(Tổ Quốc) - Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội thảo bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển kinh tế di sản.
Quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An/baotanghochiminh
Hội thảo nhằm đánh giá đúng giá trị, tiềm năng của hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An để làm rõ những vấn đề xung quanh mối quan hệ giữa việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tạo động lực cho phát triển kinh tế.
Với 37 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước, hội thảo tập trung làm rõ 3 nội dung chính: Giá trị, tiềm năng của hệ thống di sản văn hóa tỉnh Nghệ An; Kinh tế di sản - động lực mới cho phát triển; Một số định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế di sản tỉnh Nghệ An.
Trong đó có một số tham luận nổi bật, nêu lên những vấn đề như: nhận diện và giải pháp cụ thể trong phát triển kinh tế di sản; thực hiện công tác bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của di sản văn hoá thông qua con đường du lịch; thực hiện việc kiểm kê di sản để lựa chọn di sản đưa vào chiến lược bảo tồn và phát triển; hoàn thành nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế di sản, áp dụng thí điểm cho một số khu vực di tích, di sản, bảo tàng tiêu biểu; nhân rộng mô hình "mỗi di sản một quần cư", "mỗi quần cư một sản phẩm", "mỗi sản phẩm một cảnh quan", "mỗi di sản một phong cách"…; từng bước thực hiện phần việc xã hội hoá hoàn toàn công cuộc bảo tồn và đưa kinh tế di sản vào chương trình phát triển mang tính phổ thông…
Ngoài ra, nhiều tham luận khác đã đưa ra những quan điểm tiếp cận mới trong công tác quản lý di sản như: Phát triển kinh tế di sản nhìn từ góc độ di tích danh thắng ở nhiều địa phương trong cả nước; Thực trạng văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; Quản lý, bảo tồn và phát huy di tích khảo cổ học, hiện trạng và giải pháp; Bảo tồn, phát huy không gian và hình thức trình diễn dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong thời kỳ cách mạng 4.0…
Theo số liệu thống kê, trên toàn tỉnh Nghệ An hiện có 2.602 di tích - thắng cảnh, với 439 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia, 293 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 2.163 di tích - danh thắng chưa được xếp hạng. Xác định rõ di sản văn hóa là yếu tố quan trọng, có vai trò quyết định đối với phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã không ngừng cố gắng thực hiện chiến lược được đề ra trong Nghị quyết 26/NQ-TW của Bộ Chính trị.
Kết quả của Hội thảo cũng như các ý tưởng, kiến nghị của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ là cơ sở và được kỳ vọng tiến tới hiện thực hoá để bảo tồn bền vững và phát huy giá trị cũng như phát triển kinh tế di sản Nghệ An trong tương lai.