(Tổ Quốc) -Đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động ngành VHTTDL cần thay đổi nhận thức, nắm bắt được thuận lợi, khó khăn, thách thức của ngành trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để chủ động, sáng tạo trong việc làm.
Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên tại Hội thảo Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN) đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch do Bộ VHTTDL tổ chức sáng 22/5, tại Hà Nội.
Tại hội thảo, ông Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL) đã nêu lên những tác động của cuộc CMCN lần thứ 4 trong lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch, gia đình cùng chính sách phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa đáp ứng yêu cầu chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo (ảnh Nam Nguyễn) |
Theo đó, đối với ngành du lịch, IoT (một trong những thành tựu của CMCN lần thứ 4) đang tác động mạnh đến cách thức tương tác với sản phẩm của khách du lịch và các cách thức vận hành nội tại của từng cơ sở cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Khách có thể tương tác, điều khiển với thiết bị của phòng lưu trú, đánh giá chất lượng dịch vụ thời gian thực. Đối với các trung tâm lớn như sân bay, công viên chuyên đề, trung tâm hội nghị, IoT cho phép đồng bộ hóa tất cả các hoạt động liên quan đến khách hàng, cho phép các nhân viên tập trung hơn đến chất lượng trải nghiệm của khách, sử dụng hệ thống cảm biến bao quát toàn bộ các khu vực cho phép đơn giản hóa tất cả các quy trình hoạt động, từ vận chuyển khách đến đặt ăn, xây dựng chương trình thông qua thiết bị công nghệ được đi kèm với khách hàng.
Trí tuệ nhân tạo và Robot thông minh tác động mạnh mẽ đến dịch vụ phục vụ trực tiếp khách hàng, phân tích dữ liệu và trao đổi thông tin trực tiếp đến khách hàng.
Bên cạnh đó, thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) tác động đến ngành du lịch theo các cách như: Thử nghiệm trước khi mua, giúp du khách khám phá điểm đến trong môi trường 3D trước khi quyết định sẽ lựa chọn điểm đến hay không; VR giúp du khách kiểm tra từng chi tiết của cơ sở lưu trú, so sánh các loại phòng trước khi đặt phòng, đại lý lữ hành có thể dễ dàng giới thiệu đầy đủ về các điểm đến khác nhau tại thời gian thực cho các khách hàng tiềm năng; điện thoại thông minh có thể giúp du khách khám phá điểm đến, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ bằng công nghệ thực tế ảo.
Trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là với Điện ảnh, sự phát triển của công nghệ số đã làm thay đổi ngành công nghiệp này. Việc lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn (big data) là một lĩnh vực sẽ có những tác động đáng kể đến điện ảnh. Các hoạt động quảng bá phim, bán vé, đặt chỗ qua các dịch vụ trực tuyến, thu thập, phân tích dữ liệu công chúng, cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến… sẽ làm thay đổi ngành điện ảnh. Công nghệ thực tế ảo cũng được dự đoán là sẽ thay thế cho phim 3D hiện tại và làm thay đổi cách thức sản xuất phim cũng như thị hiếu của công chúng.
Các lĩnh vực khác như Nghệ thuật biểu diễn, bảo tàng, di sản, thư viện, mỹ thuật nhiếp ảnh… cũng được đánh giá tác động của CMCN lần thứ 4.
Theo ông Hà Văn Siêu- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam. Cách mạng 4.0 đem lại những thay đổi vượt bậc trong ngành du lịch. Ví dụ, khách du lịch có thể ngồi nhà đặt dịch vụ, so sánh, tìm kiếm dịch vụ tốt nhất, khách sạn tốt nhất, phù hợp nhất với mình. Ngược lại, giá trị gia tăng của lĩnh vực du lịch cũng tăng lên nhiều: Kinh doanh du lịch, lữ hành, lưu trú, thông tin, marketing, dịch vụ ăn uống, trải nghiệm, giải trí đều chịu tác động của 4.0...
