• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghệ sĩ đàn môi Trần Quang Hải: Gieo âm nhạc trên những miền đất lạ

11/04/2011 22:14

“Bữa tiệc” âm nhạc với những thanh âm trầm bổng, sâu lắng của tiếng đàn môi qua phần trình diễn của nghệ sĩ Trần Quang Hải (người được Kỷ lục gia Việt Nam tôn vinh là vua muỗng của Việt Nam) và nghệ sĩ đàn môi Nguyễn Đức Minh diễn ra vừa qua tại ngôi nhà nghệ thuật của hoạ sĩ Lê Thiết Cương ở 39 Lý Quốc Sư, Hà Nội đã để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả trong và ngoài nước.

“Bữa tiệc” âm nhạc với những thanh âm trầm bổng, sâu lắng của tiếng đàn môi qua phần trình diễn của nghệ sĩ Trần Quang Hải (người được Kỷ lục gia Việt Nam tôn vinh là vua muỗng của Việt Nam) và nghệ sĩ đàn môi Nguyễn Đức Minh diễn ra vừa qua tại ngôi nhà nghệ thuật của hoạ sĩ Lê Thiết Cương ở 39 Lý Quốc Sư, Hà Nội đã để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả trong và ngoài nước.

Nghệ sĩ Trần Quang Hải và Nguyễn Đức Minh đang trình diễn nghệ thuật đàn môi.Nghệ sĩ Trần Quang Hải và Nguyễn Đức Minh đang trình diễn nghệ thuật đàn môi.

Chỉ bằng những vật dụng như chiếc thìa bằng nhựa, nhôm, Inox... nghệ sĩ Trần Quang Hải đã đưa người nghe đến những cung bậc của cảm xúc, khám phá những điều mới lạ, thú vị của các vùng miền trên thế giới bằng âm nhạc. Nghệ sĩ Trần Quang Hải là con trai trưởng của GS.TS Trần Văn Khê, năm nay ông đã bước vào tuổi “Thất thập cổ lai hy” nhưng dường như âm nhạc đã nuôi dưỡng để tâm hồn người nghệ sĩ này luôn tươi trẻ. Những chiếc thìa đủ loại và vài chiếc đàn môi quen thuộc là những nhạc cụ luôn hiện hữu trên người nghệ sĩ tài hoa này, ngay cả trong giấc ngủ của ông thì âm thanh của tiếng đàn vẫn vang vọng, ngân xa.

70 tuổi đời nhưng nghệ sĩ Trần Quang Hải đã có tới 60 năm để tìm hiểu, khám phá, sáng tạo nên những tác phẩm âm nhạc được trình diễn chỉ với những chiếc thìa nhỏ bé, gần gũi với mỗi người Việt Nam cũng như thế giới. Để có được thành quả như ngày hôm nay, nghệ sĩ Trần Quang Hải đã phải đổ biết bao mồ hôi, nước mắt và cả những giọt máu ứa ra từ làn môi cháy bỏng vì phải dùng thìa gõ vào miệng để tạo ra thanh âm đặc sắc, cuốn hút người nghe.

Cơ duyên đưa ông đến với bộ môn nghệ thuật này là khi gia đình còn đang sống ở vùng quê nghèo thuộc làng Linh Ðông Xã, tỉnh Gia Ðịnh (thuộc miền Nam Việt Nam trước đây), khi ấy ông mới được 6 tuổi và trong một lần sang nhà hàng xóm chơi thì thấy một chú bộ đội cầm hai chiếc thìa chơi bản nhạc Cách mạng Việt Nam rất thuần thục. Từ đó ông về nhà tự mày mò tìm hiểu và thử chơi loại nhạc cụ này. Lúc ấy, GS.TS Trần Văn Khê thấy con trai suốt ngày mải mê với những vật dụng nên đã ra lệnh cấm. Nhưng rồi với quyết tâm theo đuổi đến cùng loại hình nghệ thuật mà mình yêu thích nên nghệ sĩ Trần Quang Hải vẫn giấu ba mẹ để tự học. Khi đã trưởng thành, ông vẫn đam mê cháy bỏng với những âm thanh của vật dụng được ông cho là một loại nhạc cụ độc đáo, rẻ tiền và phù hợp với mọi lứa tuổi, tầng lớp nhân dân. Lúc ấy, GS.TS Trần Văn Khê đã ra quyết định “từ” cậu con trai mà ông yêu quý 10 năm để bắt buộc Trần Quang Hải phải nhìn nhận lại việc làm của mình nhưng biện pháp này cũng không mang lại hiệu quả. Nghệ sĩ Trần Quang Hải đã phải nén nỗi đau vào lòng, dù rất thương ba nhưng ông vẫn không thể bỏ được những chiếc thìa đã theo ông bao năm tháng.

Với những cố gắng không biết mệt mỏi, ông là công dân đầu tiên của Việt Nam được Chính phủ Pháp trao tặng Bảo quốc Huân chương. Với khả năng trình diễn được 15 loại nhạc cụ trong đó có 5 loại nhạc cụ của Việt Nam, đến nay nghệ sĩ Trần Quang Hải đã  biểu diễn được hơn 1500 buổi ở 60 nước trên thế giới. Những chương trình mang đậm chất Việt của ông đã được đông đảo khán giả các nước yêu thích. Khi đã thành danh ở nước ngoài, ông trở về quê hương biểu diễn cho đồng bào mình xem. Giờ đây GS.TS Trần Văn Khê tự hào và khẳng định “Gia tài của tôi đem về Việt Nam chính là các con tôi”. Sau khi những cố gắng của nghệ sĩ Trần Quang Hải được khán giả trong và người nước ghi nhận thì lúc đó ba ông mới thay đổi cách nhìn nhận về con trai mình và tự hào về những thành quả ông đạt được. Những buổi diễn tại quê nhà đã mang đến cảm xúc đặc biệt cho một người con xa xứ lâu ngày.

“Hiện nay tôi đang sở hữu khoảng 300 chiếc đàn môi của Việt Nam và thế giới. Trong suốt cuộc đời, tôi luôn tâm nguyện một điều là làm sao quảng bá được âm nhạc Việt Nam đến đông đảo bạn bè trên thế giới. Vì thế, những buổi biểu diễn tại các nước của tôi đều sử dụng những nhạc cụ dân tộc và ngay cả trang phục cho diễn viên hoặc sân khấu cũng phải được bố trí theo phong cách Việt Nam”, nghệ sĩ Trần Quang Hải chia sẻ.

Âm nhạc có một sức mạnh vô hình, xoá bỏ sự hằn thù, đem lại tình cảm và gắn bó mật thiết giữa các dân tộc. Với những vật dụng nhỏ bé nhưng nghệ sĩ Trần Quang Hải đã gieo vào trong tâm trí các em thiếu nhi của nhiều nước trên thế giới về hình ảnh Việt Nam giàu truyền thống văn hoá, có lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước qua những buổi biểu diễn của mình.

 

Theo QĐND

NỔI BẬT TRANG CHỦ