(Cinet) – Đến với Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch lần thứ VII - Bạc Liêu 2017, du khách được hòa mình trong không khí sôi động, khám phá những sắc màu văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer, dưới sự thể hiện của gần 3.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng đến từ 12 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đến với Ngày hội du khách được đắm mình trong không gian văn hóa đặc sắc đồng bào Khmer Nam bộ. |
Đồng bào Khmer có nền văn hóa lâu đời giàu bản sắc, được phát sinh, phát triển trong quá trình lao động sản xuất, được lưu giữ trong sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán, trang phục, nghi thức lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng, là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Đến với Ngày hội du khách được cảm nhận những giai điệu dân ca, dân vũ, các điệu múa dân gian răm vông, saravan, múa trống sa dăm, nghệ thuật sân khấu rô băm và dù kê say đắm lòng người, thưởng thức những âm thanh đặc trưng của nhạc cụ ngũ âm, chiêm ngưỡng nét đẹp của những bộ trang phục đặc trưng rực rỡ qua sự trình diễn của các nghệ nhân, được đắm mình vào không gian các lễ hội đặc sắc, gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng qua sự thể hiện khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân trong các nghi lễ truyền thống và cùng trải nghiệm ẩm thực, những môn thể thao sôi động như đua ghe Ngo, đẩy gậy, kéo co, bi sắt…
Ngày hội là một hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ, qua đó để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ tới bạn bè trong nước và quốc tế; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, sự gắn bó của người Khmer Nam bộ với các dân tộc Chăm, Hoa, Kinh trong vùng cũng như cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Ngày hội chính là nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ trong thời kỳ mới, góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Diễn ra trong 3 ngày (từ 17 – 19/11), với một chuỗi các hoạt động thiết thực, được tổ chức trên nhiều địa phương của tỉnh Bạc Liêu, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch lần thứ VII - Bạc Liêu 2017 là sự kiện văn hóa quy mô khá lớn, với sự góp mặt của gần 3.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên của 12 tỉnh, thành phố Nam bộ có đồng bào Khmer sinh sống.
Ngày hội có ý nghĩa chính trị rất to lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc tôn vinh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ. Việc tổ chức ngày hội còn có nhiều ý nghĩa thiết thực, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa trên mỗi địa bàn, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cũng như động viên các tầng lớp nhân dân đoàn kết thi đua học tập, công tác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Dương Thành Trung chia sẻ, đây là dịp để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ. Đồng thời, khơi dậy và phát huy tiềm năng du lịch của tỉnh Bạc Liêu cũng như của các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước; là điều kiện để kết nối giữa các tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước.
Bạc Liêu là tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, là vùng đất giàu tiềm năng, nơi hội tụ của 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa. Bạc Liêu được biết đến là một trong những địa danh gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, là nơi mà nhạc sĩ Cao Văn Lầu, người con của quê hương Long An đã để lại bản Dạ cổ hoài lang bất hủ cho quê hương Bạc Liêu và nhân loại.
Có thể nói trong suốt chiều dài truyền thống lịch sử kiên cường của Bạc Liêu, thì sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của các dân tộc anh em là tiền đề cơ bản cho mọi thành quả đạt được; là điểm son ghi dấu trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương. Trong quá khứ, có rất nhiều bà con đồng bào Khmer đã không ngần ngại đóng góp của cải, công sức và cả máu xương cho sự nghiệp cách mạng, điển hình là sự nổi dậy chống lại cường hào ác bá và thực dân, với vai trò thủ lĩnh của Trần Kim Túc (Chủ Chọt) - một người Khmer yêu nước, đã tạo ra dấu ấn trong lịch sử của người nông dân Bạc Liêu và nông dân Nam bộ. Ngày nay, đang có rất nhiều người con dân tộc Khmer tiếp tục có những đóng góp to lớn trên hầu hết các lĩnh vực, đã góp phần to lớn cho sự nghiệp xây dựng, phát triển của Bạc Liêu cũng như của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Bên cạnh những đóng góp hết sức ý nghĩa đó, đồng bào dân tộc Khmer với kho tàng văn hóa truyền thống phong phú và độc đáo của mình, đã góp phần làm giàu cho nền văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Việc gìn giữ, tôn vinh và phát huy các giá trị tốt đẹp, tính đa dạng, bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em, kết hợp hài hòa với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở các địa phương là điều hết sức quan trọng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Ngày hội bao gồm nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật truyền thống như thi biểu diễn nghệ thuật quần chúng, giới thiệu trích đoạn lễ hội dân gian, trình diễn, giới thiệu trang phục truyền thống. Cùng với đó là các hoạt động thể thao như đua ghe Ngo, bóng đá mini, bóng chuyền, việt dã, đẩy gậy, kéo co, bi sắt và các hoạt động du lịch... Các hoạt động này góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa của đồng bào Khmer với cả nước và quốc tế, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer trong xu thế hội nhập của đất nước.