• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngành văn hóa, thể thao, du lịch xây dựng khung chiến lược truyền thông

Văn hoá 08/12/2016 08:41

(Tổ Quốc) - Sáng 8/12, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm “Xây dựng khung chiến lược truyền thông ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2017-2020”.

Tọa đàm Xây dựng khung chiến lược truyền thông ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2017-2020” do Văn phòng Bộ VHTTDL, Trung tâm Công nghệ thông tin phối hợp tổ chức.

 Thứ trưởng Lê Khánh Hải phát biểu khai mạc Tọa đàm

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải, ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL, chủ trì Tọa đàm. Tọa đàm có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; các chuyên gia uy tín trong lĩnh  vực Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình, các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông tham dự Hội nghị.

Tọa đàm nhằm tổng hợp ý kiến chuyên gia, đại diện các đơn vị truyền thông liên quan để hoàn thiện khung chiến lược truyền thông của ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2017-2020.

Tọa đàm, các tham luận đã tập trung trao đổi, thảo luận và tiếp thu ý kiến góp ý về các vấn đề: Những vấn đề lý luận chung về truyền thông: điều kiện cần và đủ để xây dựng Chiến lược truyền thông của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động truyền thông về lĩnh vực du lịch/ thể thao/ văn hóa cơ sở và phương hướng tiếp cận truyền thông trong giai đoạn tiếp theo; Những bài học kinh nghiệm về truyền thông quốc tế trong lĩnh vực văn hóa/ thể thao/du lịch/gia đình; Chiến lược truyền thông trong lĩnh vực văn hóa đối ngoại: cơ hội và thách thức; Vai trò của truyền thông trong việc bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống; Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trước tác động của phương tiện truyền thông mới; Tác động của phương tiện truyền thông mới đối với xây dựng văn hóa gia đình; Ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài thông qua các phương tiện truyền thông mới đối với xây dựng đời sống văn hóa ở Việt Nam hiện nay.

 Thứ trưởng Lê Khánh Hải: "Thông qua Tọa đàm với sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia uy tín trong các lĩnh vực truyền thông, chúng ta sẽ cùng nhau đưa ra những đề xuất, góp ý để làm căn cứ xây dựng Khung Chiến lược truyền thông Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch một cách bài bản, khoa học và khả thi"  

Phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải nhận định: “Trong thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cả nước đã đoàn kết, nỗ lực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, với tinh thần “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát triển”, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và kế hoạch công tác mà Đảng, Chính phủ giao phó, thiết thực đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an sinh xã hội. Để có được những thành công đó, có sự đóng góp không nhỏ của công tác truyền thông. 

Truyền thông có chức năng, nhiệm vụ quan trọng trong việc cung cấp thông tin và định hướng dư luận xã hội. Trong xã hội hiện đại, truyền thông trở thành hoạt động kết nối cộng đồng, là cầu nối giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, giữa trung ương với địa phương, giữa trong nước và quốc tế. Thông tin trên các phương tiện truyền  thông đã góp phần quan trọng giúp các cơ quan nhà nước điều hành và quản lý tốt hơn mọi lĩnh vực trong cuộc sống, từ đó thúc đẩy quá trình phản ánh, giám sát - phản biện xã hội; tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực và tệ nạn xã hội, thực hiện quyền tự do ngôn luận và bình đẳng của mọi người dân...

Sự phát triển mạnh mẽ của Internet và phương tiện truyền thông kỹ thuật số đã tạo ra sự bùng nổ thông tin trên phạm vi toàn cầu, tác động sâu sắc đến đời sống xã hội và sự phát triển của hoạt dộng truyền thông trên toàn thế giới. Ở Việt Nam trong khoảng một vài thập kỷ gần đây, sự chuyển đổi mô hình kinh tế từ bao cấp sang kinh tế thị trường kéo theo nhu cầu về dịch vụ truyền thông và các dịch vụ liên quan đến truyền thông. Số lượng các cơ quan, tòa soạn báo chí, cơ sở thông tin - truyền thông vì thế cũng không ngừng tăng lên và ngày càng đa dạng hóa các loại hình hoạt động, khẳng định vai trò quan trọng trên tất cả các lĩnh vực trong xã hội hiện đại”.

“Để truyền thông phát huy được thế mạnh, đóng góp tích cực trong công tác quản lý nhà nước ngành văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu, xây dựng Khung Chiến lược truyền thông ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chương trình Tọa đàm ngày hôm nay là bước đầu trong việc tìm hiểu, lắng nghe các ý kiến chuyên gia trong việc xây dựng Khung Chiến lược truyền thông của Ngành. Thông qua Tọa đàm với sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia uy tín trong các lĩnh vực truyền thông, chúng ta sẽ cùng nhau đưa ra những đề xuất, góp ý để làm căn cứ xây dựng Khung Chiến lược truyền thông Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch một cách bài bản, khoa học và khả thi trong thời gian tới” – Thứ trưởng Lê Khánh Hải nhấn mạnh.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải đề nghị Tọa đàm tập trung vào ba nhóm vấn đề như: Những khó khăn, vướng mắc thực tại trong quá trình triển khai các hoạt động truyền thông về văn hóa, du lịch, thể thao, gia đình và phương hướng tiếp cận truyền thông trong giai đoạn tiếp theo; Những bài học kinh nghiệm về truyền thông quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch; Giải pháp tăng cường hiệu quả truyền thông ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 

Ông Nguyễn Trùng Khánh: "Văn hóa Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để giới thiệu với quốc tế bằng các phương cách và hình thức khác nhau".

