• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghe bác sĩ Nguyễn Trung Cấp kể về những ngày đầu “đối mặt” với COVID-19

Sức khỏe 11/02/2021 09:09

(Tổ Quốc) - Những ngày đầu tiên dịch bệnh COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam đã khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng. Thời điểm đó, hình ảnh người "chiến sĩ áo trắng" là điểm tựa tinh thần, là hy vọng của toàn xã hội bởi họ là những người trực tiếp xông ra "mặt trận" để đối mặt với loại virus nguy hiểm.

Nghe Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp kể về những ngày đầu “đối mặt” với COVID-19 - Ảnh 1.

Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Cùng với nhiều y bác sĩ trên cả nước, Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - người được vinh dự nhận danh hiệu "Công dân ưu tú Thủ đô năm 2020" -  được cả nước biết đến bởi đóng góp lớn lao trong chiến dịch chống "giặc" Covid-19.  

PV: Ông có thể chia sẻ về thời điểm khó khăn khi dịch COVID-19 mới xâm nhập vào nước ta?

Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp: Không chỉ riêng cá nhân tôi mà có lẽ là đối với các y bác sĩ trong cả nước, khó khăn lớn nhất trong việc điều trị cho người bệnh COVID-19 đó là phải đương đầu với một bệnh lý mới, nhất là giai đoạn khi mới tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên vào điều trị. Ở thời điểm này, hầu như trên thế giới chưa có nhiều hiểu biết chung về bệnh, các tài liệu đều bằng tiếng Trung Quốc. Những điều này khiến chúng tôi khá khó khăn khi tìm hiểu, nghiên cứu.

Lúc này, các nghiên cứu về điều trị bệnh COVID-19 cũng chưa có nên hầu hết các quan điểm điều trị, kỹ thuật, chiến lược đều căn cứ vào kiến thức sẵn có trên cơ sở nghiên cứu của những bệnh lý tương tự như: MERS-CoV, SARS, cúm.

Trước tình hình đó, chúng tôi phải xây dựng chiến lược, phương án điều trị trên cơ sở hiểu biết về những bệnh lý tương tự khi áp dụng sang bệnh lý mới này. Tuy nhiên, không phải lúc nào các phương pháp cũng đúng, điều này đòi hỏi chúng tôi luôn phải sát sao với bệnh nhân, vừa điều trị vừa tìm ra vấn đề thực sự của bệnh nhân để điều trị sao cho chuẩn xác.

Phải đến khi số lượng bệnh nhân tăng lên, cùng những ca bệnh điều trị thành công, tôi và các đồng nghiệp cũng dần có những kinh nghiệm, dần hiểu biết rõ hơn về COVID-19. Các nghiên cứu trên thế giới dần sáng tỏ về bệnh lý này và việc chẩn đoán điều trị cũng ngày một rõ ràng hơn.

Có thời điểm, với những ca bệnh COVID-19 diễn biến nặng, chúng tôi phải liều mình đưa ra những quyết định dũng cảm để mong hạn chế thấp nhất những rủi ro cho người bệnh.  

PV: Ông có thể chia sẻ về quyết định khó khăn nhất của mình trong quá trình điều trị bệnh nhân COVID-19?

Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp: Một quyết định khó khăn nhất đối với tôi đó là việc thay đổi chiến lược điều trị cho người bệnh. Có trường hợp bệnh nhân, nếu áp dụng theo kiến thức cũ của điều trị cúm, SARS thì phải đặt ống nội khí quản, thậm chí có chỉ định chạy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, thực tế khi thăm khám, xem xét trực tiếp tình trạng bệnh nhân thì tối lại thấy rằng hoàn toàn có thể can thiệp bằng hỗ trợ hô hấp không xâm nhập.

Quyết định này được đưa ra đòi hỏi cá nhân tôi lúc đó phải dũng cảm, can đảm một chút, bởi nếu đối chiếu với sách vở, với bệnh lý tương tự như vậy thì làm cách này là chưa đúng; nhưng đối với trực tiếp trên cá thể bệnh nhân ấy, thì quyết định đó lại là đúng. 

Sau quyết định dũng cảm đó, cùng với sự chăm sóc tích cực, kiên định với chiến lược điều trị mới, bệnh nhân này đã không cần phải thở máy, không cần phải chạy ECMO.

Cũng chính từ đó đã mở ra kinh nghiệm cho giai đoạn sau này, nếu dịch bệnh lan rộng ở mức độ lớn hơn nhiều thì có thể thay đổi chiến lược điều trị, thay đổi được nhu cầu máy thở, thay đổi nhu cầu về ECMO, giúp việc điều trị bệnh phù hợp với điều kiện khó khăn của Việt Nam. 

