thế của vùng biển, ven biển tiếp tục được phát huy, đóng góp 60% GDP của cả nước. Tình trạng lãng phí các nguồn tài nguyên được khắc phục. Đặc biệt, năm 2020 trong bối cảnh nguồn thu ngân sách khó khăn thì nguồn thu từ đất đai vẫn đạt 133% kế hoạch, khoảng sản đạt 112% kế hoạch đóng góp cho ngân sách.
Chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường được tập trung hoàn thiện; phương thức quản lý được đổi mới, chuyển trọng tâm từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa các nguy cơ ô nhiễm từ giai đoạn đầu tư, giám sát chặt chẽ nguồn thải lớn. Kết quả công tác bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động, chất lượng các thành phần môi trường được cải thiện, đóng góp cho tăng trưởng bền vững, đặc biệt sau sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung năm 2016.
Các quyết sách về ứng phó với biến đổi khí hậu được chủ động đề xuất, thúc đẩy triển khai có hệ thống với tầm nhìn chiến lược; công tác dự báo khí tượng thuỷ văn được tập trung hiện đại hóa, nâng cao chất lượng để các Bộ, ngành, địa phương chủ động phương án sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Chỉ tính riêng đợt hạn mặn năm 2019-2020 mức độ ảnh hưởng lớn gấp 2-2,5 lần năm 2016 nhưng mức độ thiệt hại giảm 9,6%.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thời gian tới toàn ngành đặt quyết tâm cao nhất và tiếp tục đổi mới sáng tạo để hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ. Phấn đấu sớm về đích các chỉ tiêu 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý. Các nguồn tài nguyên được sử dụng hợp lý, hiệu quả bền vững, đóng góp 11% thu ngân sách nội địa.
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ TN&MT và toàn ngành đã đạt được trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ vừa qua.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển của Ngành cho năm 2021 và giai đoạn 5 năm tiếp theo. Cụ thể: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên cơ sở triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thư XIII của Đảng; Tập trung triển khai công tác lập quy hoạch sử dụng đất đai quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tài nguyên và môi trường vùng bờ, quy hoạch bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các lưu vực sông; Thúc đẩy hơn nữa cải cách hành chính, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Trong đó, thực hiện cắt giảm đơn giản hóa ít nhất 20% thủ tục hành chính, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường. Thực hiện mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 đối với 90% thủ tục hành chính của ngành.
Tăng cường sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương thiết lập hệ thống theo dõi đánh giá việc quản lý sử dụng tài nguyên; thực hiện đánh giá xếp hạng chỉ số bảo vệ môi trường cấp tỉnh.
Tăng cường thanh tra đột xuất để giải quyết tình trạng nhũng nhiễu, hành dân gây bức xúc trong dư luận; các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; chuyển hoạt động thanh tra kiểm tra từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động khoáng sản, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông tin và chuyển đổi số để phát tiềm năng lớn về tài nguyên số từ dữ liệu không gian, đất đai, biển, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản.
Phó Thủ tướng đề nghị các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm bố trí nguồn lực cho xây dựng các cơ sở dữ liệu trước mắt tập trung hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo; nâng cao chất lượng dịch vụ công, đảm bảo minh bạch.
Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành quan tâm, xây dựng các cơ sở dữ liệu; ưu tiên các nguồn lực để các nhiệm vụ đã được đề ra tại các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ. Đề nghị các địa phương quan tâm bố trí 10% nguồn thu từ tài nguyên để tái đầu tư cho ngành.
Đối với các lĩnh vực quản lý cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị, triển khai có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai; xây dựng Chiến lược quốc gia về an ninh nguồn nước; tăng cường các hoạt động điều phối trong quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; đẩy mạnh thực hiện các chương trình, kế hoạch khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, nhất là ô nhiễm không khí, nguồn nước; đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình cải thiện môi trường lưu vực sông... Bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái đặc hữu, các khu bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan, sinh thái, di sản thiên nhiên./.