(Tổ Quốc) - Nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo cùng các đồng nghiệp đã có một chương trình biểu diễn đặc biệt tại Quốc đảo Sư tử trong Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023) và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược (2013-2023) giữa Việt Nam và Singapore.
- 18.07.2023 Việt Nam - Singapore: Hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch thông qua giao lưu nhân dân, kết nối con người
- 07.07.2023 12 biên bản ghi nhớ vừa được ký kết giữa Việt Nam - Singapore
- 02.03.2023 Bất ngờ khi nhìn lại trung bình tăng trưởng GDP đầu người của Việt Nam, Singapore, Thái Lan... trong 10 năm
Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và người đồng cấp Singapore, ông Vivian Balakrishnan, cùng hơn 600 quan khách và đại biểu hai nước, bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt tại đất nước này.
Đoàn nghệ sĩ Việt Nam do NSƯT Bùi Công Duy chỉ đạo nghệ thuật chỉ có 15 người, nhưng đã thực hiện được một chương trình rất thành công. Đêm biểu diễn nhận được sự đón nhận nhiệt tình từ bạn bè quốc tế, người dân Quốc đảo Sư tử, đặc biệt là bà con kiều bào Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại Singapore.
Các nghệ sĩ đã mang đến các chương trình biểu diễn rất độc đáo khi kết hợp giữa hai yếu tố âm nhạc phương Đông và phương Tây nhuần nhuyễn. Những làn điệu dân ca quen thuộc như "Hoa thơm bướm lượn" - dân ca Quan họ Bắc Ninh qua phần thể hiện của nghệ sĩ Flute Lê Thư Hương và nghệ sĩ piano Trần Tâm Ngọc là nét chấm phá độc đáo trong chương trình.
Màn song ca "Việt Nam quê hương tôi", "Hello Việt Nam" cùng dàn nhạc dân tộc của hai ca sĩ Lê Anh Dũng và ca sĩ Lan Anh đã lôi cuốn khán giả bằng giọng ca chứa chan cảm xúc khi những giai điệu, lời ca cất lên trong trẻo, ngọt ngào thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước.
Điểm nhấn của chương trình là phần hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc của các nghệ sