(Cinet) - Tôi có duyên gặp nghệ nhân Nguyễn Xuân Bách vào dịp diễn ra Tết Việt 2018. Ấn tượng đầu tiên của tôi đối với anh là sự nhiệt tình, và nhiệt huyết với nghệ thuật hát Then của quê hương.
(Cinet) - Tôi có duyên gặp nghệ nhân Nguyễn Xuân Bách vào dịp diễn ra Tết Việt 2018. Ấn tượng đầu tiên của tôi đối với anh là sự nhiệt tình, và nhiệt huyết với nghệ thuật hát Then của quê hương.
Sắp tới, vào ngày 28/4/2018, anh cùng các nghệ sĩ, nghệ nhân, giảng viên gạo cội của nghệ thuật hát then và sinh viên học đàn hát then chuyên nghiệp của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc sẽ tham gia chương trình nghệ thuật đặc biệt “Câu then Việt Bắc” tại Hà Nội. Đây là chương trình biểu diễn hát then đậm đà nhất lần đầu tiên được tổ chức giữa lòng thủ đô.
Nghệ nhân Xuân Bách và các nghệ nhân tham dự “Lễ hội âm nhạc thế giới” tại Paris. Ảnh: Jean-Pierre Dalbéra / Nhóm Đình Làng Việt |
Then là hơi thở, Then là cuộc sống
Chia sẻ về cơ duyên và cũng là duyên nghiệp của nghệ nhân Xuân Bách với nghệ thuật hát then, anh cho biết mình đến với then một cách rất tự nhiên. “Tự nhiên đến mức tôi cũng không biết nó đến lúc nào. Có lẽ đến từ khi tôi còn thơ ấu. Quê tôi ở thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, đây là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát then và cũng là quê hương của điệu then "Tò mạy" nổi tiếng. Ngay từ thuở nhỏ, tôi đã được đắm mình trong điệu dân ca ấy. Tôi đắm mình từ trong lời ăn tiếng nói cho đến những ứng xử trong cuộc sống. Do đó nó đã ngấm dần vào máu thịt tôi, khiến cho tôi dù có đi đâu hay làm gì cũng đều hướng về nó và coi nó là một phần tâm hồn mình” – anh Bách chia sẻ.
Người có ảnh hưởng lớn nhất đối với Nghệ nhân Xuân Bách, người truyền ngọn lửa và tình yêu hát Then cho anh chính là từ mẹ mình một nghệ sỹ hát then của đoàn nghệ thuật Lạng Sơn và nghệ nhân Phan Thị Điệu là một trong những bà then nổi tiếng ở huyện Tràng Định. Nhờ mẹ và nghệ nhân Phan Thị Điệu, nghệ nhân Xuân Bách được sống cả trong sự linh thiêng của then cổ và sự dìu dặt của then mới. Điều đó cũng khiến anh nhận ra nhiệm vụ của mình là phải nối tiếp những dòng cảm xúc của bà, của mẹ, để những làn điệu hát then còn vang mãi.
Bên cạnh đó, nghệ nhân Xuân Bách còn may mắn được các thầy cô tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, các nghệ nhân như NSƯT Triệu Thủy Tiên (nguyên trưởng đoàn nghệ thuật Lạng Sơn) hết sức giúp đỡ, dìu dắt và được Nhà trường tin tưởng giữ lại làm giảng viên để tiếp tục nối tiếp các thầy cô trong sự nghiệp đào tạo các thế hệ học trò đàn hát then.
