• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngày Gia đình Việt Nam kỷ niệm lần thứ 20- gìn giữ, phát huy văn hoá ứng xử trong gia đình

Văn hoá 26/06/2020 23:00

(Tổ Quốc) - Sau 20 năm Ngày gia đình Việt Nam ra đời, đây đã trở thành dịp để mỗi người con hướng về cội nguồn, về người thân, nuôi dưỡng những tình cảm, giá trị văn hóa cao quý

Ngược dòng thời gian

Gia đình là một tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Trong suốt chiều dài lịch sử, gia đình luôn là nơi nuôi dưỡng và trao truyền các giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp của con người Việt Nam như sự hòa thuận, thủy chung, tình yêu thương, bao dung, đức hy sinh, hiếu thuận, sự tôn trọng và niềm tự hào về cội nguồn, dân tộc.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình".

Ngày Gia đình Việt Nam kỷ niệm lần thứ 20- gìn giữ, phát huy văn hoá ứng xử trong gia đình
 - Ảnh 1.

Nhận định tầm quan trọng của gia đình và thực hiện di huấn của Bác, ngày 28/6/2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Tiếp đó, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày gia đình Việt Nam. 

Quyết định nêu rõ, lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau 20 năm Ngày gia đình Việt Nam ra đời, đây đã trở thành dịp để mỗi người con hướng về cội nguồn, về người thân, nuôi dưỡng những tình cảm, giá trị văn hóa cao quý của dân tộc. Dù có đi đâu, làm gì đi chăng nữa, cũng luôn hướng về gia đình, nhớ đến gia đình với những gì tốt đẹp nhất.

Ngoài ra, đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhau chung tay chống lại bạo lực gia đình, bất bình đẳng trong hôn nhân, lên án xâm hại trẻ em và đề cao những hành động đẹp của các thành viên trong gia đình.

Giữ gìn văn hóa ứng xử trong gia đình

Theo bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL, gần 20 năm qua, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 được tuyên truyền ngày càng sâu rộng hơn.  Từ năm 2001 đến nay, Ngày Gia đình Việt Nam được coi là một trong những sự kiện văn hóa để tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình - dân tộc. Và mỗi năm, Ngày gia đình đều có những chủ đề thật ấm áp, thấm đượm tình thân. Năm 2020 này, Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 lấy việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp làm trọng tâm. 

"Trong bối cảnh phát triển và hội nhập của Việt Nam hiện nay, gia đình không chỉ là nơi bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp của dân tộc, mà còn là nơi phát huy chúng. Gia đình làm tốt chức năng giáo dục sẽ cung cấp cho xã hội những nhân cách ứng xử văn minh, vừa thể hiện những giá trị truyền thống tốt đẹp vừa phù hợp với những giá trị phổ quát của nhân loại hiện nay. Từ đó, góp phần vào việc xây dựng xã hội văn minh và hạnh phúc", bà Trần Tuyết Ánh nhấn mạnh.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Tuyết Ánh: Để xây dựng văn hóa ứng xử tốt đẹp của xã hội, của đất nước, trước hết phải bắt đầu từ giáo dục gia đình, đặc biệt là đối với trẻ em. Và trước hết, mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là ông, bà, cha, mẹ cần phải là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống cho con cháu noi theo. Trẻ em sẽ học tập, thậm chí "sao chép" hành vi ở người lớn rất nhanh, đầu tiên là từ ông bà, cha mẹ trong gia đình. Thế nên sẽ rất khó giáo dục trẻ em khi người lớn có ứng xử chưa đúng mực. Bên cạnh việc rèn luyện cùng con trẻ, ông bà, cha mẹ cần có quan tâm, dành thời gian gần gũi con, cháu chia sẻ tình cảm, nhất là với con, cháu đang ở tuổi mới lớn. Một gia đình có sự yêu thương, chia sẻ sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển hạnh phúc của mỗi thành viên...

.

PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