TS. Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Văn hóa đối ngoại là trách nhiệm của tất cả các ngành, mọi người dân Việt Nam

"Những năm qua, hoạt động văn hoá đối ngoại của Việt Nam cơ bản bám sát, phục vụ tốt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, góp phần phát huy sức mạnh đối ngoại toàn diện của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn về văn hóa đối ngoại. Nhờ sự giao lưu văn hóa quốc tế được tăng cường mà nhân dân ta có thêm điều kiện thuận lợi để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại... Văn hóa Việt Nam cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để giới thiệu với quốc tế bằng các phương cách và hình thức khác nhau.

Tuy nhiên, ngoài những cơ hội ở trên, công tác văn hoá đối ngoại còn gặp rất nhiều thách thức. Việc quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới còn chưa thật đầy đủ mà nguyên nhân hạn chế từ các phương tiện truyền tải. Các sản phẩm văn hóa của Việt Nam đem ra giới thiệu với thế giới chưa nhiều, sách, báo và tạp chí còn nghèo nàn về nội dung, đơn điệu về hình thức. Trong khi đó, chúng ta chưa thật linh hoạt áp dụng những phương pháp, hình thức quảng bá Việt Nam theo chuẩn quốc tế để nâng cao hiệu quả.

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, phát huy vai trò trách nhiệm các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân hiểu biết về văn hóa đối ngoại và tiến hành công tác văn hóa đối ngoại còn nhiều hạn chế.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, Cục Hợp tác quốc tế nhận thấy cần phải xây dựng một chiến lược truyền thông phù hợp, đáp ứng kịp thời với yêu cầu và đòi hỏi của tình hình thực tế với nội dung cụ thể: Đa dạng hóa các sản phẩm, hình thức truyền thông ra quốc tế bằng tiếng nước ngoài (ưu tiên các nước tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Lào, Campuchia..); Xây dựng chương trình truyền hình đối ngoại giới thiệu văn hóa nghệ thuật Việt Nam; các cơ quan truyền thông lớn của Việt Nam có chuyên trang bằng tiếng nước ngoài, áp dụng các loại hình truyền thông mới như mạng xã hội… để vươn tới phục vụ đông đảo cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế;

Phát huy mạng lưới thông tin đối ngoại của các cơ quan truyền thông chính thống để phát triển văn hóa đối ngoại của Việt Nam bằng tất cả các loại hình thông tin; Tiếp tục huy động sự tham gia tích cực của hệ thống văn phòng đại diện ở nước ngoài của các cơ quan thông tấn báo chí để phối hợp tổ chức và thông tin về các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam ở nước ngoài; Có phương thức truyền thông hiệu quả khi tổ chức các hoạt động văn hóa đối ngoại tại nước ngoài, thu hút sự tham gia của các hãng truyền thông uy tín tại địa bàn nước sở tại và các hãng truyền thông lớn trong khu vực và trên thế giới;

Tăng cường về phạm vi, mức độ, quy mô và chất lượng các hoạt động quảng bá văn hoá, nghệ thuật Việt Nam tới cộng đồng quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thông qua những hoạt động Ngày Văn hóa Việt Nam, Tuần Văn hóa Việt Nam, Lễ hội Văn hoá-Du lịch…; Tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn của thế giới như EXPO, các triển lãm mỹ thuật thế giới, Liên hoan phim quốc tế…;

Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực để tổ chức các hoạt động văn hóa đối ngoại và truyền thông về văn hóa đối ngoại; Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế của Việt Nam (như: Viettel, PVN…) trong việc hỗ trợ tổ chức các hoạt động giới thiệu văn hóa, nghệ thuật Việt Nam tại những quốc gia mà doanh nghiệp đầu tư. Đồng thời, hướng tới thành lập các Trung tâm văn hóa Việt Nam/Không gian văn hóa Việt Nam… tại trụ sở các doanh nghiệp, tập đoàn đó, làm cầu nối trao đổi văn hóa Việt Nam với nhân dân các nước.

Văn hóa đối ngoại không phải là nhiệm vụ riêng của bất kỳ một cơ quan nào mà phải là trách nhiệm của tất cả các ngành, mọi người dân Việt Nam sống ở trong hay ngoài nước và phải được triển khai trên mọi phương diện".

Bà Lê Thị Hoàng Yến: "Công tác truyền thông thể thao, đòi hỏi ngành TDTT cần nhìn nhận lại và thay đổi cách làm"

Bà Lê Thị Hoàng Yến- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao: “Rất nhiều việc tốt của ngành thể dục thể thao không được ghi nhận, trở thành hiện tượng “áo gấm đi đêm”

"Trong khoảng 10 năm gần đây, khi báo giấy đi xuống thì xuất hiện xu thế phát triển các cơ quan báo chí mạng (báo điện tử, trang tin điện tử).Trên thực tế vẫn có gần 10 tờ báo hoặc tạp chí chuyên về thể thao.Tất cả các tờ báo lớn đều có chuyên trang thể thao. Riêng mảng truyền hình thể thao thì hầu hết các đài truyền hình đều có thời lượng riêng, kênh sóng riêng cho thể thao, đặc biệt Đài truyền hình Việt Nam còn có thời lượng dành cho thể thao ngay sau chương trình thời sự vào giờ vàng. Dù dưới hình thức nào thì đội ngũ phóng viên thể thao vẫn luôn theo dõi, bám sát tình hình thể thao nước nhà. Đấy là một điều đáng quý, nhưng cũng tạo áp lực không hề nhỏ đối với ngành TDTT trước công chúng.

Vấn đề đặt ra là, trong bối cảnh luôn được các cơ quan truyền thông theo dõi (kèm theo đó là sự chú ý của toàn xã hội, bao gồm đông đảo người hâm mộ TDTT) như vậy, cần làm gì và làm như thế nào để các cấp quản lý, nhân dân và toàn xã hội nói chung nhìn nhận đúng, thấu hiểu và chia sẻ với ngành cả về những mặt tích cực lẫn khó khăn, tồn tại. Cần làm gì để những cái TỐT của thể thao nước nhà được ghi nhận, tôn vinh, còn những cái XẤU, tồn tại sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới cái chung, tới uy tín của ngành? 