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên: Cần thay đổi nhận thức, nắm bắt được thuận lợi, khó khăn, thách thức của ngành để chủ động trước CMCN 4.0 (ảnh Hồng Hà) |
Cũng theo ông Siêu, ngành du lịch đứng trước cơ hội lớn như quản lý điểm đến, cơ sở dữ liệu lớn, giúp quản lý công việc tốt hơn. “Thách thức đặt ra là sự thiếu định hướng, thiếu đồng bộ trong quản lý khu du lịch. Ở nước ta Khu du lịch quốc gia, điểm đến vùng và các loại điểm đến mới hình thành trong Luật Du lịch, trên thực tế chưa định dạng rõ để phân tầm, phân cấp và định dạng số hóa”- ông Hà Văn Siêu nhận định.
Ông Siêu cũng chỉ ra cơ hội lớn về thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội rất có giá trị trong xúc tiến du lịch. Thông tin đa chiều, cơ hội về giới thiệu, thông tin quảng bá về điểm đến, sản phẩm du lịch được đánh giá cao. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là công nghệ số nhanh, nhiều, mọi lúc mọi nơi song không có sự kiểm chứng nên đôi khi thông tin không đúng sự thật.
Trước những vấn đề đặt ra, ông Siêu đề nghị cần có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch thông minh, hỗ trợ cơ chế thúc đẩy thông tin quảng bá du lịch thông minh; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch để phát triển du lịch thông minh.
Những chính sách khuyến khích phát triển du lịch thông minh mà đại diện Tổng cục Du lịch đặt ra là thực hiện Thị thực điện tử, thanh toán điện tử, hoàn thuế điện tử, đẩy mạnh giao thông chia sẻ.
Đối với ngành thể thao, đại diện Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết, CMCN lần thứ 4 cũng tác động đến nhiều mặt, trong đó, ứng dụng công nghệ sinh học Nano, công nghệ 3D cho thể dục thể thao đã tạo được kết nối, đánh giá tình trạng sức khỏe cho mọi người từ đó có hướng dẫn tập luyện phù hợp với lứa tuổi. Ứng dụng này áp dụng ở cấp tiểu học là phần mềm đánh giá sức khỏe học sinh giúp cho phụ huynh ở nhà có thể theo dõi, đánh giá tình trạng sức khỏe của con em mình tại trường.
Ông Nguyễn Thanh Liêm phát biểu tại Hội thảo (ảnh Nam Nguyễn) |
Tương tự, tại Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh đã áp dụng những thẻ điện tử, đánh giá tình trạng sức khỏe của từng học sinh, sinh viên tại trường. Từ đó, giúp cho chuyên gia đánh giá, hướng dẫn các bài tập phù hợp.
“Với thể thao thành tích cao, ứng dụng này được áp dụng vào đánh giá tình trạng tuyển chọn VĐV, tiết kiệm thời gian, kinh phí. Số hóa các bài tập, từng môn tập và kiểm tra, đánh giá các VĐV được tối ưu hóa bằng các phần mềm….”- Đại diện Tổng cục Thể dục Thể thao chia sẻ.
Cũng tại Hội thảo, ông Bùi Hoài Sơn- Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã nêu lên những cơ hội chung của ngành VHTTDL và Gia đình trong CMCN 4.0. Ông Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, thách thức của ngành hiện nay là yếu kém về cơ sở hạ tầng, công nghệ. Giải pháp đặt ra là tuyên truyền nâng cao nhận thức, cập nhật phổ biến kiến thức về công nghệ 4.0 đối với đội ngũ nhân viên, cán bộ lãnh đạo ngành. Có chính sách đào tạo tài năng sáng tạo, hỗ trợ sáng tạo cá nhân, tạo cơ chế kiểm duyệt từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Đánh giá về thực trạng tác động của CMCN 4.0 đến ứng dụng CNTT tại Bộ VHTTDL, ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin cho rằng, bên cạnh những lợi ích và cơ hội to lớn, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đang đặt ra những thách thức gay gắt, đặc biệt là thách thức an ninh phi truyền thống. Việc đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống Chính phủ điện tử không chỉ giới hạn trong một thiết bị, một người dùng, một hệ thống đơn lẻ, mà cần có sự thống nhất, tổng thể chung cho các hệ thống CNTT (dùng chung và chuyên ngành).
