(Tổ Quốc) - Ngay trong những ngày nắng nóng vừa qua, tại BV Lão khoa Trung ương đã có 2 trường hợp tử vong người cao tuổi do người nhà đưa đến quá muộn. Để chăm sóc tốt hơn cho người cao tuổi trong những ngày thời tiết oi bức, Ts.Bs Trần Quang Thắng – Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, BV Lão khoa Trung ương đã đưa ra những khuyến cáo.
Ts.Bs Trần Quang Thắng – Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, BV Lão khoa Trung ương
PV: Thưa bác sĩ, trong những ngày nắng nóng vừa qua, số lượng người cao tuổi nhập viện tại khoa cấp cứu và đột quỵ có tăng hơn bình thường?
Ts.Bs Trần Quang Thắng: Những ngày nắng nóng vừa qua, số ca cấp cứu tăng từ 2 – 3 lần, ngày thường BV tiến hành cấp cứu cho khoảng 20 – 30 trường hợp nhưng mấy ngày vừa qua tăng lên khoảng 50 – 60 trường hợp bệnh nhân.
Mới đây nhất, có đến 2 trường hợp người cao tuổi tử vong trong cùng một buổi tối do thời tiết quá nắng nóng. Thời điểm nhập viện, qua hình ảnh chụp chiếu cho thấy các bệnh nhân này đều bị xuất huyết não. Các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng không thể cứu nổi do người nhà đưa đến quá muộn.
PV: Nắng nóng tác động nguy hiểm đến người cao tuổi như thế nào thưa bác sĩ?
Ts.Bs Trần Quang Thắng: Nắng nóng tác động đến người cao tuổi theo 2 cách là trực tiếp và gián tiếp. Cụ thể, sốc nhiệt là tác động trực tiếp lên người bệnh. Người cao tuổi là một trong những đối tượng bị tác động nhiều nhất do nắng nóng. Lý do là vì cơ thể người cao đổi thì sự thay đổi để thích nghi với môi trường rất kém.
Đối với những người cao tuổi làm việc hay sinh hoạt dưới trời nắng nóng thường hay bị sốc nhiệt. Sốc nhiệt làm cho nhiệt độ tăng cao thường là trên 40 độ. Và khi ở nhiệt độ này dẫn đến nội môi trong cơ thể, mất nước dẫn đến tổn thương các cơ quan như thần kinh, tạng, kết cục cuối cùng là suy đa tạng dẫn đến tử vong.
Còn tác động gián tiếp đó là làm cho các căn bệnh mãn tính có trong người cao tuổi như đái tháo đường, tăng huyết áp thay đổi theo chiều hướng tiêu cực dẫn đến các biến chứng là đột quỵ. Theo điều tra cộng đông của BV Lão khoa Trung ương thì trung bình một người trên 60 tuổi có 3 bệnh mãn tính trở lên chiếm tỉ lệ từ 60 - 70%.
PV: Những thói quen nào của người cao tuổi dễ dẫn đến sốc nhiệt và đột quỵ thưa bác sĩ?
Ts.Bs Trần Quang Thắng: Việt Nam là đất nước nông nghiệp chính vì vậy phần lớn người cao tuổi vẫn tham gia vào lao động sản xuất trên đồng ruộng. Người nông dân ra đồng đi làm thường thì các thiết bị để phòng hộ chống nóng là không có, thời gian làm việc kéo dài, uống nước, ăn uống không đủ rất dễ dẫn đến bị sốc nhiệt do nắng nóng. Còn nhóm đối tượng dễ bị đột quỵ đó là những người cao tuổi thường vào nhà tắm ngay sau khi chơi thể thao, đi ngoài nắng nóng, uống bia rượu.
PV: Bác sĩ có khuyến cáo gì đối với những người cao tuổi vẫn đang phải lao động để phòng tránh sốc nhiệt, đột quỵ trong những ngày nắng nóng?
Ts.Bs Trần Quang Thắng: Trước hết cần phải kiểm soát, theo dõi định kỳ sớm các bệnh mãn tính ở người cao tuổi. Khi đã kiểm soát tốt thì phải có các phương tiện phòng hộ quần áo sáng máu để tránh hấp thu nắng nóng, hạn chế phơi nhiễm trong thời gian kéo dài. Chế độ ăn uống phải uống đủ nước, ăn nhiều chất rau củ quả.
Trong trường hợp bị sốc nhiệt khi đang lao động cần phải thực hiện theo các bước sau. Thứ nhất là xử lý tại chỗ là phải đưa người bị sốc nhiệt vào chỗ râm mát tránh tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng, thứ hai là nới lỏng quần áo để nhiệt độ thoát ra, thứ 3 là gọi người hỗ trợ đưa đi bệnh viện.