Thực trạng hiện nay là đa số các cơ quan báo chí của chúng ta vẫn chú trọng nhìn vào bề nổi, quan tâm tới những vấn đề còn tồn tại, chưa làm tốt, để rồi phản ánh và đánh giá theo chiều hướng thiếu tích cực, nhằm thu hút độc giả, lượng View theo dõi..., gây nên hiệu ứng xấu về mặt hình ảnh đối với thể thao Việt Nam nói chung và các cơ quan quản lý TDTT nói riêng. Bởi vậy, rất nhiều việc tốt mà ngành TDTT làm được lại không được ghi nhận, trở thành hiện tượng “áo gấm đi đêm”, rất đáng tiếc.

Với những đặc điểm ấy, thực trạng ấy về công tác truyền thông thể thao, đòi hỏi ngành TDTT cần nhìn nhận lại và thay đổi cách làm".

Bà Trịnh Thị Thủy: "Trên thực tế, hoạt động lễ hội có rất nhiều nội dung, nhiều cách tiếp cận để khai thác, phản ánh mặt tích cực của lễ hội".

TS. Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Truyền thông trong lễ hội cần lấy nhân tố tích cực đẩy lùi tiêu cực

"Trong những năm qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã rất quan tâm, tích cực vào cuộc, phản ánh và kịp thời phát hiện những biểu hiện lệch lạc, những hành xử thiếu văn minh trong lễ hội. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng: thông tin về lễ hội trên các phương tiện truyền thông đang có biểu hiện một chiều, thiếu khách quan, thiếu chân thực, chưa phản ánh đúng tinh thần lễ hội, thậm chí quá tập trung xoáy vào những mặt trái, khai thác tối đa những biểu hiện tiêu cực (dù chỉ là những biểu hiện diễn ra trong một khoảnh khắc ngắn ngủi), với những cụm từ giật gân như: “hỗn chiến”, “tranh cướp lộc”, “vung dao”, “man rợ”, “phản cảm”… Có rất ít bài viết, thước phim phản ánh những chuyển biến tích cực của hoạt động lễ hội, rất ít các cụm từ như: “trang nghiêm”, “thành kính”, “ngăn nắp”, “văn minh”, “trật tự”… được đề cập đến, gây cảm giác hoang mang, lo lắng trong dư luận về một bức tranh chỉ toàn mảng tối của hoạt động lễ hội.

Trên thực tế, hoạt động lễ hội có rất nhiều nội dung, nhiều cách tiếp cận để khai thác, phản ánh mặt tích cực của lễ hội.

Dề nghị trong thời gian tới, truyền thông về quản lý, tổ chức lễ hội cần có cách tiếp cận phù hợp, theo hướng: Tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân hiểu về ý nghĩa truyền thống, giá trị nhân văn của lễ hội nhằm định hướng nhận thức cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về ý nghĩa cao đẹp của lễ hội;

Giới thiệu các mô hình quản lý, tổ chức lễ hội hiệu quả trên địa bàn cả nước (mô hình về quản lý tiền công đức, tiền giọt dầu; mô hình xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh môi trường; mô hình về dâng lễ vật đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, chống lãng phí; mô hình về quy hoạch, bố trí các khu vực dịch vụ đảm bảo thuận lợi cho người dân; mô hình đảm bảo an ninh trật tự trong lễ hội; mô hình phát huy vai trò tự quản của cộng đồng;….); đặc biệt là cần có sự so sánh để thấy những chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức lễ hội ở các địa phương;

Truyền thông về việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội: Về ý thức chấp hành hướng dẫn, quy định của các BTC lễ hội, Ban quản lý di tích;

Tuyên truyền về những nỗ lực, cố gắng của các địa phương trong việc vận động, thuyết phục cộng đồng thay đổi các tập tục lạc hậu, tổ chức lễ hội theo hướng văn minh, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh….; Kịp thời phát hiện, lên án các hiện tượng tiêu cực, lợi dụng việc tổ chức lễ hội/hội để trục lợi…

Truyền thông nếu có định hướng một cách đúng đắn sẽ là cầu nối thông tin giữa cơ quan quản lý, nhà tổ chức và người tham gia lễ hội để hoạt động lễ hội thực sự là hoạt động văn hóa tinh thần lành mạnh của cộng đồng".

Bà Vũ Dương Thúy Ngà: "Ngoài truyền thông chính thống thì mạng xã hội tham gia truyền thông cũng rất quan trọng"

Bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện: Cần đánh giá vai trò của mạng xã hội

“Tọa đàm xây dựng khung chiến lược truyền thông văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2017- 2020” có ý nghĩa quan trọng và đưa ra mục tiêu gắn với từng giai đoạn.

Thư viện như một trung tâm xã hội thông tin hiện đại, nhưng lâu nay hoạt động thư viện âm thầm, ít người biết. Tuy nhiên, các thư viện đã nỗ lực triển khai hoạt động phục vụ người dân học tập suốt đời. Ngoài truyền thông báo chí, thư viện tận dụng internet, mạng xã hội quảng bá, vì thế lượng độc giả tham gia thư viện tăng. Đơn cử như năm 2016 thư viện Đà Nẵng  có 11.000 người làm thẻ, Đồng Nai có 24.000 người làm thẻ

Ngoài truyền thông chính thống thì mạng xã hội tham gia truyền thông cũng rất quan trọng. Do đó xây dựng khung chiến lược truyền thông của Tọa đàm cần xem xét, quan tâm có định hướng như thế nào với hoạt động truyền thông chung của sự tham gia mạng xã hội. Nhìn nhận đúng truyền thông hiện đại để mọi người ủng hộ, cùng vào cuộc, chung tay. Và khi bắt tay thực hiện chiến lược truyền thông phải xác định nội dung truyền thông cụ thể. Mong được Bộ VHTTDL  quan tâm hơn đến hoạt động truyền thông, nhất là thư viện để tăng cường văn hóa đọc".