Nghệ nhân Xuân Bách trong chuyến biểu diễn tại Lạng Sơn. Ảnh: Nguyễn Đức Bình |
Hát Then đang đứng trước nhiều thách thức
Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, hát then cũng đang đứng trước những khó khăn và thách thức để tồn tại và phát triển, trong đó có cả khó khăn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Sau một thời gian dài, diễn xướng then bị quy là mê tín dị đoan nên sự nối tiếp nghề của các nghệ nhân cũng bị gián đoạn. Một số dòng then ở các tỉnh như Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang hiện nay đã không còn truyền nhân. Đây là một điều rất khó khăn cho công tác sưu tầm vì nghệ nhân là người nắm giữ toàn bộ những tinh hoa tinh tế nhất của hát then, không có nghệ nhân đồng nghĩa với không có đối tượng nghiên cứu. Trong khi đó, các nghệ nhân hát then mới chưa kế thừa được những tinh hoa và tiếp thu được đầy đủ bài bản của các nghệ nhân đi trước.
Thách thức lớn nhất để tồn tại và phát triển của Then hiện nay chính là sự thờ ơ của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Theo nghệ nhân Xuân Bách, nếu trước đây, một buổi lễ then thu hút cả làng, bản đến nghe thì ngày nay, xung quanh thầy then chỉ còn vài người già đến nghe và phụ giúp các công việc thì cũng là một điều đáng báo động cho sự mai một của then cổ. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh giữa các dòng âm nhạc, nghệ thuật cũng khiến hát then đang dần bị mai một.
Nghệ nhân Xuân Bách, cũng như nhiều nghệ nhân hát then khác đang không ngừng cố gắng, nỗ lực để đóng góp một phần nhỏ bé vào bảo tồn và lan tỏa tình yêu, niềm đam mê hát Then tới cộng động. Ảnh: Nguyễn Đức Bình |
Góp phần gìn giữ nghệ thuật hát Then
“Hát then với tôi không chỉ là nhiệm vụ xã hội, nhà trường giao phó mà còn là tâm huyết vô cùng sâu đậm tôi dành cho. Vì vậy, tôi luôn làm hết sức những gì có thể làm được” – nghệ nhân Xuân Bách cho biết.
Tới nay, anh đã dạy được 10 khóa học hát Then cho các học trò tại trường và các CLB ở Lạng Sơn. “Thông qua các lớp học này, tôi càng trân trọng tấm lòng của đồng bào với hát then, càng thêm yêu then và qua đó, càng ý thức được nhiệm vụ của mình” – anh Bách khẳng định .
Trong đó, để tăng thêm vốn ca hát anh Bách đã đến gặp gỡ các nghệ nhân để học đàn, học hát, trực tiếp, ghi chép lại bài bản và nghe các cụ kể những câu chuyện để tìm ra những mã văn hóa ẩn chứa trong nghi lễ then. Đồng thời, nỗ lực và tìm các nguồn tài trợ để kết nối, đem then đi quảng bá với bạn bè muôn phương.
Năm 2017 vừa qua, được sự kết nối và giúp đỡ của Viện Văn hóa thế giới Paris, đoàn nghệ nhân hát then Việt Nam do NSƯT Thủy Tiên làm trưởng đoàn đã cùng các nghệ nhân, trong đó có nghệ nhân Xuân Bách đã đem Then sang trình diễn tại thủ đô Paris nước Cộng hòa Pháp trong chương trình “Lễ hội âm nhạc thế giới”.
Trong nước, từ năm 2016 đến nay, nghệ nhân Xuân Bách cũng thường xuyên phối hợp với nhóm Đình làng Việt lưu diễn tại nhiều địa phương. Đặc biệt ngày 28/4 tới đây, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, nhóm Đình làng Việt và BQL phố cổ Hà Nội sẽ phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật “Câu then Việt Bắc”. Chương trình có ý nghĩa rất lớn trong việc tôn vinh nghệ thuật hát then.
Từ tình yêu, lòng kính trọng và niềm đam mê với nghệ thuật hát Then, nghệ nhân Xuân Bách, cũng như nhiều nghệ nhân hát then khác đang không ngừng cố gắng, nỗ lực để đóng góp một phần nhỏ bé vào bảo tồn và lan tỏa tình yêu, niềm đam mê nghệ thuật hát Then tới cộng động./.