• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghệ nhân - “kho tàng sống” giữ hồn cho văn hóa dân tộc

09/05/2018 13:52

(Cinet) – Nghệ nhân có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sự tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể. Họ chính là “kho tàng sống” trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác.

(Cinet) – Nghệ nhân có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sự tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể. Họ chính là “kho tàng sống” trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nhận thức được giá trị to lớn của việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa trong cộng đồng, những năm qua, cùng với chủ trương, chính sách của Đảng, sự nỗ lực của các cấp, ngành, đội ngũ nghệ nhân tại các thôn bản đã có vai trò rất lớn trong việc sưu tầm, gìn giữ và trao truyền những bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, góp phần làm phong phú hơn kho tàng di sản văn hóa của đồng bào 54 dân tộc.

Tìm về xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, hỏi thăm nghệ nhân Lý Hồng Quân ai cũng biết. Là một giáo viên dạy tiểu học, nghệ nhân Lý Hồng Quân, dân tộc Mông thấu hiểu rõ về tầm quan trọng của việc truyền dạy văn hóa dân tộc cho lớp trẻ. Say mê, yêu thích tiếng khèn từ nhỏ, nhưng vì không có điều kiện theo học, nghệ nhân Lý Hồng Quân đành từ bỏ đam mê của mình. Cho đến năm 2004, khi ra trường và đi làm, cũng là lúc nghệ nhân nhận thấy trong đời sống của đồng bào Mông dường như đã mất đi âm thanh của tiếng khèn, tiếng sáo, điều đó khiến nghệ nhân rất trăn trở. Từ đây, nghệ nhân Lý Hồng Quân có thêm quyết tâm học thổi khèn. Vào thời điểm đó, dù áp lực của một giáo viên mới vào nghề vào không ít, nhưng Lý Hồng Quân vẫn dành thời gian tìm đến những nghệ nhân thổi khèn lớn tuổi để theo học. Cùng với sự hướng dẫn của các thầy, nghệ nhân còn thu âm về nhà mày mò tự học. Cuối cùng kết quả cũng được đền đáp, nghệ nhân Lý Hồng Quân đã thổi khèn một cách thuần thục. Nghệ nhân thường xuyên biểu diễn ở các sân khấu địa phương, như một cách làm sống lại âm thanh của tiếng khèn trong đời sống của người Mông xã Thượng Giáo.

Nghệ nhân Lý Hồng Quân chia sẻ “cứ thổi nhiều mọi người nghe quen nên đã bắt đầu thích thú học thổi. Giờ đây, khi đến xã Thượng Giáo không khó để nghe thấy tiếng khèn, âm thanh của khèn đã sống lại trong đời sống của người Mông”. Với những đóng góp đó của mình, ngày 19/4 vừa qua nghệ nhân Lý Hồng Quân vinh dự được nhận bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Nghệ nhân Lý Hồng Quân, dân tộc Mông (thứ 3 từ trái sang) vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ VHTTDL      

Là người duy nhất còn biết hát những làn điệu dân ca của dân tộc Pu Péo, Nghệ nhân Tráng Mìn Hồ, dân tộc Pu Péo, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang luôn đau đáu trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ biết hát và yêu thích dân ca của dân tộc. Nghệ nhân cho biết, bản thân ông may mắn được thế hệ đi trước dạy hát nên hơn ai hết ông hiểu được ý nghĩa của dân ca Pu Péo gắn bó với đời sống của người dân như thế nào. Dân ca Pu Péo không đa dạng như nhiều dân tộc khác, chỉ có một số bài như “Khen con ngoan”, “Ngày lành tháng tốt”, “Lâu ngày mới được gặp nhau”... nhưng lại mang ý nghĩa sâu sắc như lời giáo dục của cha mẹ với con cái, niềm hy vọng của cha mẹ mong con thành đạt trong cuộc sống.

Bằng sự nhiệt tình, tâm huyết của mình, nghệ nhân đứng ra kêu gọi bà con trong thôn học hát dân ca. Ban đầu, mọi người thường đến nhà học vào những lúc rảnh dỗi, vì dân ca Pu Péo hơi khó hiểu nên khi dạy ông phải giải thích nghĩa từng câu để mọi người không nản chí. Sau một thời gian, lớp học của ông được Phòng Văn hóa huyện Đồng Văn quan tâm, huyện đã hỗ trợ thành lập một lớp học dân ca Pu Péo mời ông về dạy. Đến nay huyện đã mở được 2 lớp, từ đây người dân tộc Pu Péo có cơ hội được đi tham gia liên hoan văn nghệ ở huyện, tỉnh để giới thiệu về văn hóa của người Pu Péo.

Nghệ nhân Tráng Mìn Hồ, dân tộc Pu Péo (thứ 2 từ phải sang) tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về

Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Vốn là một Bí thư xã, năm 2015 sau khi nghỉ công tác, nghệ nhân Lý Thị Chướng dân tộc Mảng, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đã dành thời gian cho việc tìm kiếm, sưu tầm phong tục tập quán, trang phục, dân ca của người Mảng. Trong quá trình sưu tầm, nghệ nhân nhận thấy bà con dân tộc Mảng phần lớn không quan tâm nhiều đến việc bảo tồn, duy trì những phong tục của dân tộc, không còn nhiều người biết hát dân ca. Từ đây bà có ý định tập trung mọi người cùng nhau học hát dân ca, điệu múa của dân tộc Mảng.

Theo nghệ nhân Lý Thị Chướng để thu hút được bà con tham gia học hát, học múa trước hết bà đã phối hợp với chính quyền địa phương kêu gọi cán bộ tiên phong học trước, phải như thế người dân mới tin theo để học. Sau 3 năm nỗ lực truyền dạy, lan tỏa văn hóa dân tộc Mảng cho chính người Mảng, đến nay trong xã Trung Chải đã thành lập được một đội văn nghệ gồm 19 người, thường xuyên đại diện cho xã đi giao lưu biểu diễn ở huyện, ở tỉnh. Nghệ nhân Lý Thị Chướng cũng chia sẻ thêm, thời gian tới mong nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ về kinh phí từ các cấp, các ngành, để đội tiếp tục có động lực, ý thức được trách nhiệm trong việc phát huy những giá trị văn hóa dân tộc Mảng.

Nghệ nhân Lý Thị Chướng, dân tộc Mảng.

Hàng ngày, các nghệ nhân vẫn tâm huyết, cố gắng gìn giữ, bảo tồn văn hóa phi vật thể để trao truyền cho thế hệ mai sau cái hồn cốt của dân tộc. Tuy nhiên, hầu hết những người “giữ lửa” cho loại hình văn hóa phi vật thể này đã cao tuổi, sức đã yếu hơn, do đó, chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng cần đầu tư, có chương trình, kế hoạch cụ thể tiếp tục phát huy vai trò của các nghệ nhân trong bảo tồn di sản văn hóa góp phần để văn hóa truyền thống các dân tộc sống mãi trong nhân dân.

 

Minh Huyền

NỔI BẬT TRANG CHỦ