Ông Bùi Nguyên Hùng: "Đổi mới và đẩy mạnh truyền thông qua các phương thức khách: gameshow, cuộc thi tìm hiểu…"

Ông Bùi Nguyên Hùng-Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả: Công tác truyền thông nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn nhiều khó khăn

"Như chúng ta đã biết, bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan nói riêng đã và đang trở thành những điều kiện bắt buộc trong hội nhập kinh tế quốc tế. Về lĩnh vực này, Việt Nam đã ký kết tham gia các điều ước quốc tế như: Công ước Berne bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật và khoa học; Công nước Rome bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát song; Công ước Geneva; Công ước Brucxell; Hiệp định Trips của WTO….

Tuy nhiện, kết quả thực thi vẫn chưa như mong muốn, tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn diễn ra ở nhiều lĩnh vực từ báo chí, xuất bản, điện ảnh, sân khấu… gây thiệt hại đến ngành sản xuất, kinh doanh về tài sản quyền tác giả, quyền liên quan, xói mòn sức sáng tạo. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên đây là do công tác truyền thông nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan vẫn tồn tại những khó khăn, hạn chế.

Để khắc phục khó khăn, hạn chế, góp phần xây dựng Khung Chiến lược Truyền hông ngành VHTTDL, ngày 5/12/2016, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký QĐ số 4244/QĐ/BVHTTDL phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan giai đoạn 2017-2020”. Đề án đã đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp như: Tăng cường tổ chức các Hội nghị, hội thảo tập huấn về quyền tác giả, quyền liên quan; Biên soạn phát hành các tài liệu về quyền tác giả; quyền liên quan; Đẩy mạnh truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; Đổi mới và đẩy mạnh truyền thông qua các phương thức khách: gameshow, cuộc thi tìm hiểu…

Để thực hiện các các nhiệm vụ, giải pháp trên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong Ngành VHTTDL…"

Ông Nguyễn Toàn Thắng: "Chiến lược truyền thông là một kế hoạch lớn, không thể một vài năm mà thực hiện được" 

PGS.TS. Nguyễn Toàn Thắng, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Truyền thông gián tiếp thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển xã hội

Truyền thông đại chúng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội. Truyền thông đại chúng tác động đến xã hội, làm thay đổi nhận thức, đến thay đổi hành vi (và chính hành vi của con người sẽ thúc đẩy xã hội vận động). Nói cách khác, truyền thông đại chúng gián tiếp thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Chiến lược truyền thông là một kế hoạch lớn, không thể một vài năm mà thực hiện được. Phải xác định được mục đích của chiến lược là gì, làm gì, để 3-5 năm nữa chúng ta làm được gì? Xây dựng Chiến lược là tìm câu trả lời cho các câu hỏi: Ai làm, làm để làm gì? Làm như thế nào? Qua từng mục tiêu của từng giai đoạn, chúng ta sẽ đạt được mục đích.

Cho rằng, muốn làm chiến lược truyền thông phải hiểu bản chất của truyền thông, truyền thông hiện đại PGS.TS. Nguyễn Toàn Thắng nêu lên các chức năng cơ bản của truyền thông đại chúng như: chức năng tư tưởng, chức năng nâng cao dân trí, chức năng giám sát và quản lý xã hội, chức năng giải trí và các dịch vụ xã hội…

PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng cũng nêu lên những “hiệu ứng nghịch của truyền thông đại chúng. Trong đó, con người sống trong xã hội hiện đại đang bị truyền thông can thiệp dữ dội, chi phối đến từng phút, từng giờ, bị mất đi tính chủ động của bản thân, nhiễu loạn thông tin, có thể sẽ bị mắc chứng “nghiện” facebook hoặc games, sống thật trong một thế giới ảo, từ đó mắc hàng loạt chứng bệnh về thể chất và tinh thần, thậm chí biến đổi nhân cách mà không biết, con người cũng bị chia cắt với thiên nhiên khi quá phụ thuộc công nghệ…

Tất cả những tác động tiêu cực của truyền thông đại chúng đến văn hóa và con người đã và đang làm cho cơ quan quản lý gặp khá nhiều khó khăn thách thức. Bởi vậy, cần gấp rút  xây dựng được một chiến lược truyền thông đại chúng trên phạm vi cả nước, đặc biệt là xây dựng một khung chiến lược truyền thông riêng cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch để một mặt, phát huy tính tích cực của truyền thông đại chúng trong phát triển văn hóa và con người, mặt khác, chế khắc những “hiệu ứng nghịch” của lĩnh vực này, đảm bảo an ninh văn hóa cho cộng đồng và dân tộc, hướng tới xây dựng, phát triển con người và văn hóa Việt Nam, gia tăng sức mạnh nội sinh, hướng tới đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước.     

Ông Nguyễn Văn Dững: "Xây dựng Chiến lược truyền thông phải căn cứ vào Chiến lược phát triển của ngành và dựa trên  những nghiên cứu về thực trạng phát triển, tiềm năng… của ngành VHTTDL". 

PGS.TS Nguyễn Văn Dững-Trưởng khoa báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Xây dựng Chiến lược truyền thông phải dựa trên Chiến lược phát triển của ngành VHTTDL

Ngành VHTTDL rất quan trọng, tích hợp nhiều ngành và có ảnh hưởng lớn. Chúng ta phải hiểu bản chất chiến lược truyền thông là gì? Cần thống nhất bản chất của chiến lược truyền thông thì mới xây dựng được Khung Chiến lược truyền thông của ngành VHTTDL.

