• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghe bác sĩ của các “cô gái kim cương” kể về những ngày đồng hành cùng đội tuyển nữ chiến đấu với COVID-19 ở “trời Tây”

Thời sự 26/02/2022 09:47

(Tổ Quốc) - Có lẽ, những ngày cùng các cầu thủ đội tuyển bóng đá nữ quốc gia chiến đấu lại COVID-19 lúc tập huấn ở Tây Ban Nha là kỷ niệm không bao giờ quên với bác sĩ Trần Thị Trinh - Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, phóng viên Báo điện tử Tổ quốc đã có những chia sẻ với chị về chuyện đời, chuyện nghề.

Nghe bác sĩ của các “cô gái kim cương” kể về những ngày đồng hành cùng đội tuyển nữ chiến đấu với COVID-19 ở “trời Tây” - Ảnh 1.

Bác sĩ Trần Thị Trinh (người ở giữa) chụp hình cùng các cầu thủ đội tuyển nữ trong đợt thi đấu vừa qua.

Cơ duyên nào đưa chị đến với nghề bác sĩ thể thao, thưa chị?

Ngay từ những ngày đang còn là sinh viên trên ở trường Y dược học cổ tuyền Tuệ Tĩnh tôi đã tham gia nhiều hoạt động thể thao. Có lẽ, tôi cũng không nghĩ đó lại là cái duyên mà tôi sẽ gắn bó tôi suốt những quãng thời gian sau này.

Năm 2003, lúc đó đội tuyển bóng đá nữ đang cần một cần người để chăm sóc sức khỏe các VĐV. Tôi được một bác sĩ giới thiệu vào làm việc ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Đó là những ngày đầu tiên tôi gắn bó với đội tuyển nữ cũng như nghề bác sĩ thể thao.

Nghề bác sĩ thể thao có vất vả so với những đồng nghiệp đang công tác trong ngành Y không thưa chị?

Nghề Y đã là vất vả, đi theo bác sĩ thể thao cũng có vất vả riêng đó là vấn đề thời gian. Ngoài chăm sóc các VĐV lúc thi đấu, chúng tôi cũng phải quan tâm đến cả vấn đề dinh dưỡng, tâm lý của VĐV, chăm sóc, mát xa hồi phục, lúc đội đi thi đấu xa phải đi cùng.

Ở thời điểm dịch bệnh này các bác sĩ ở phòng tôi rất nhiều việc. Bên cạnh với việc tập trung cho công tác vệ sinh phòng dịch, tuyên truyền về bảo vệ sức khỏe trước dịch bệnh cho VĐV, chúng tôi cũng dành thời gian để khám các ca chấn thương cần thiết. Nói chung là rất nhiều việc mà mình khó có thể kể hết ra được nhất là đối với việc chăm sóc các VĐV nữ.

Được biết, chị là một trong hai bác sĩ đi cùng Đội tuyển bóng đá quốc gia nữ trong đợt tập huấn và thi đấu tại vòng loại World Cup 2023 vừa qua. Với chị, đâu là điều đặc biệt của chuyến đi này?

Khi tham gia bất kỳ đội tuyển nào, chúng tôi đều phải có sự chuẩn bị rất kỹ trước về thuốc thang, dinh dưỡng trong thời gian tập luyện đến lúc ra sân cho các VĐV, rồi hồi phục chấn thương và sau khi tập luyện.

Trong chuyến đi này, khi đội tuyển đi thi đấu ở Tây Ban Nha và Ấn Độ, do khẩu vị ở các quốc gia này cầu thủ không quen nên từ đầu Ban huấn luyện cũng như các bác sĩ phải chuẩn bị gạo, đồ ăn để bổ sung dinh dưỡng…

Thời điểm tập huấn ở Tây Ban Nha, thể lực của các VĐV rất tốt. Nhưng khi thi đấu ở trận giao hữu thứ 3 thì các cầu thủ bắt đầu bị lây nhiễm COVID-19. Các cầu thủ đội bạn bị 6,7 ca dương tính nhưng họ không biết, phải sau trận đấu thì đội tuyển này mới phát hiện và thông báo cho phía chúng ta. Sau trận đấu giao hữu đó, đội tuyển nữ của chúng ta có 9 người bị lây nhiễm COVID-19, trong đó có 7 VĐV và 2 bác sĩ Lương Thị Thúy.

