(Tổ Quốc) - Ngày khai trường năm nay không diễn ra trực tuyến như năm trước, mà diễn ra trực tiếp trong tình hình mới khi đã kiểm soát được COVID-19. Sau hai năm, cả nước mới có ngày khai trường đúng nghĩa.
Sáng nay (5/9), khoảng 23 triệu học sinh cả nước đến trường khai giảng năm học mới 2022-2023. Ngày khai trường năm nay thật đặc biệt bởi không diễn ra trực tuyến giữa đại dịch như hai năm trước, mà diễn ra trực tiếp trong tình hình mới khi đã kiểm soát được dịch bệnh, nhưng vẫn phải tiếp tục phòng chống các biến chủng mới của COVID-19.
Sau hai năm thầy trò chỉ được nhìn nhau qua màn hình máy tính, điện thoại di động trong ngày khai trường, thì giờ đây tiếng trống lại vang lên, sân trường rộn ràng tiếng nói cười, tiếng đàn hát; các học sinh đầu cấp nhìn nhau bỡ ngỡ vì thầy cô mới, bạn bè mới… Ngay cả ở những điểm trường vùng cao xa xôi - những nơi vẫn chưa có điện và nước sạch, bữa ăn cũng chưa đủ, học sinh đồng bào dân tộc vẫn hân hoan chào đón năm học mới cùng thầy cô.
Chứng kiến không khí náo nức của thầy và trò bước vào năm học mới, nhiều cha mẹ và thầy cô giáo không khỏi xúc động. Sau hai năm việc học nhiều lần bị gián đoạn, cả nước mới có ngày khai trường đúng nghĩa. Thế mới thấy "điều bình thường" ấy thật đáng quý!
Với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo", năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; thẩm định sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị biên soạn sách giáo khoa cho các lớp 5, 9 và 12.
Song song đó, các trường phải tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá, nhất là đổi mới quản trị nhà trường, quản lý chuyên môn.
Muốn đổi mới về phương pháp dạy và học, về kiểm tra, đánh giá, trước hết đội ngũ giáo viên phải nỗ lực đổi mới, nâng cao năng lực về cả kiến thức lẫn kỹ năng sư phạm, dạy học bằng tình yêu nghề và trách nhiệm đối với thế hệ tương lai của đất nước, từ đó truyền cho trò nguồn năng lượng học tập chủ động, tích cực, sáng tạo…
Khó khăn lớn nhất trong năm học này là tình trạng thiếu giáo viên ở tất cả các cấp học, nhất là những môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hiện cả nước có khoảng 1,2 triệu giáo viên từ bậc mầm non đến THPT. Giai đoạn 2021-2025, cả nước thiếu 110.000 giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói rằng, Bộ đã phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương năm 2022, bảo đảm nguyên tắc có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp.
Song, theo "tư lệnh" ngành Giáo dục, về lâu dài, các địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế giáo viên đến năm 2026; chủ động đặt hàng với các cơ sở đào tạo giáo viên trên cơ sở nhu cầu thực tế và có chính sách ưu tiên, thu hút để bảo đảm nguồn tuyển dụng theo từng năm.
Một năm học mới đã bắt đầu trong tình hình mới, mang đến nhiều hy vọng nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất trong giai đoạn hậu COVID-19 là việc khẳng định chất lượng giáo dục của Việt Nam để thầy và trò mỗi ngày đến trường là một ngày vui, chứ chúng ta không bằng lòng với thứ hạng 59 trên bảng xếp hạng quốc tế năm 2021 về chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó là hàng loạt vấn đề về cơ chế trong việc bảo đảm thu nhập cho giáo viên, chăm lo cho thầy cô giáo và học sinh ở vùng cao…
Trong thư gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2022-2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn "toàn xã hội hãy cùng chung tay với ngành Giáo dục, kiến tạo một xã hội văn minh, trật tự và mẫu mực, hình thành văn hóa, chuẩn mực xã hội tốt cho con em học tập và noi gương: xây dựng xã hội học tập, dễ tiếp cận đối với mọi trẻ em, trong đó có trẻ em yếu thế. Đối với các em học sinh, sinh viên, hãy phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, tiếp thu tinh hoa tri thức của nhân loại, có khát vọng cống hiến và tự cường, góp phần xây dựng đất nước ta thêm giàu mạnh và phồn vinh".
Đó cũng là mong muốn của mọi gia đình có con em đang theo học các bậc học từ mầm non đến THPT và cả bậc đại học, cao đẳng. Mong muốn giản đơn của mỗi gia đình có con đi học là trẻ cần được học tập để phát triển toàn diện con người có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước và tinh thần dân tộc… thì mới có thể lập thân, lập nghiệp và trở thành công dân có ích cho xã hội.