Cách làm chiến lược truyền thông có 2 cách: một cách là để giải ngân, chỉ làm vài ngày là xong. Cách làm thứ 2 vất vả lắm. Xây dựng Chiến lược truyền thông phải căn cứ vào Chiến lược phát triển của ngành và dựa trên  những nghiên cứu về thực trạng phát triển, tiềm năng… của ngành VHTTDL. Tôi cho rằng chiến lược nên kéo dài 3-5 năm mới hiệu quả.  

Truyền thông không phải là công cụ truyền thông mà là một thiết chế kiến tạo xã hội, chức năng tuyên truyền chỉ chiếm 10%.  Theo tôi, xây dựng Khung Chiến lược truyền thông cũng phải dựa trên có lý thuyết cơ bản.

Đây là buổi tọa đàm đầu tiên, muốn góp ý cho Khung Chiến lược truyền thông của ngành, tôi cho rằng các đại biểu phải biết được Chiến lược phát triển của ngành VHTTDL. Từ những mục tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển, chúng ta sẽ xác định được những hành động cụ thể, sau đó đưa ra những chỉ số định lượng cấu thành khung cơ bản cho hoạt động truyền thông. Từ đó, chiến lược truyền thông sẽ có cơ sở huy động các phương tiện, phương thức thức đẩy các hoạt động kết nối và can thiệp xã hội nhằm giải quyết các vấn đề chiến lược phát triển VHTTDL Việt Nam giai đoạn tới. Bởi quá trình kết nối và can thiệp xã hội của truyền thông luôn luôn gắn với những mục tiêu và trên cơ sở các hoạt động cụ thể.

Ông Nguyễn Xuân Hồng: "Tận dụng truyền thông mới một cách minh bạch sẽ đem lại hiệu quả cao"

Ông Nguyễn Xuân Hồng – Tổng thư ký tòa soạn Báo Điện tử Chính phủ - Cổng thông tin Chính phủ: Chính phủ tận dụng phương tiện truyền thông mới, chủ động cung cấp thông tin

"Hiện nay, các phương tiện truyền thông mới bùng nổ, cạnh tranh gay gắt, nếu không chủ động cung cấp thì việc cung cấp thông tin sẽ không đem lại hiệu quả cao. Vì thế, Chính phủ hiểu rõ sức mạnh truyền thông nên liên tục có yêu cầu đòi hỏi cơ quan có đổi mới chủ động cung cấp thông tin đến người dân.

Năm 2006 Cổng thông tin Chính phủ ra đời, trở thành kênh truyền thông chính thức đến với người dân. Đến năm 2007 Cổng thông tin Chính phủ bắt đầu tổ chức tọa đàm trực tuyến với người dân và sau đó là nhiều cuộc tọa đàm khác với các Bộ trưởng...

Nhiệm kỳ gần đây. Chính phủ đã tận dụng các phương tiện truyền thông mới chủ động cung cấp thông tin; hàng tháng cung cấp thông tin cho báo chí, người dân. Khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam còn là Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ đã chỉ đạo trong các buổi họp báo thường kỳ không chỉ mời báo chí đến mà Cổng thông tin cũng phải tường thuật.

Sau đó, đến tháng 9 này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chỉ đạo còn phải tường thuật trực tiếp luôn, để tạo kênh tăng cường giao lưu giứa Chính phủ với người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với mục đích xây dưng Chính phủ liêm chính, kiến tạo nên yêu cầu phải tạo nhiều kênh thông tin để đối thoại nhằm nắm được tâm tư nguyện vọng để xây dựng chính sách...

Thời gian qua quyết tâm của Chính phủ trong công tác truyền thông đã chủ động đi trước, “bật đèn xanh”, vì thế bộ, ngành, địa phương không có lý gì không học tập Chính phủ, tận dụng truyền thông để đạt hiệu quả.

Ví dụ như trong ngành văn hóa, UNESCO vừa công nhận tín ngưỡng thờ mẫu là di sản văn hóa phi vật thể, nếu truyền thông không chủ động cung câp thông tin thì dân không biết và có thể nhầm lẫn là mê tín. Hay gần đây, Quảng Ninh phát hiện hai ngôi mộ cổ, nếu cơ quan chức năng không chủ động cung cấp thông tin, người dân không biết bề dày lịch sử văn hóa để vun đắp, tự hào... ."

"Vì vậy, tận dụng truyền thông mới một cách minh bạch sẽ đem lại hiệu quả cao"- ông Nguyễn Xuân Hồng khẳng định.

Bà Ngô Phương Lan: "Trong ngành điện ảnh, chúng tôi phải “nuôi” truyền thông"

TS Ngô Phương Lan: Cục trưởng Cục Điện ảnh: Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị của Bộ trong truyền thông của ngành

Xây dựng Khung chiến lược truyền thông ngành văn hóa, thể thao và du lịch là rất cần thiết. Việc định hướng truyền thông, xây dựng chiến lược vô cùng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là đưa chiến lược đó vào đời sống, và ngay trong năm 2017, ta làm gì.

Là cơ quan quản lý nhà nước, chúng ta luôn muốn định hướng trong truyền thông, nhưng báo chí, truyền thông lại có cách nói khác. Vậy làm thế nào để gặp gỡ nhau, đôi khi trao đổi với nhau, đôi khi phải “gây sức ép” với nhau, điều đó cũng không tránh khỏi. Với ngành điện ảnh, nếu không có phản biện của báo chí thì có nhiều đơn vị trì trệ. Vì vậy, sức ép của báo chí rất quan trọng nhưng cũng cần xác định đâu là giới hạn, đâu là chuẩn mực.

