• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11): Bảo tồn di sản là nguồn lực để phát triển bền vững

Văn hoá 23/11/2024 09:59

(Tổ Quốc) - Di sản văn hóa không chỉ là nguồn lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, mà còn có giá trị tinh thần lớn lao, góp phần xây dựng môi trường xã hội Việt Nam lành mạnh, văn minh để vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng được coi trọng và quan tâm

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, Người khẳng định: Di sản văn hóa dân tộc là vốn quý, là bệ đỡ cho nền văn hóa dân tộc.

Sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, chưa đầy 3 tháng sau, ngày 23/11/1945, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số 65/SL về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, quy định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện là bảo tồn cổ vật, di tích trong toàn cõi Việt Nam.

Sắc lệnh 65 tuy ngắn gọn nhưng súc tích, phản ánh những tư tưởng, quan điểm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc bảo tồn di sản văn hóa,khẳng định việc bảo tồn cổ vật, di tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”. Cho đến nay, Sắc lệnh vẫn giữ nguyên tính lý luận và thực tiễn, soi sáng cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của quốc gia, dân tộc.

Với ý nghĩa đó, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, mục đích là phát huy truyền thống, ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam; động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đây cũng là dịp để khơi gợi, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân.

Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11): Bảo tồn di sản là nguồn lực để phát triển bền vững - Ảnh 1.

Quần thể danh thắng Tràng An

Theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, 79 năm qua, cùng với tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng được coi trọng và quan tâm. Hệ thống pháp luật về di sản văn hóa không ngừng được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước.

Đến nay, cả nước đã xếp hạng được hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.621 di tích quốc gia, 130 di tích quốc gia đặc biệt, trên tổng số hơn 40.000 di tích, khoảng 7.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, trong đó có 534 di sản đã được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhiều di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh, gồm 9 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể; 9 di sản tư liệu, trong đó có 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Từ một vài bảo tàng được xây dựng dưới thời Pháp thuộc, hiện nay, hệ thống bảo tàng Việt Nam đã có 127 bảo tàng công lập, 70 bảo tàng ngoài công lập, bảo quản trên 4 triệu hiện vật. Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có 294 hiện vật, nhóm hiện vật đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

“Chúng ta có quyền tự hào về kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc dân tộc và tự hào về những thành tựu đã đạt được trong sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Đó là nguồn động viên to lớn đối với mỗi chúng ta, giúp chúng ta càng thêm yêu và trách nhiệm với di sản văn hóa dân tộc”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh.

Di sản văn hóa là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội

Kho tàng di sản văn hóa không những tạo nên sự đa dạng, phong phú và bản sắc của nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mà còn là nhân tố, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Trên phương diện kinh tế-xã hội, nhiều di sản văn hóa đã trở thành sản phẩm văn hóa-du lịch hoàn chỉnh, vừa là động lực, vừa là mục tiêu cho sự phát triển du lịch. Đây chính là những vốn quý góp phần định vị thương hiệu quốc gia, dân tộc trong thời kỳ hội nhập toàn cầu.

Số liệu 5 năm (2016-2020) cho thấy, tổng số lượng khách du lịch tại các khu Di sản thế giới ở Việt Nam năm 2016 là 14,3 triệu khách, năm 2019 tăng lên khoảng 18,2 triệu khách.

Tổng doanh thu từ bán vé tham quan, dịch vụ tại các khu Di sản thế giới ở Việt Nam năm 2016 khoảng 1.776 tỷ đồng, năm 2019 đạt khoảng 2.322 tỷ đồng. Từ năm 2020, do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 nên số lượng du khách và doanh thu giảm mạnh, nhưng đang dần phục hồi.

Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11): Bảo tồn di sản là nguồn lực để phát triển bền vững - Ảnh 2.

Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới.

Từng có thời gian, nhiều người sai lầm trong nhận định giữa bảo tồn di sản và phát triển văn hóa. Cho rằng, bảo tồn là phải giữ kín, không được “khoe”, bảo tồn cần tách bạch với kinh tế. Tuy nhiên, theo PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, thực tiễn đã chứng minh quan niệm ấy là sai lầm.

“Chúng ta phát huy giá trị di sản thế nào nếu khư khư giữ kín? Chúng ta sẽ bảo tồn thế nào nếu không có cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như nguồn đầu tư cần thiết do phát triển kinh tế - xã hội đưa lại? Do đó, phải coi việc bảo tồn di sản văn hóa là vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cũng là nhu cầu tự thân của ngành di sản văn hóa”, PGS.TS Đặng Văn Bài cho hay.

Bởi vậy, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển kinh tế từ di sản văn hóa có ý nghĩa khăng khít, đặc biệt khi Đảng và Nhà nước xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên đặc trưng và nguồn vốn từ di sản văn hóa Việt Nam.

Di sản văn hóa không chỉ là nguồn lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, mà còn có giá trị tinh thần lớn lao, góp phần xây dựng môi trường xã hội Việt Nam lành mạnh, văn minh để vươn mình trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hội nhập toàn cầu./.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