(Tổ Quốc) - Nghệ nhân Bùi Thị Minh (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) từng chia sẻ rằng càng học nghề từ bố chồng bao nhiêu thì bản thân bà càng thấy yêu nghề bấy nhiêu và càng thêm quyết tâm sẽ tâm huyết với nghề để sau này không những đời bà mà các đời sau sẽ nối tiếp. Nếu bà không học và giữ gìn được nghề của tổ đáng quý như thế là điều rất ân hận.
Giữ nghề truyền thống
Nhắc đến làng đúc đồng truyền thống Ngũ Xã (Ba Đình, Hà Nội) hẳn nhiều người sẽ nhớ đến một trong bốn làng nghề truyền thống của Hà Nội: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”. Dù trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn vì những thay đổi của cuộc sống hiện nay nhưng Làng đúc đồng truyền thống Ngũ Xã vẫn còn được lưu giữ và trao truyền cho thế hệ sau. Và một trong những người có công lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp là nghệ nhân Bùi Thị Minh và gia đình bà.
Khi xây dựng gia đình bà Bùi Thị Minh được tiếp xúc và bén duyên với nghề đúc đồng. Từ niềm yêu thích với nghề truyền thống của gia đình bà đã không ngừng học hỏi từ những người thân trong chính gia đình mình. Trong gia đình bà, cho đến nay đã có tới 4 người đều được công nhận là nghệ nhân.
Trải qua 400 năm trong nghề, dòng họ và gia đình bà Bùi Thị Minh đã để lại rất nhiều tác phẩm đúc đồng tinh xảo trên khắp đất nước như: Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ - đặt tại Đền Quán Thánh; Tượng Phật A Di Đà nặng 14 tấn tọa lạc tại Chùa Thần Quang - Ngũ Xã; Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại hội trường Ba Đình lịch sử, Văn phòng Chủ tịch nước, Nhà sàn Bác Hồ, Đài tưởng niệm Định Hóa - Thái Nguyên; Tượng bà Võ Thị Sáu đặt tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam...
Nghệ nhân Bùi Thị Minh từng chia sẻ rằng càng học nghề từ bố chồng bao nhiêu thì bản thân bà càng thấy yêu nghề bấy nhiêu và càng thêm quyết tâm sẽ tâm huyết với nghề để sau này không những đời bà mà các đời sau. Nếu bà không học và giữ gìn được nghề của tổ đáng quý như thế thì là điều rất ân hận.
Chia sẻ thêm về nghề đúc đồng, nghệ nhân Bùi Thị Minh cho biết, để làm một sản phẩm đúc đồng có 5 kỹ thuật cơ bản, gồm: Đắp mô hình chi tiết cần đúc, tạo khuôn, pha trộn nguyên liệu, nấu và đổ nguyên liệu vào khuôn, tiếp đó là công đoạn sửa nguội và cuối cùng là đánh bóng sản phẩm. Với những sản phẩm kích thước lớn, có những công đoạn phải mất tới vài tháng mới hoàn thành. Một sản phẩm có kích cỡ trung bình cũng phải mất ít nhất từ 15 ngày đến 1 tháng mới xong.
Vẫn còn những trăn trở
Ghi nhận những đóng góp cho nghề đúc đồng truyền thống, bà Bùi Thị Minh được UBND thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" năm 2019. Năm 2020, bà Minh được nhận giải Nhì trong Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội tổ chức. Năm 2021, bà Minh có 2 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Năm 2023, bà được Hội người cao tuổi TP Hà Nội tặng giấy chứng nhận người cao tuổi làm kinh tế giỏi; Hội Chữ Thập đỏ TP Hà Nội tặng giấy khen trong công tác Hội và phong trào Chữ Thập đỏ; UBND quận tặng giấy khen trong công tác Đền ơn đáp nghĩa. Và trong năm 2024, nhận danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu” do Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội trao tặng.
Bên cạnh sự ghi nhận của các cấp chính quyền trong nhiều năm qua nhưng nghệ nhân Bùi Thị Minh vẫn còn đó những trăn trở trong việc giữ gìn bảo tồn, trao truyền và phát huy nghề truyền thống đúc đồng nói chung và đúc đồng Ngũ Xã nói riêng. Bà từng cho rằng: "Để bảo tồn nghề truyền thống, cần nhờ chính sách, cơ chế của Nhà nước, các cấp ngành, cùng chúng tôi giữ gìn phát triển nghề truyền thống của Hà Nội nói chung và nghề đúc đồng Ngũ Xã nói riêng để không bị mai một và tiếp tục được lưu truyền nghề, phát triển nghề cho thế hệ sau".
Còn về riêng gia đình nghệ nhân, bà Bùi Thị Minh cho biết con cháu trong gia đình luôn trân trọng nghề, giữ nghề và truyền nghề. Đối với bà và gia đình bà thì nghề đúc đồng Ngũ Xã không chỉ làm ra sản phẩm mà là tác phẩm nghệ thuật. Nghệ nhân Bùi Thị Minh cũng khẳng định hiện nay nghề đúc đồng Ngũ Xã đang gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn quyết tâm giữ nghề và truyền cảm hứng cho các thế hệ con cháu. Cho đến nay, xưởng của gia đình bà có hơn 20 nhân công.
Nghệ nhân Bùi Thị Minh từng chia sẻ rằng càng học nghề từ bố chồng bao nhiêu thì bản thân bà càng thấy yêu nghề bấy nhiêu và càng thêm quyết tâm sẽ tâm huyết với nghề để sau này không những đời bà mà các đời sau sẽ nối tiếp. Nếu bà không học và giữ gìn được nghề của tổ đáng quý như thế là điều rất ân hận.
Để có thế hệ nối tiếp có thêm nhiệt huyết và tình yêu với nghề truyền thống đúc đồng Ngũ Xã, nghệ nhân Bùi Thị Minh cho biết, dù mình tuổi cao nhưng luôn sẵn sàng dạy nghề miễn phí cho bất kì ai muốn học nghề. Đây là cách mà bà tin rằng nghề truyền thống đúc đồng Ngũ Xã sẽ được bảo tồn và phát huy.