Khi phát hiện dương tính, cả đội rất sốc và bất ngờ, không nghĩ bị nhiều như vậy dù đã xác định tâm lý trước. Thời điểm đó các ca dương tính đến dồn dập. Trước tình hình đó, Ban huấn luyện đã thông báo tình hình về cho Tổng cục Thể dục thể thao, Liên đoàn bóng đá Việt Nam và họp đế lên phương án để xử lý giúp cho các VĐV bình tĩnh, ổn định tâm lý cũng như sớm hồi phục sức khỏe nhanh nhất để thi đấu. Tôi chịu trách nhiệm chăm sóc và hồi phục sức khỏe cho các VĐV. Lúc đó chúng tôi cũng phân ra một nhóm F0 và một nhóm F1 để dễ hướng dẫn và điều trị VĐV theo triệu chứng.

Thời điểm đội tuyển sắp bắt đầu di chuyển sang Ấn Độ để thi đấu thì chỉ có đúng 10 người, 6 VĐV và 4 HLV, còn lại là 3 người âm tính thì ở lại Tây Ban Nha để chăm sóc cho những người còn dương tính.

Dù có lúc tâm lý của một số VĐV rất suy sụp nhưng tôi cũng như Ban huấn luyện, các Lãnh đạo Tổng cục, Liên đoàn đã thường xuyên động viên các VĐV trong thời gian cách ly cố gắng ăn uống, tập luyện qua zoom.

Nghe bác sĩ của các “cô gái kim cương” kể về những ngày đồng hành cùng đội tuyển nữ chiến đấu với COVID-19 ở “trời Tây” - Ảnh 2.

Bác sĩ Trần Thị Trinh: "Bản thân chúng tôi vất vả 1 thì VĐV vất vả 10. Nhìn các VĐV luyện tập giữa nắng, gió, nhiều lúc chúng tôi quên đi những mệt mỏi của mình"

Đến ngày 18/1, kết quả test có 14 bạn âm tính, đủ điều kiện để đăng ký thi đấu và đến ngày 20 chúng tôi lên đường sang Ấn Độ. Lúc đó cả đội tuyển như vỡ òa. Có lẽ, đó là những ngày đáng nhớ nhất đối với toàn đội tuyển chúng tôi.

Việc di chuyển từ Tây Ban Nha sang Ấn Độ cũng khá gian nan, chúng tôi phải bay chặng dài và rất mệt. Vừa đặt chân đến Ấn Độ, các VĐV dù mới vừa khỏi bệnh nhưng đã phải ra sân tập luyện để ngày hôm sau đó thi đấu trận đầu tiên với Hàn Quốc.

Như chị nói, cả hai bác sĩ của đội tuyển cũng bị lây nhiễm COVID-19. Vậy có nghĩa là chị vừa tự chăm sóc cho mình và vừa chăm sóc cho những người mắc bệnh khác trong đội tuyển?

Bản thân tôi mắc COVID-19 nhưng triệu chứng thông thường và lúc đó tâm lý không còn lo cho mình nữa mà chỉ lo cho VĐV, lúc nào cũng phải khuyên các em nỗ lực tập luyện, chịu khó ăn uống để sớm hồi phục sức khỏe vì sắp đến ngày đăng ký thi đấu rồi. Thời điểm mắc COVID-19, chúng tôi mỗi người được bố trí một phòng cách ly trong 7 ngày không được đi ra ngoài.

Chị Kim Hồng (HLV thủ môn) là người chịu trách nhiệm đưa thuốc, thực phẩm. Có lẽ đó là những ngày mà sau này khi chúng tôi nhắc lại vẫn là một kỷ niệm không bao giờ quên. Lúc đó, chúng tôi có nhiều phương án nhưng phương án gì thì mục đích cao nhất vẫn là để sức khỏe các VĐV sớm hồi phục một cách nhanh nhất.

