• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngày Thơ Việt Nam trên khắp đất nước

22/02/2016 14:38

(Tổ Quốc)- Đã trở thành thông lệ, hàng năm vào dịp Rằm tháng Giêng đầu năm Âm lịch, các địa phương lại tổ chức Ngày hội Thơ. Đây có thể xem như là một hoạt động văn chương mở đầu cho đời sống văn học sôi động năm đó.



(Tổ Quốc)- Đã trở thành thông lệ, hàng năm vào dịp Rằm tháng Giêng đầu năm Âm lịch, các địa phương lại tổ chức Ngày hội Thơ. Đây có thể xem như là một hoạt động văn chương mở đầu cho đời sống văn học sôi động năm đó.

Tại Hà Nội, sáng 22/02 (tức đúng ngày Rằm tháng Giêng năm Bính Thân), Ngày thơ Việt Nam đã khai mạc lúc 8g30 sáng tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ngày thơ Việt Nam năm nay được tổ chức khác  những năm trước. Nếu trên sân thơ truyền thống là màn trình diễn các liên khúc thơ thì trên Sân thơ Trẻ, các nhà thơ trẻ cùng các em thiếu nhi trình diễn từng bài thơ. Màn trình diễn của các em thiếu nhi khiến du khách thưởng thức thơ trong tiết xuân có cảm giác ấm ấp tươi mới, khởi đầu cho một năm thuận lợi cho văn học nước nhà.

Tại Tp. Thái Nguyên, ngày 21/02, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Lễ hội thơ Thái Nguyên 2016 với chủ đề "Khát vọng mùa xuân". Lễ hội được tổ chức tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam với sự tham gia của đông đảo các đơn vị văn hóa nghệ thuật, các  trường học trên địa bàn thành phố, đã thu hút đông đảo văn nghệ sĩ cũng như những người yêu thơ tới dự. Chương trình mang lại những sắc thái văn hóa ấn tượng với công chúng yêu thơ Thái Nguyên. Ngày Thơ gồm phần Lễ chính với các tiết mục trình diễn thơ, múa, nhạc quanh đề tài quê hương đất nước, tình yêu cuộc sống… trong đó điểm nhấn là phần trình diễn bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua màn biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, bên cạnh đó là trình diễn các tác phẩm thơ của vua Lê Thánh Tông, nhạc phẩm Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao, trình diễn thơ Tổ quốc ở Trường Sa của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến…  là những điểm nhấn cho đêm thơ. Cũng trong khuôn khổ Ngày thơ còn có nhiều hoạt động khác như trưng bày tranh, ảnh mỹ thuật, Vườn thơ trẻ, Vườn thơ muôn nhà… đem lại không khí sôi động cho Ngày thơ ở Tp. Thái Nguyên.



Lễ hội thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên 2016 (ảnh: Internet)

Tại Bắc Giang, Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức từ ngày 21/2 với nhiều hoạt động liên quan tới thi ca như trình diễn thơ, ngâm thơ, phổ thơ, hát thơ, trưng bày thư pháp các cặp thơ hay… Cũng trong ngày thơ, Hội VHNT Bắc Giang cũng tổ chức trao Giải thưởng VHNT sông Thương lần thứ III (2008-2014) cho 17 tác phẩm của các tác giả ở các thể loại thơ, văn xuôi, âm nhạc, mỹ thuật. Giải Nhất được trao cho tác phẩm thơ Ngó ý của tác giả Duy Phi.

Trên quê hương thi sĩ Xuân Diệu, ngày 20/2, Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh đã tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIV. Ngày thơ nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu. Trong Ngày thơ đã có 15 tác phẩm thơ, nhạc được trình bày, BTC cũng đã giới thiệu những thành quả của quá trình sáng tác của các văn nghệ sĩ tỉnh Hà Tĩnh tới người yêu thơ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã tới dự và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tài năng và nhân cách của thi sỹ Xuân Diệu và mong muốn, quê hương Xuân Diệu sẽ trở thành địa chỉ văn hoá để những người yêu văn chương cả nước hướng về.



Ngày thơ Việt Nam tại Hà Tĩnh (ảnh: Internet)

Tại Quảng Ngãi, Ngày thơ Việt Nam diễn ra từ sáng 21/2 tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh với chủ đề “Đảng cho ta mùa xuân”. Ngày thơ thu hút đông đảo lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành cùng người yêu thơ ở Quảng Ngãi đến dự. Ngày thơ năm nay nhằm tôn vinh giá trị thơ ca và nhắc nhớ lòng yêu quê hương, yêu đất nước đồng thời ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ vĩ đại. Nhiều tiết mục thơ, nhạc được trình diễn trong Ngày thơ như: thơ Xuân không mùa của nhà thơ Xuân Diệu, Bà mẹ canh biển của nhà thơ Tế Hanh, Tổ quốc là tiếng mẹ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, thơ Quảng Ngãi- gương mặt mùa xuân của Nguyễn Ngọc Hưng… Cũng trong khuôn khổ Ngày thơ, Hội VHNT tỉnh Quảng Ngãi đã vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao tặng vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2015, cùng đó là việc ra mắt hai tuyển tập Thơ- Văn 40 năm Quảng Ngãi (1975-2015).

Tại Tp.HCM, chuỗi hoạt động quanh Ngày thơ bắt đầu bằng sự kiện Hội thảo Sức sống thi ca đô thị với nội dung chủ yếu nhìn lại đời sống thơ ca của Tp.HCM trong vòng 5 năm trở lại đây vào ngày 20/02. Tối ngày 21/02 (tức 14 tháng Giêng Âm lịch), Ngày thơ Việt Nam tại Tp.HCM được khai mạc tại trụ sở tòa nhà Liên hiệp các hội VHNT Tp.HCM. Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra nhiều tiết mục trình diễn kịch thơ, đọc thơ, ngâm thơ của các tác giả theo chủ đề "Mời thơ - nối dài tình yêu đất nước”. Trong ngày Rằm tháng Giêng, tại giảng đường trường Đại học KHXHNV Tp.HCM sẽ diễn ra các chương trình giao lưu thơ với các nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Lê Thị Kim, Đặng Thị Thanh Hương, Nguyễn Vũ Tiềm, Tiểu Quyên, Nguyễn Phong Việt…



Ngày thơ Việt Nam tại Quảng Ngãi (ảnh: Internet)

Cùng với các tỉnh thành trên, Ngày thơ Việt Nam còn diễn ra ở nhiều tỉnh thành khác với các hoạt động trình diễn, biểu diễn thi ca như Ngày thơ Việt Nam ở tỉnh Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Đà Nẵng, Nha Trang, Gia Lai… mang lại không khí sôi động trong những ngày đầu xuân mới.

Kể từ lần đầu tổ chức Ngày thơ Việt Nam năm 2003, tới nay Ngày thơ Việt Nam đã trở thành một hoạt động văn hóa thường niên nhằm tôn vinh giá trị thơ ca, những thành tựu của thơ ca Việt Nam có ý nghĩa thiết thực nhân dịp đầu năm mới để chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, là lễ hội kết nối mọi người dân Việt Nam sống trên mọi miền đất nước, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước qua những vần thơ mang đậm hồn cốt dân tộc.

Minh Thu (tổng hợp)

NỔI BẬT TRANG CHỦ