• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghề kim hoàn: Cần đổi mới để phù hợp với xu thế hiện nay

Văn hoá 25/04/2023 18:12

(Tổ Quốc) - Sáng 25/4, tại đình Kim Ngân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm tổ chức tọa đàm "Nghề kim hoàn với di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội".

Tọa đàm là dịp lắng nghe ý kiến đóng góp nhằm kết nối các làng nghề, phố nghề, các nghệ nhân và thợ thủ công của nghề kim hoàn; xây dựng đình Kim Ngân và phố nghề Hàng Bạc trở thành một phố nghề tiêu biểu của khu phố cổ Hà Nội, một điểm đến góp phần phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch của quận Hoàn Kiếm nói riêng, thành phố nói chung.

Nghề kim hoàn với di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Nghề kim hoàn là một trong những nghề truyền thống lâu đời của Thăng Long - Hà Nội, do người làng Châu Khê (Hải Dương) lên Thăng Long lập nghiệp, tạo nên phố Hàng Bạc từ thế kỷ XVI. Trải qua 5 thế kỷ, đến nay, phố Hàng Bạc vẫn luôn là trung tâm buôn bán vàng bạc lớn của Thủ đô. Ngoài ra, Hà Nội còn có nghề đậu bạc gắn với làng Định Công (nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai) và một số làng nghề kim hoàn, kim khí nổi tiếng khác như: Nghề đúc đồng Ngũ Xã (quận Tây Hồ), nghề dát quỳ vàng Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm)…

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Trưởng ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Phạm Tuấn Long chia sẻ: Đề án Phát triển Công nghiệp Văn hóa của Thủ đô đã coi phát triển thủ công mỹ nghệ - làng nghề truyền thống trở thành ngành "công nghiệp sáng tạo", có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nghề thủ công truyền thống được kỳ vọng là một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa khác phát triển. Quận Hoàn Kiếm coi nghề thủ công truyền thống là một nguồn tài nguyên.

Trong bối cảnh thành phố Hà Nội đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo, đồng thời, Hà Nội cũng tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, việc phát triển nghề kim hoàn không chỉ là bảo tồn một di sản truyền thống mà còn tạo ra những sản phẩm, dịch vụ để phát triển công nghiệp văn hóa.

Nghề kim hoàn: Cần đổi mới để phù hợp với xu thế hiện nay - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Trưởng ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Phạm Tuấn Long phát biểu tại tọa đàm

Khẳng định nghề kim hoàn vẫn luôn phát triển không ngừng, không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn lưu giữ nét đặc trưng truyền thống làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn thành phố Hà Nội Vũ Mạnh Hải cho biết: "Trải qua nhiều thế kỷ, qua nhiều thăng trầm, các làng nghề truyền thống của Thăng Long – Hà Nội vẫn không ngừng phát triển, đặc biệt những người thợ kim hoàn từ thế hệ này sang thế hệ khác vẫn miệt mài chế tác những sản phẩm tinh xảo và độc đáo. Ngày nay, tại phố Hàng Bạc, người buôn bán và những người thợ thủ công tâm huyết vẫn duy trì phố nghề. Hoạt động mua, bán trao đổi vàng bạc, trang sức, quà tặng … vẫn đang diễn ra hàng ngày hết sức sôi động".

Nghề kim hoàn: Cần đổi mới để phù hợp với xu thế hiện nay - Ảnh 2.

C

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Mạnh Hải, những người thợ kim hoàn tại phố Hàng Bạc giờ đây còn biết trình diễn tay nghề của mình để du khách được tận mắt xem quy trình sản xuất ra một sản phẩm kim hoàn thủ công như thế nào. Những hoạt động này không chỉ thu hút lượng các du khách trong nước mà còn thu hút một lượng lớn du khách quốc tế vừa tham quan, vừa trải nghiệm, và kết hợp mua sắm. Điều này không chỉ đem lại giá trị kinh tế, mà còn đem lại giá trị văn hóa khi thông qua du lịch, lan tỏa được những nét đặc trưng truyền thống của làng nghề.

Tăng cường gắn kết để phát triển

Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ cũng như đóng góp to lớn của nghề kim hoàn với phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội thì hiện nay, do quá trình đô thị hóa cùng sự thay đổi của thị trường, đa phần làng nghề kim hoàn ở Hà Nội đều rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng và phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Nghề kim hoàn: Cần đổi mới để phù hợp với xu thế hiện nay - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Ông Nguyễn Chí Thành – Đại diện hộ dân phường Hàng Bạc chia sẻ: "Phố Hàng Bạc hiện chủ yếu là nơi kinh doanh vàng bạc và sản phẩm kim hoàn, việc sản xuất ngày càng hạn chế. Làng Định Công hiện chỉ còn một số ít hộ gia đình làm nghề; nghề bạc Định Công có kỹ thuật rất độc đáo nhưng chưa được nhiều người biết đến. Các nghệ nhân thường khéo tay nghề, nhưng yếu về khả năng thiết kế, sáng tạo những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường…".