Nghề bác sĩ thể thao quả thật rất mất thời gian, vất vả, nhưng thực tế thì thu nhập không thể như các bác sĩ đang làm ở những lĩnh vực khác. Chị đã bao giờ suy nghĩ đến vấn đề này và đã có lúc nào chị nghĩ mình sẽ thôi không theo nghề này nữa?

Tôi cũng đã từng đi rất nhiều các Đại hội ASIAD, SEA Games. Có những thời điểm không đi đội tuyển bóng đá nữ thì tôi lại theo các đội như Karate hay Cầu mây.

Mà cũng không hiểu sao, đó có phải là cái duyên hay không nhưng một số đội tuyển tôi theo đều giành được huy chương vàng. Như bạn Lê Bích Phương Karate giành được chiếc huy chương vàng duy nhất tại ASIAD 2010 ở Quảng Châu (Trung Quốc), rồi đội tuyển Cầu mây cũng giành được huy chương vàng ở ASIAD 2006.

Nghề nào cũng vất vả riêng của nó. Bên thể thao cũng có áp lực riêng của mình. Nghề của chúng tôi rất mất thời gian dành cho các VĐV. Thực tế, do tính chất này nên cũng có nhiều bác sĩ giỏi đã chuyển qua bệnh viện để làm. Có lúc tôi cũng đã từng nghĩ sẽ chuyển sang bệnh viện làm để chuyên tâm lo cho gia đình.

Thế nhưng dường như đó là cái duyên. Cứ lúc có ý định chuyển thì lại thấy nuối tiếc vì dù sao cũng đã có 20 năm theo nghề bác sĩ thể thao rồi. Bây giờ chuyển sang việc khác lại phải bắt đầu lại từ đầu nên tôi đã quyết định sẽ gắn bó với bác sĩ thể thao.

Tôi nghĩ, gắn bó với nghề bác sĩ thể thao phải thì chắc chắn phải có đam mê và thương VĐV. Bản thân chúng tôi vất vả 1 thì VĐV vất vả 10. Nhìn các VĐV luyện tập giữa nắng, gió, nhiều lúc chúng tôi quên đi những mệt mỏi của mình.

Bác sĩ thể thao dành nhiều thời gian dành VĐV thì cũng đồng nghĩa với việc thời gian cho gia đình ít đi. Điều đó có làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình không thưa chị?

Tôi đã lập gia đình, có 2 cháu rồi, đứa lớn học lớp 9, đứa bé lớp 5. Như đã chia sẻ, có lúc tâm lý cũng bị lung lay lắm, nhất là những ngày theo đội tuyển thi đấu xa nhà, các cháu nhớ mẹ gọi suốt. Nhưng rồi, vượt qua được tất cả, được sự ủng hộ của gia đình nên đến giờ tôi vẫn gắn bó với nghề.

Có lẽ, người ủng hộ tôi đi theo bác sĩ thể thao đó là chồng tôi. Tôi nhận được sự hậu thuẫn rất nhiều từ ông xã của mình để có thể gắn bó với niềm đam mê cho đến ngày hôm nay.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, chị có muốn nhắn nhủ gì đến những đồng nghiệp của mình?

Tôi xin chúc sức khỏe, bình an đến những người đồng nghiệp của mình đang ở tuyến đầu phòng dịch. Và những bác sĩ thể theo, đồng nghiệp của tôi luôn tràn đầy nhiệt huyết, niềm đam mê, vượt qua mọi khó khăn để theo đuổi nghề.

Tôi cũng gửi lời chúc bác sĩ đội tuyển U23 Việt Nam Dương Tiến Cần sớm bình phục để giúp đội tuyển bóng đá nam tự tin hơn bước vào trận chung kết.

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị, nhân ngày 27/2, chúc chị sức khỏe dồi dào, niềm đam mê luôn cháy bỏng để có nhiều đóng góp hơn nữa cho thể thao nước nhà!

Thế Công (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