(Tổ Quốc) - Ngành VHTTDL Bắc Giang góp phần chung tay bảo vệ môi trường tại các khu du lịch, khu di tích; Trong tháng 6, Ban quản lý các di tích quốc gia đặc biệt tại Cao Bằng đón tiếp 176 đoàn khách; Lạng Sơn góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc là những thông tin đáng chú ý.
Ngành VHTTDL Bắc Giang góp phần chung tay bảo vệ môi trường tại các khu du lịch, khu di tích
Để hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường Thế giới năm 2020, góp phần chung tay bảo vệ môi trường trên địa tỉnh Bắc Giang nói chung, các khu du lịch, khu di tích, các điểm tổ chức lễ hội, vui chơi giải trí nói riêng, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang yêu cầu cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, triển khai tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về thực hiện các văn bản liên quan đến môi trường; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, Ngày Môi trường Thế giới năm 2020 với các hình thức treo băng zôn, pano, áp phích, khẩu hiệu: "Hành động vì thiên nhiên" tại trụ sở cơ quan, các điểm, khu du lịch, khu di tích, các địa điểm tổ chức lễ hội, vui chơi giải trí trên địa bàn huyện, thành phố, nhằm nhắc nhở người dân cùng chung tay hành động để bảo vệ môi trường; Tăng cường đưa tin, bài tuyên truyền các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, Ngày Môi trường Thế giới trên các phương tiện truyền thông tại địa phương, trang thông tin điện tử của ngành.
Bên cạnh những hoạt động nêu trên, Phòng VH&TT các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, phổ biến trực tiếp tới toàn thể nhân dân trong tổ dân phố, thôn, bản về Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 nhằm tăng cường hoạt động giám sát của cộng đồng đối với hoạt động bảo vệ môi trường; Phát động Phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường với chủ đề "Hành động vì thiên nhiên"; Phát động hưởng ứng các hoạt động "Ngày thứ 7 tình nguyện", "Ngày chủ nhật xanh". Đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng và tổ chức quản lý các công trình thu gom, xử lý chất thải, rác thải tại các điểm, khu du lịch, khu di tích, các địa điểm tổ chức lễ hội, khu vui chơi giải trí đông người thuộc địa bàn quản lý, đảm bảo xử lý triệt để chất thải, rác thải không làm ảnh hưởng tới môi trường, cảnh quan. Gắn các tiêu chí bắt buộc về môi trường để đạt chuẩn nông thôn mới theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
Cao Bằng: Trong tháng 6, Ban quản lý các di tích quốc gia đặc biệt đón tiếp 176 đoàn khách
Sở VHTTDL đã có Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 6, chương trình công tác trọng tâm tháng 7 năm 2020.
Theo đó, trong lĩnh vực văn hóa, Sở VHTTDL đã xây dựng, trình UBND tỉnh các văn bản dự thảo Kế hoạch tổ chức Cuộc thi ảnh – thơ – nhạc chủ đề "Non nước Cao Bằng năm 2020"; Kế hoạch tổ chức Triển lãm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc lần thứ 26 năm 2021 tại tỉnh Cao Bằng;…
Trong tháng 6, Trung tâm Văn hóa và Thông tin du lịch đã thực hiện công tác tuyên truyền chủ đề "Tháng hành động vì trẻ em"; tham gia biểu diễn phục vụ tuyến phố đi bộ vào cuối tuần.
Hệ thống thư viện thực hiện có hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền phục vụ bạn đọc nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và địa phương; tổ chức phục vụ xe ô tô thư viện lưu động tại tuyến phố đi bộ; bổ sung 655 bản sách mới;…Hệ thống bảo tàng đã thực hiện sưu tầm 02 hiện vật; triển khai công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện Hạ Lang, Trùng Khánh, Quảng Hòa;…
Ban quản lý các di tích quốc gia đặc biệt đã đăng ký tham gia Chương trình kích cầu du lịch năm 2020, miễn giảm giá dịch vụ nhằm thu hút du khách nội địa, khắc phục khó khăn sau dịch bệnh Covid-19. Sau dịch bệnh Covid-19, lượng khách đến tham quan tại Ban quản lý đã bắt đầu tăng trở lại. Trong tháng 6, đón tiếp 176 đoàn khách với tổng số khách trên 15.000 lượt. Tiếp tục thực hiện triển lãm ảnh "50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh" tại phòng trưng bày Khuôn viên Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh – Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.
Lạng Sơn góp phần nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc
UBND tỉnh đã có Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định việc kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Được sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ VHTTDL, sự tham gia của chính quyền, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là các nghệ nhân, chủ thể văn hóa ở cơ sở, công tác kiểm kê lập hồ sơ khoa học DSVHPVT đã được triển khai thực hiện tương đối hiệu quả, đồng bộ qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Qua công tác khảo sát, điền dã, một mặt đã góp phần giáo dục, nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ làm công tác văn hóa các cấp và cộng đồng trong việc nhận diện các di sản văn hóa, mặt khác đã cơ bản đánh giá được giá trị, sức sống và mức độ tồn tại của các loại hình di sản văn hóa trong đời sống của đồng bào các dân tộc tại địa phương. Trên cơ sở đó, tăng cường, đẩy mạnh nâng cao năng lực hiệu quả công tác quản lý trong lĩnh vực di sản, đồng thời tham mưu, đề xuất các phương hướng, giải pháp nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong những năm tới.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban kiểm kê DSVHPVT tỉnh tham mưu, xây dựng, ban hành trên 70 văn bản liên quan đến việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học DSVHPVT trên địa bàn.
Chỉ đạo tổ chức 12 hội nghị tập huấn (trong đó có 01 hội nghị cấp tỉnh, 11 hội nghị cấp huyện, thành phố) thu hút hàng trăm lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia. Thông qua hội nghị để nghiên cứu, trao đổi thống nhất, đề xuất những biện pháp cụ thể, phù hợp, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; giúp các thành phần liên quan nhận thức rõ hơn về phương thức, quy trình kiểm kê và lập hồ sơ khoa học cho các loại hình DSVHPVT đang tồn tại trên địa bàn tỉnh cũng như vai trò quản lý và định hướng của Nhà nước để sử dụng có hiệu quả hơn sự đóng góp của nhân dân đối với công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa trong hoạt động quảng bá, phát triển văn hóa - du lịch của địa phương; đồng thời, lựa chọn những di sản văn hóa tiêu biểu đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia.
Từ năm 2012 đến năm 2015, Ban kiểm kê DSVHPVT của tỉnh đã tổ chức 12 đợt điền dã, kiểm kê, lập hồ sơ khoa học DSVHPVT truyền thống của các dân tộc trên địa bàn 226 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố. Qua quá trình điền dã, kiểm kê trên địa bàn 11 huyện, thành phố đã tiến hành lập được 3.273 phiếu của 07 loại hình di sản văn hóa phi vật thể (trong đó: tiếng nói, chữ viết 306 phiếu; ngữ văn dân gian 13 phiếu; nghệ thuật trình diễn dân gian 383 phiếu; tập quán xã hội 1.486 phiếu; lễ hội truyền thống 272 phiếu; nghề thủ công truyền thống 216 phiếu; tri thức dân gian 597 phiếu), hoàn thành công tác kiểm kê DSVHPVT theo kế hoạch.