Đồng quan điểm trên, theo Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn thành phố Hà Nội Vũ Mạnh Hải, trên thực tế người thợ kim hoàn hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, công sức làm nghề chưa được trả thù lao thỏa đáng, chưa khuyến khích được thế hệ kế cận đi theo nghề. Qua đó, những tri thức dân gian và nghề kim hoàn đứng trước nguy cơ mai một. Hơn nữa, làng nghề, phố nghề còn phải đối mặt với các vấn đề về cạnh tranh quốc tế. Vì vậy, để nghề kim hoàn trường tồn và phát triển theo thời gian, thì nghề kim hoàn cần có những đổi mới thích nghi nhanh với những thay đổi của thị trường thời kinh tế 4.0.

Nghề kim hoàn: Cần đổi mới để phù hợp với xu thế hiện nay - Ảnh 4.

Không gian Tọa đàm

Để bảo tồn và phát triển nghề kim hoàn trong xu thế xã hội hiện nay, cần phải tạo nên những sản phẩm vừa truyền thống lại vừa hiện đại, phù hợp với thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước, đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho các sản phẩm kim hoàn và cải thiện đời sống cho các nghệ nhân, thợ giỏi nhằm lan tỏa, duy trì và phát triển nghề.

Cùng với đó, cần có sự phối hợp của các trường Mỹ thuật, có những khóa đào tạo bài bản, động viên, khuyến khích những người trẻ tiếp cận nghề tinh hoa này. Từ đó, tạo ra những sản phẩm kim hoàn đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội, không chỉ là trang sức, hay đồ dùng gia đình mà còn trở thành quà tặng biểu trưng của thành phố Hà Nội, quà lưu niệm cho du khách gần xa. Có như vậy, mới duy trì và phát triển nghề, để ngành kim hoàn tiếp tục có cơ hội đóng góp tích cực cho văn hóa, di sản Hà Nội" – Ông Vũ Mạnh Hải nói.

Nghề kim hoàn: Cần đổi mới để phù hợp với xu thế hiện nay - Ảnh 5.

Trình diễn kỹ thuật làm nghề kim hoàn tại đình Kim Ngân

Ngoài ra, gắn kết di sản nghề kim hoàn với đào tạo về thiết kế sẽ đưa ra những sản phẩm mới, có tính riêng biệt, cạnh tranh và phát triển. Giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội Trần Thu Hồng cho biết: "Việc phối hợp giữa thiết kế và nghề kim hoàn rất quan trọng. Để các thiết kế không chỉ ở trên bàn vẽ, thì rất cần những bàn tay nghệ nhân chế tác thổi hồn cho thiết kế thành sản phẩm, điều đó khẳng định được tầm quan trọng của kỹ thuật chế tác trong việc tạo ra những sản phẩm trang sức phục vụ nhu cầu làm đẹp của con người. Còn để kỹ thuật kim hoàn tạo ra những bộ trang sức đẹp thì cần có những thiết kế sáng tạo, độc đáo và mới lạ. Dù cho công nghệ sản xuất hiện đại ngày càng phát triển, như sáp, 3D thì lại càng hỗ trợ cho kỹ thuật kim hoàn thủ công tạo ra sản phẩm tinh xảo và chất lượng hơn. Mối quan hệ tương hữu đó là quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của ngành nghề kim hoàn cũng như thiết kế trang sức ở Hà nội cũng như ở Việt Nam".

"Nếu những thiết kế được chế tác thành sản phẩm thật không những quảng bá đến công chúng hình ảnh văn hóa của Hà Nội, mà còn phản ánh được nghề kim hoàn của thủ đô, cũng như thành những sản phẩm quà tặng cho du khách khi đến du lịch tại Hà Nội. Lưu giữ nét văn hóa truyền thống và thúc đẩy sự phát triển của Hà nội trong tương lai" - Bà Trần Thu Hồng chia sẻ.

Nghề kim hoàn: Cần đổi mới để phù hợp với xu thế hiện nay - Ảnh 6.

Trình diễn kỹ thuật làm nghề kim hoàn tại đình Kim Ngân

Bên cạnh đó, tại tọa đàm, các nhà khoa học, nghệ nhân đã khẳng định giá trị của nghề kim hoàn trong dòng chảy văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Nhiều chuyên gia cho rằng, các làng nghề, phố nghề cần tăng cường gắn kết để cùng phát triển. Ngoài ra, nên phát triển nghề kim hoàn kết hợp với nghề gốm sứ, đúc đồng nhằm đa dạng hóa mẫu mã, sản phẩm; tăng cường nguồn lực hỗ trợ nghệ nhân, thợ thủ công trong việc duy trì và truyền nghề; thành lập bảo tàng về nghề truyền thống trong phố cổ.../.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