Trước đây, ta mơ ước làm sao có được nhiều phương tiện truyền thông, nay có nhiều phương tiện, thì  ta lại phải nghĩ sử dụng như thế nào. Lỗi của nhiều cơ quan nhà nước là có gì thì đưa đó cho truyền thông, nhưng lại làm khó cho truyền thông vì truyền thông không cần mớ lý thuyết mà truyền thông nói cái xã hội cần. Vì vậy, cần sự hài hòa giữa các cơ quan quản lý với các đơn vị truyền thông. Phải đưa cho xã hội và báo chí cái mà truyền thông cần.

Thực tế, trong ngành điện ảnh, chúng tôi phải “nuôi” truyền thông. Nuôi ở đây là cung cấp thông tin một cách đều đặn. Muốn truyền thông về lễ hội không phải đến mùa lễ hội mới đưa ra thông tin. Với chúng tôi, tháng 11 mới Liên hoan phim nhưng từ tháng 3 đã có thông tin cần đưa. Từ thực tế các hoạt động của Cục Điện ảnh, chúng tôi đã nhận được sự phối hợp rất tốt và tích cực của truyền thông, trong đó có cả truyền thông quốc tế. Điện ảnh và du lịch cũng kết hợp rất tốt trong truyền thông nhưng chưa phối hợp được nhiều.

Còn đáng tiếc về nguồn lực, các cơ quan nhà nước đều không có nguồn lực riêng về truyền thông, nên còn làm truyền thông theo thời vụ, không chủ động. Vì vậy, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan của Bộ trong đó có Cổng thông tin của Bộ VHTTDL. Mong muốn Bộ VHTTDL bố trí thêm nguồn lực truyền thông cho ngành điện ảnh".

Bà Đinh Thúy Hằng: "Xây dựng chiến lược truyền thông cho ngành là điều cần thiết"

PGS.TS. Đinh Thị Thúy Hằng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Làm chiến lược truyền thông phải có kế hoạch tỉ mỉ

"Khi đi sang Anh, tôi có tìm một cuốn sách giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam bằng tiếng Anh để làm quà tặng, nhưng tôi bỏ ra nửa ngày tìm không có. Việt Nam sở hữu nhiều cảnh đẹp, nếu so sánh với Thái Lan, điểm đến của họ không bằng ta, nhưng vì sao du khách vẫn quay trở lại? Cái cần nêu ra là không điều gì cũng “hữu xạ tự nhiên hương”. Phải quảng bá thật tốt.

Câu chuyện thứ hai là cách làm chuyên nghiệp, cụ thể và tỉ mỉ. Như đến với các nước, vừa đặt chân xuống sân bay là có ngay các túi thông tin tỉ mỉ, giới thiệu ăn ở đâu, đi bằng phương tiện gì, đến tham quan điểm nào….Điều này, ở chúng ta đã học được và làm được bao nhiêu?

Câu chuyện nữa là đến nước nào cũng có trang phục cho các đại biểu mang bản sắc dân tộc. Nếu hỏi tôi, bản sắc dân tộc là gì thì tôi không biết câu trả lời. Lào vào ASEAN sau chúng ta nhưng sức lan tỏa của văn hóa Lào nhanh hơn ta. Họ có điệu múa Lăm vông, còn ta, hát không biết hát bài nào, múa không có điệu múa gì. Cần phải làm rõ, xây dựng rõ thêm về bản sắc dân tộc.

Xây dựng chiến lược truyền thông cho ngành là điều cần thiết và chính các đại biểu đang ngồi đây sẽ hiểu nhất phải làm gì, phải đặt ra mục tiêu từng giai đoạn thật rõ ràng, phương pháp thực hiện rõ ràng thì mới chọn được phương thức truyền thông hiệu quả nhất. Ví dụ, sau quảng bá trên CNN, chúng ta có thể tính đã tăng được bao nhiêu lượng khách đến Việt Nam hay không? Chiến lược truyền thông phải làm lâu dài, có kế hoạch tỉ mỉ thì mới có hiệu quả.

Ông Ngô Hoài Chung: "Trước khi chuẩn bị cho chuyến đi, 60% du khách lựa chọn thông tin trên mạng internet, 30% lựa chọn qua gia đình người thân, 10% qua những kênh khác. Điều đó cho thấy, phương tiện truyền thông rất quan trọng"

Ông Ngô Hoài Chung- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Thành công của ngành du lịch có đóng góp không nhỏ của truyền thông

"Theo kế hoạch, ngày 25/12 tới, tại sân bay Phú Quốc, Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức đón vị khách thứ 10 triệu của du lịch Việt Nam. Đây là con số kỷ lục của du lịch Việt Nam. Năm nay, nếu không có gì thay đổi, du lịch Việt Nam sẽ đạt doanh thu khoảng 400 ngàn tỷ đồng, khoảng 18 tỷ đô la. Đây là con số mà Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đặt ra cho năm 2020, nhưng ngành du lịch đã về đích trước 4 năm về doanh thu du lịch. Có nhiều nguyên nhân để đạt được kết quả đó và không thể không kể đến vai trò của xúc tiến quảng bá du lịch, trong đó có vai trò ngày càng lớn của truyền thông.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, trước khi chuẩn bị cho chuyến đi, 60% du khách lựa chọn thông tin trên mạng internet, 30% lựa chọn qua gia đình người thân, 10% qua những kênh khác. Điều đó cho thấy, phương tiện truyền thông rất quan trọng.

Nắm bắt được tầm quan trọng vai trò của truyền thông, chúng tôi đã hợp tác với các cơ quan truyền thông lớn trên thế giới như CNN, BBC, Travel Channel… Bên cạnh các phương thức truyền thống, chúng tôi cũng quan tâm đẩy mạnh xúc tiến trên internet, chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông….

