(Tổ Quốc) - Sáng 29/6, tại Tổng cục Thống đã diễn ra buổi Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024.
Tại buổi Họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đã công bố những vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam trong quý II và 6 tháng đầu năm 2024.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2024 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2024. GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của sáu tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024
Trong đó, chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,1%, tác động làm CPI tăng 0,1 điểm phần trăm.
Theo báo cáo, trong tháng 6/2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,2 triệu lượt người, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu lượt người, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Đáng chú ý, các chỉ số vận chuyển trên cả ba tuyến đường bộ, đường thủy, hàng không và chỉ số lượng khách quốc tế phân theo vùng lãnh thổ đều đồng thời tăng trưởng.
Số lượt người Việt Nam xuất cảnh trong tháng 6/2024 là hơn 470 nghìn lượt người, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 2,6 triệu lượt người, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong sáu tháng đầu năm 2024, các hoạt động văn hóa diễn ra sôi nổi trên cả nước, đặc biệt là sau dịp Tết Nguyên đán 2024. Bên cạnh hoạt động lễ hội diễn ra sôi nổi là các hoạt động kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024) trong tháng Tư và chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trong tháng Năm.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, kinh tế sáu tháng đầu năm 2024 đạt mức tăng trưởng 6,42%.
"Đây là mức tăng trưởng tích cực, thể hiện sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị đã quyết liệt thực hiện nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế – xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động của kinh tế thế giới. Các chỉ tiêu thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định" - Bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Dự báo, bước sang quý III/2024, kinh tế – xã hội sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen trước những rủi ro, bất ổn của kinh tế thế giới; các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo. Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,0-6,5% của năm 2024 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và Nhân dân cả nước.
"Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với tình huống phát sinh, kiên định thực hiện hiệu quả các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tối đa cho khu vực doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân" - Bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.