Rất mừng, sau này các nghiên cứu, quan điểm khác trên thế giới cũng có nhiều tác giả ủng hộ quan điểm tương tự như của chúng tôi.

PV: Những ngày căng thẳng trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 có để lại cho ông kỷ niệm nào khó quên ?

Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp: Ngoài việc điều trị cho các bệnh nhân nặng, một kỷ niệm khó quên không chỉ với tôi mà với nhiều bác sĩ ở BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đó là chuẩn bị cho chuyến bay giải cứu 219 công dân Việt Nam ở Guinea Xích Đạo, trong đó có 120 người đã nhiễm SARS-CoV-2..

Đó là một chuyến bay vô cùng căng thẳng khi phải đảm bảo an toàn cho phi hành đoàn, phòng tránh lây nhiễm khi trong không gian hẹp có nhiều bệnh nhân COVID-19.

Điều khó khăn nhất với chúng tôi là trên máy bay, trong môi trường kín, nồng độ virus trong không khí rất đậm đặc. Để đảm bảo phòng dịch COVID-19 phải nâng các điều kiện lên mức an toàn sinh học cấp 3.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó những thiết bị để đáp ứng không sẵn có, chúng tôi phải tự tìm kiếm, tự chế tạo cải tiến các phương tiện, trang thiết bị phòng hộ, các biện pháp đảm bảo an toàn, từ việc tính toán các yếu tố thông gió tự nhiên, các luồng thông gió đến cải tiến các trang thiết bị phòng hộ cho phù hợp.

Chuyến bay này cũng đòi hỏi các bước chuẩn bị phải rất kỹ càng, là kết tinh những cố gắng từ trước dựa trên việc tổng hợp các kinh nghiệm, quan điểm, kiến thức đảm bảo chống lây nhiễm. Đây là nhiệm vụ mà tôi cùng các đồng nghiệp chưa từng phải đối mặt bao giờ. Và may mắn là chuyến bay đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, không có ai trong phi hành đoàn, không có nhân viên y tế nào bị lây nhiễm COVID-19.

Lúc nhận được thông báo  về việc cả đoàn trở về an toàn, từ bác sĩ, phi hành đoàn tiếp viên... đều khỏe mạnh và không ai bị lây nhiễm, chúng tôi rất vui, cảm thấy những nỗ lực của mình đã đạt được thành công.

PV: Quá trình điều trị cho bệnh nhân COVID-19, theo ông điều gì là quan trọng nhất?   

Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp: Tâm lý của người bác sĩ khá quan trọng, điều cần thiết nhất là phải bình tĩnh đối mặt, từ đó tìm hướng điều trị cho người bệnh.

Đặc biệt, trong giai đoạn các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được cử vào Bệnh viện Trung ương Huế để hỗ trợ điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng, đó là lúc mà chúng tôi cần phải cố gắng bình tĩnh nhất có thể.

Khi đó, nhiều bệnh nhân rất nặng đã được chuyển từ Đà Nẵng ra Huế để điều trị. Các đồng nghiệp của tôi ở Huế cũng là những bác sĩ rất giỏi, họ đã cố gắng, làm rất tích cực, hết sức mình.

Tuy nhiên cũng giống như chúng tôi trong giai đoạn đầu, khi gặp phải những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên, họ mới chỉ biết tạm thời mang những kiến thức từ các bệnh lý tương tự để áp sang điều trị bệnh nhân COVID-19 và thậm chí cũng vấp phải những trục trặc giống như chúng tôi đã từng trải qua. Giai đoạn này, là người có kinh nghiệm hơn, chúng tôi đã cố gắng truyền đạt lại những kinh nghiệm của mình để giúp đồng nghiệp vượt qua nhanh những bước loay hoay ban đầu.

Những ngày mới vào Huế cũng là thời điểm mà chúng tôi thấy rất đau lòng, từng có lúc cảm thấy tuyệt vọng khi nhìn bệnh nhân COVID-19 nặng lần lượt tử vong.

Suy sụp là cảm xúc chung của tất cả chúng tôi khi ấy, nhưng với tôi, khi đang trong vai trò vào hỗ trợ đồng nghiệp, tôi phải tự nhủ mình bắt buộc phải khác. Thay vì cũng buồn, suy sụp như tất cả mọi người thì mình lúc này còn phải là nguồn động viên, sốc lại tinh thần cho đồng nghiệp để tất cả cùng cố gắng để tập trung cứu chữa những bệnh nhân còn lại.

Tôi nhận thức rõ vai trò của mình lúc đó là cần phải bình tĩnh, phải làm mọi người tự tin, thấy rằng bệnh lý này hoàn toàn có điều trị được và bệnh nhân có thể điều trị thành công, kể cả với những người có bệnh lý nền nặng.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ về những chia sẻ!  

Thế Công (Thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