Để đẩy mạnh và phát huy vai trò của truyền thông trong phát triển du lịch, chúng tôi đề xuất 3  giải pháp nâng cao hoạt động truyền thông trong du lịch trong giai đoạn tới: Giải pháp về xây dựng nội dung truyền thông; Giải pháp về sử dụng công cụ, phương pháp truyền thông; Giải pháp liên kết, đẩy mạnh xã hội hóa. Đặc biệt, tập trung truyền thông hướng đến các thị trường trọng điểm quốc tế của Việt Nam. Riêng đối với thị trường khách nội địa, những người vừa là đối tượng khách, vừa là chủ thể của điểm đến được phát triển với tư cách là “đối tác” truyền thông đưa hình ảnh du lịch Việt Nam ra quốc tế".

Ông Hoa Hữu Vân: "Lồng ghép truyền thông, kết hợp giữa cơ quan quản lý với sự tham gia của các tầng lớp nhân dân thông qua các tổ chức, hội, đoàn thể"

Ông Hoa Hữu Vân-  Phó vụ trưởng Vụ Gia đình: Phải bắt đầu từ việc xác định rõ mục đích và nội dung của truyền thông

Phó vụ trưởng Vụ Gia đình khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông trong công tác gia đình, tất cả nhiệm vụ, công tác vụ gia đình suy cho đến cùng là nhiệm vụ truyền thông, cốt lõi công tác gia đình là phương tiện truyền thông, nếu tách truyền thông rất chông chênh.

Điểm lại các hình thức truyền thông được xem là có hiệu quả và phù hợp với đặc điểm của quản lý nhà nước về công tác gia đình, ông Hoa Hữu Vân đưa ra một số hình thức và mô hình truyền thông tại cộng đồng đã và đang phát huy tác dụng khá tốt như: Truyền thông theo chủ đề của từng chiến dịch cao điểm (Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11... và từ  năm 2016 là chiến dịch truyền thông trong Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình...) với nhiều hình thức tuyên truyền cấp độ khác nhau.

Lồng ghép truyền thông, kết hợp giữa cơ quan quản lý với sự tham gia của các tầng lớp nhân dân thông qua các tổ chức, hội, đoàn thể; Kết hợp truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình với các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân bạo lực gia đình, truyền thông kết hợp với tư vấn, giáo dục cho người có hành vi bạo lực gia đình;

Lồng ghép truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình thông qua sinh hoạt trong các câu lạc bộ. Sở sĩ công tác gia đình phải lồng ghép truyền thông là do kinh phí hạn hẹp . 

Tại tọa đàm, ông Hoa Hữu Vân đề nghị cần phải bắt đầu từ việc xác định rõ mục đích và nội dung của truyền thông, đối tượng mà truyền thông hướng tới. Xuất phát từ nguyên tắc: truyền thông cho ai, truyền về cái gì, chúng ta cần nghiên cứu một cách căn cơ hơn để có thêm hiểu biết về các loại hình gia đình hướng tới đối tượng đích là thành viên của các gia đình với tư cách là đối tượng tiếp nhận truyền thông đồng thời là người tham gia vào quá trình của hoạt động truyền thông.

Tổng biên tập Báo Tri thức trẻ Ngô Việt Anh: "Cần có một đơn vị đầu mối thực hiện truyền thông cho ngành"

Nhà báo Ngô Việt Anh- Tổng biên tập Báo Tri thức trẻ (Zing.vn): Cần có nhạc trưởng trong truyền thông của ngành

"Bộ VHTTDL còn thiếu một nhạc trưởng, đạo diễn cho truyền thông của Bộ. Phải đăt vấn đề, xây dựng được chiến lược rồi, ai thực hiện? Do đó, cần có một đơn vị đầu mối thực hiện, có thể mỗi cục, vụ có một người, thành một Ban thực hiện nhiệm vụ. Khi có Ban này, mỗi phát ngôn sẽ thống nhất, tránh việc ở dưới nói rồi trên Bộ lại đi “chữa cháy”.

Trong truyền thông, không thể làm theo cảm hứng mà phải có cơ sở khoa học từ dữ liệu và số liệu. Trên thực tế, chúng ta hay làm theo cảm hứng. Phải có phân tích số liệu, dữ liệu, từ số liệu, dữ liệu đó, sẽ có cách tuyên truyền như thế nào. Ví dụ, từ lượng khách đến Phú Quốc, phân tích xem có bao nhiêu phần trăm đến qua kênh truyền thông nào . Nếu lượng khách đến từ kênh truyền thông nào nhiều thì ta sẽ tăng cường truyền thông trên kênh đó. Như vậy, mới là cách làm truyền thông hiệu quả.

Hiện nay, chúng ta vẫn đang coi trọng việc truyền thông trên các kênh quốc tế, trong khi các nước họ làm nhiều rồi, tiền họ cũng nhiều hơn ta. Vì vậy, chúng ta không nên lấy kênh đó làm cốt lõi, do điều kiện kinh tế của ta còn khiêm tốn. Hãy làm truyền thông theo cách của ta, đơn cử như việc tận dụng phim Kong: Skull Island quay ở Việt Nam vừa qua. Trung Quốc đã làm truyền thông rất hiệu quả khi mở tuor tham quan cảnh quay phim Avarta.

Bên cạnh đó phải nhận thức được truyền thông trên mạng xã hội có lợi gì, đáp ứng gì cho mục đích truyền thông của ta. Mạng xã hội có lợi thế truyền thông hơn báo chí vì xác định được lứa tuổi, giới tính, vị trí, thói quen của người sử dụng. Hay chúng ta có nhiều ngôi sao trong ngành văn hóa, giải trí, nhưng ta sử dụng được bao nhiêu trong quảng bá? Hay như anh Hoàng Xuân Vinh sẽ giúp gì cho quảng bá du lịch?

Truyền thông là truyền đi những thông điệp tốt đẹp của chúng ta. Các cục, vụ làm được gì khi thông tin về ngành? Khi có thông tin gây dư luận hiểu sai, chúng ta phải làm gì? Khi làm truyền thông, cần đi vào những điều cụ thể, còn khung chỉ mang tính định hướng".