Yêu cầu việc nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN) phải có tính chất cách mạng. Việc này đòi hỏi Bộ phải cung cấp những dịch vụ cá nhân hóa, không phụ thuộc thời gian, không gian và nguồn dữ liệu, có thể đáp ứng yêu cầu của công dân một cách tức thời; phải cung cấp các dịch vụ mới sử dụng dữ liệu theo thời gian thực, ví dụ như phòng chống thảm họa, du lịch thông minh… Đồng thời, CMCN 4.0 còn đòi hỏi các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phải cung cấp dịch vụ mới trên nền tảng mở, tích hợp, chia sẻ dữ liệu chung giữa nhà nước và khu vực tư.
Trước sự chuyển biến nhanh và mạnh, các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động gặp nhiều trở ngại trong việc thay đổi các thói quen như chuyển đổi từ sử dụng văn bản giấy sang văn bản điện tử; sử dụng công cụ điện tử thay thế các công cụ bằng tay trước đây.
Việc bảo vệ an toàn, đảm bảo sự toàn vẹn thông tin trao đổi trên môi trường mạng cũng gặp nhiều thách thức. Nó đòi hỏi các cán bộ, kỹ thuật viên hệ thống và kỹ thuật viên an ninh mạng luôn cập nhật kiến thức, kỹ năng và rèn luyện đạo đức nghề nghiệp để ứng phó tốt với các sự cố, sự tấn công mạng.
Chế độ đãi ngộ cũng như bảo đảm duy trì số lượng các cán bộ kỹ thuật có trình độ cao sẽ càng gặp nhiều thách thức khi phải cạnh tranh với môi trường lao động ở các doanh nghiệp, tập đoàn, gây “chảy máu chất xám”.
Việc công nghệ thông tin liên tục thay đổi với tốc độ rất nhanh sẽ gây ra sự lạc hậu về công nghệ, lỗi thời về thiết kế hệ thống của các thành phần trong hệ thống Chính phủ điện tử của Bộ. Điều đó dẫn đến việc xuất hiện các nhu cầu cần thay đổi, nâng cấp và mở rộng hệ thống Chính phủ điện tử rất lớn, kéo theo chi phí ngân sách lớn. Trong khi đó, ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế.
Ông Hà Văn Siêu phát biểu tại Hội thảo (ảnh Nam Nguyễn) |
Cũng tại Hội thảo, đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã góp ý cho Bộ VHTTDL trong việc xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” của Bộ.
Phát biểu tổng kết, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đánh giá cao các ý kiến tham luận tại Hội thảo. Thứ trưởng yêu cầu Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tập hợp ý kiến, phân tích vấn đề cần xây dựng chính sách trình Ban chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án Chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đối với những vấn đề có thể làm ngay, thứ trưởng yêu cầu các đơn vị chủ động thực hiện trong nhiệm vụ, chức năng được giao.
Trong điều kiện hiện nay, Thứ trưởng đề nghị chủ động, ứng dụng CNTT trong thực hiện cổng thông tin điện tử, trang web, một cửa, dịch vụ công, những việc này góp phần giúp Bộ chủ động trước cuộc cách mạng 4.0. Thứ trưởng cho rằng, một trong những vấn đề yếu nhất của Bộ là nguồn lực để ứng dụng CNTT. Vì vậy, phải tập huấn, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
“Trong bối cảnh đầu tư cho công tác đào tạo nhân lực còn nhiều khó khăn, đầu tư cho CNTT còn nhỏ giọt thì việc nâng cao nhận thức về cách mạng 4.0 là vô cùng quan trọng. Cần có chính sách, có chế độ đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực của ngành. Điều này cần có ngân sách để đầu tư. Nếu không có 4 điều kiện này thì ngành VHTTDL, gia đình vẫn đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0”- Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên khẳng định.
Đối với việc xây dựng Đề án, Thứ trưởng yêu cầu Ban soạn thảo đánh giá được tác động, nhận diện được cơ hội, rủi ro, thách thức của cách mạng 4.0 đối với ngành. Từ đó, đề xuất cơ chế chính sách. Đề án cũng phải nêu rõ, lĩnh vực nào là ưu tiên như Du lịch, Công nghiệp văn hóa với 6 ngành nghề.
Thứ trưởng yêu cầu, các đơn vị của Bộ hoàn thiện các báo cáo thuộc lĩnh vực của mình, tập hợp gửi về Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trước 16g ngày 24/5/2018./.