(Tổ Quốc) -Theo dự kiến, sản lượng khai thác than năm 2018 chỉ ở mức đạt 40 triệu tấn. Chỉ tiêu sản xuất khoảng 37,65 triệu tấn than thương phẩm; tiêu thụ khoảng 41,85 triệu tấn.
Thợ mở đang làm việc trong lò - Ảnh báo Quảng Ninh |
Theo dự kiến, sản lượng khai thác than năm 2018 chỉ ở mức đạt 40 triệu tấn. Chỉ tiêu sản xuất khoảng 37,65 triệu tấn than thương phẩm; tiêu thụ khoảng 41,85 triệu tấn.
Theo nhận định và phân tích mới đây của Bộ Công Thương, ngành than, khoáng sản đang gặp nhiều khó khăn do nhu cầu than trên thế giới giảm mạnh, chi phí sản xuất tăng. Vì vậy, ngành than, khoáng sản cần phải thật sự nỗ lực để đạt được chỉ tiêu sản xuất khoảng 37,65 triệu tấn than thương phẩm; tiêu thụ khoảng 41,85 triệu tấn; đảm bảo tồn kho ở mức hợp lý.
Năm 2017, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã nỗ lực vượt qua, giữ ổn định sản xuất, việc làm, thu nhập của người lao động. Theo báo cáo của tập đoàn, năm 2017 Tập đoàn đã sản xuất được 35 triệu tấn than nguyên khai (đạt 100,4% so với kế hoạch năm). Tiêu thụ than đạt 35,6 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trong nước đạt 34,1 triệu tấn.
Nếu chỉ dựa vào những con số báo cáo, tổng kết này thì ngành than đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được đưa ra. Tuy nhiên, trên thực tế ngành than đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần có những giải pháp, cùng hướng đi thích hợp và kịp thời.
Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, trong vài năm trở lại đây, vấn đề tiêu thụ than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thường khá chật vật, khiến than tồn kho vào cuối năm tăng mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, thu nhập của hàng vạn lao động.
Để xảy ra tình trạng này, có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan. Trong đó những nguyên nhân chủ quan – xuất phát từ ngành than, chiếm không ít. Cụ thể là: Chi phí giá thành sản xuất/tấn than khá lớn; thất thoát và bộ máy quản lý cồng kềnh; năng suất thấp, công nghệ lạc hậu….
Chính vì vậy, để hoàn thành được các chỉ tiêu hoạt động, sản xuất, kinh doanh trong năm 2018, đòi hỏi ngành than cần không ngừng tăng năng suất, giảm chi phí giá thành, nâng cao giá trị hòn than Việt Nam để cạnh tranh với than nhập khẩu; tinh giảm lao động - đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa. Bên cạnh đó, việc xử lý, giải quyết lượng than tồn kho của những năm trước, cũng là điều không hề đơn giản của ngành than, khi mà đã chuẩn bị bước qua 6 tháng cuối năm.
Vi Phong (T/h)