Ông Trần Đăng Khoa- Tổng biên tập Báo Văn hoá

Ông Trần Đăng Khoa – Tổng biên tập Báo Văn hóa: Các cơ quan quản lý đừng “né” báo chí

"Tôi phát biểu với hai vai, vừa là người của Bộ vừa là một nhà báo. Theo tôi, nguyên tắc truyền thông là: phải thông mới truyền và đã truyền phải thông. Với hai đối tượng chính: Người làm truyền thông và người muốn được truyền thông các thông tin hoạt động của mình. Dù báo giấy, báo hình, hay điện tử... đa phương tiện, hiện đại nhất thì cứ phải có thông tin. Thông tin đúng, do cơ quan cung cấp thông tin chuẩn". 

Đề nghị tiếp theo được ông Trần Đăng Khoa đưa ra tại Tọa đàm là nên có Hội đồng báo chí theo dõi mảng VHTTDL để góp ý và hoàn thiện hơn nữa việc truyền thông về ngành.

Bên cạnh đó ông Khoa cũng đề nghị định kỳ tổ chức họp mặt báo chí, có các buổi cung cấp thông tin chuyên môn liên quan đến ngành văn hóa, thể thao, du lịch.

Đề nghị cuối cùng ông Khoa đưa ra là các cơ quan nên tiếp nhận một cách tích cực khi báo chí phản biện.

Ông Vũ Đình Thường: "Phải lưu ý, xây dựng kế hoạch truyền thông trong môi trường thông tin mở, ngoài báo chí, còn có mạng xã hội và các phương tiện thông tin trên internet"

Ông Vũ Đình Thường- Vụ trưởng Vụ Báo chí- Xuất bản- Ban Tuyên giáo Trung ương: Cần chăm lo cho các cơ quan báo chí của ngành

"Tôi nhất trí với ý kiến cho rằng chiến lược truyền thông không nên bao gồm quá nhiều lĩnh vực. Nếu chúng ta tập trung, ôm đồm tất cả thì rất khó vạch ra những nội dung truyền thông cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Ở đây, tôi có mấy ý kiến góp ý về truyền thông cho du lịch. Tôi cho rằng nên xác định thời gian truyền thông cho ngành dài hơi hơn, ít nhất là 10 năm. Xác định Khung chiến lược truyền thông cho ngành VHTTDL từ năm 2017 đến năm 2020 không phù hợp với khái nệm Chiến lược.

Để xây dựng Khung chiến lược truyền thông ngành VHTTDL, chúng ta phải lưu ý, xây dựng kế hoạch truyền thông trong môi trường thông tin mở, ngoài báo chí, còn có mạng xã hội và các phương tiện thông tin trên internet. 

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đã xác định Du lịch là ngành kinh tế mũi  nhọn, do vậy cần thành lập cơ quan tham mưu để có thể xây dựng kế hoạch truyền thông một cách bài bản, khoa học và có hiệu quả. Khi có các sự cố truyền thông của ngành, đơn vị tư vấn truyền thông sẽ xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, phải tìm được những nhân sự truyền thông thực sự đáp ứng được yêu cầu; tập huấn cho báo chí về những vấn đề liên quan đến ngành; Công tác thông tin truyền thông cần triển khai kiên trì, tránh tình trạng giật cục…Đề nghị Bộ VHTTDL phối hợp tốt với các cơ quan liên quan, cơ quan quản lý báo chí để triển khai công tác tuyên truyền. Khi xảy ra sự cố, các đồng chí có trách nhiệm trong ngành không nên né tránh báo chí vì đây sẽ là cơ hội của mạng xã hội.

Đặc biệt, đề nghị chăm lo cho các cơ quan báo chí của ngành, như cơ quan báo chí lâu đời như Báo Văn hóa hoặc những tờ báo có tên gọi có sức lay động rất lớn đối với đồng bào xa quê hương, khách quốc tế như Báo điện tử Tổ Quốc. Ngành cũng cần có sản phẩm tốt để hỗ trợ cho tuyên truyền, truyền thông".

Thứ trưởng Lê Khánh Hải kết luận buổi Tọa đàm

Thứ trưởng Lê Khánh Hải: Qua 14 ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đều xác định việc cần thiết phải xây dựng khung chiến lược truyền thông của ngành. Khi đặt ra vấn đề này,  chúng tôi đặt ra sự cần thiết của truyền thông trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của ngành.

Vấn đề nữa, trong Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước, Đảng, Chính phủ giao Bộ thực hiện nghiên cứu về vấn đề đạo đức văn hóa, hành vi lệch chuẩn về đạo đức, văn hóa. Thực hiện vấn đề này, càng cần thiết có sự đồng hành của báo chí, các phương tiện truyền thông để đo đếm, định hướng, thậm chí thay đổi thói quen cổ hủ, hành vi lệch chuẩn, xây dựng được chuẩn mực đạo đức trong gia đình, trong xã hội.

Vấn đề xã hội hóa mà Tọa đàm nêu cũng rất cần. Do nguồn lực không nhiều, cần thiết phải có sự song hành của các đơn vị. Các đơn vị sự nghiệp của Bộ cũng phải tự chủ, thay đổi cách nghĩ cách làm, phát huy được hiệu lực trong hoạt động. Bộ sẽ song hành vơi các đơn vị trong việc đưa chuẩn mực nội dung để truyền thông.

Sau đây, Văn phòng Bộ, Trung tâm Công nghệ thông tin sẽ tổng hợp ý kiến và đề nghị Ban soạn thảo báo cáo Bộ trưởng. Mục đích xây dựng khung chiến lược để thực hiện thành công chiến lược phát triển văn hóa, thể thao, du lịch"./.

Báo điện tử Tổ Quốc

NỔI BẬT TRANG CHỦ