(Cinet) - Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VII - Bạc Liêu 2017, là một sự kiện văn hóa có quy mô lớn; nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ.
Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VII - Bạc Liêu 2017 được tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn và đặc sắc. Ảnh minh họa (nguồn: Internet) |
Diễn ra từ ngày 17 đến 19/11, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VII - Bạc Liêu 2017 được tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn và đặc sắc; để hiểu rõ hơn kế hoạch tổ chức cũng như công tác chuẩn bị cho Ngày hội, phóng viên Cinet đã có cuộc trao đổi với Bà Cao Xuân Thu Vân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu về vấn đề này.
Năm nay, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VII được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu có gì nổi bật so các năm trước?
Là địa phương tổ chức đăng cai Ngày hội lần thứ 7, tỉnh Bạc Liêu cũng có kế thừa những lần tổ chức trước. Do đó so với nội dung, chương trình khai mạc, bế mạc Ngày hội, về cơ bản tỉnh có tiếp thu những thành công của những lần tổ chức trước đây. Tuy nhiên, để tạo thêm sự gắn kết bản sắc văn hóa, làm đậm nét truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Khmet Nam bộ với sự giao thoa của văn hóa các dân tộc khác để khắc đậm hơn sự đoàn kết cộng đồng dân tộc sinh sống ở Nam bộ, Ban tổ chức đã đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa nội dung về nét văn hóa của tỉnh như một số ca khúc ca ngợi quê hương Bạc Liêu vào trong chương trình khai mạc Ngày hội; khắc họa bức tranh đoàn kết chung xây dựng quê hương Bạc Liêu ngày càng phát triển, thể hiện bức tranh sống động tràn đầy niềm vui, hạnh phúc của cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa trên mảnh đất Bạc Liêu thanh bình, từng ngày phát triển.
Nét văn hóa của tỉnh Bạc Liêu sẽ được giới thiệu qua các ca khúc tại chương trình khai mạc, bế mạc Ngày hội. Ảnh minh họa (nguồn: Báo Cần Thơ). |
Tỉnh Bạc Liêu sẽ giới thiệu tới du khách những nét văn hóa đặc sắc gì tại Ngày hội?
Bạc Liêu có 7 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm 1 thành phố và 6 huyện trong đó 64 đơn vị hành chính cấp xã. Bạc Liêu có 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa… cùng sinh sống tạo nên một phong cách văn hóa đa dạng, đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.
Nét đặc trưng văn hóa của Bạc Liêu có cổ nhạc Nam bộ, Đờn ca tài tử gắn với tên tuổi nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bài Dạ cổ hoài lang… Không những thế, ẩm thực tại Bạc Liêu cũng khá hấp dẫn với các món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc: Bún bò cay, Bún cá, Bún nước lèo, Bánh xèo, Bánh canh, Bánh tằm… Những loại lẩu như lẩu cá kèo, lẩu mắm được chế biến với mùi vị hấp dẫn riêng biệt khác hẳn những vùng khác.
Ngoài ra, Bạc Liêu có một số điểm tham quan du lịch như: Sân chim Bạc Liêu, Nhà công tử Bạc Liêu, Khu du lịch Nhà Mát, Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Quán âm Phật đài, Chùa Xiêm Cán, Điện gió Bạc Liêu, Nhà thờ Tắc Sậy, Chùa Hưng Thiện, khu vườn nhản Bạc Liêu… sẽ được tỉnh giới thiệu tại Ngày hội.
Đờn ca tài tử gắn với tên tuổi nhạc sĩ Cao Văn Lầu sẽ được giới thiệu tại Ngày hội. Ảnh: BacLieuonline |
Bà có thể cho biết công tác chuẩn bị cho Ngày hội?
Thực hiện kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và kế hoạch của địa phương đăng cai Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VII – 2017; đến nay công tác chuẩn bị đã đạt được những kết quả như: Để tổ chức tốt Ngày hội, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, 4 Tiểu ban và 4 Tổ giúp việc Ngày hội. Đến nay các Tiểu ban đã xây dựng kế hoạch, tổ chức họp các Tiểu ban và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong 4 Tiểu ban phục vụ Ngày hội.
Từ ngày 25/10/2017 triển khai tốt công tác tuyên truyền trực quan, thông tin cổ động tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố, nơi có đông đồng bào Khmer và tại 22 điểm Chùa Khmer trong tỉnh. Chỉ đạo các ngành, các địa phương phối hợp thống nhất địa điễm để tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội như: chương trình khai mạc, bế mạc Ngày hội; thi biểu diễn nghệ thuật quần chúng; trưng bày, triển lãm nghề truyền thống; liên hoan văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Khmer; đua ghe ngo tại huyện Phước Long; thi đấu thể thao; giao lưu, biểu diễn nghệ thuật tại địa phương.
Bên cạnh đó, chủ trì lựa chọn Tổng đạo diễn và phê duyệt, triển khai thực hiện kịch bản chi tiết, chương trình lễ khai mạc, lễ bế mạc Ngày hội (Công ty TNHH dịch vụ văn hóa nghệ thuật Đô hội). BTC đã trình xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh, BTC của tỉnh; đang xin ý kiến Trưởng Ban chỉ đạo và Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt để tiến hành thực hiện.
Bạc Liêu đã sẵn sàng cho việc tổ chức một Ngày hội thành công tốt đẹp. Ảnh minh họa (nguồn: Báo Hậu Giang) |
Đồng thời, triển khai thực hiện công tác hướng dẫn, giới thiệu, sắp xếp chỗ ăn, nghỉ các đoàn diễn viên, vận động viên tham gia ngày hội đảm bảo an toàn, an ninh, giá cả hợp lý; tuyên truyền các cơ sở kinh doanh không tăng giá, ép giá các dịch vụ phục vụ các đoàn tham gia ngày hội; cử lực lượng tình nguyện viên hướng dẫn, hỗ trợ các đoàn có nhu cầu tham quan, mua sắm, ăn uống, sinh hoạt… trong thời gian diễn ra ngày hội. Triển khai công tác đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ trước, trong và sau Ngày hội.
Sự kiện “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VII, tỉnh Bạc Liêu năm 2017” được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu có ý nghĩa như thế nào đối với người dân địa phương, thưa bà?
Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VII, là sự kiện chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, là dịp để nhân dân và đồng bào dân tộc Khmer tỉnh nhà giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm để giới thiệu và quảng bá giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Khmer, giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh Bạc Liêu tới bạn bè, khách du lịch trong nước và quốc tế./.
Xin chân thành cảm ơn bà!
Lan Anh (thực hiện)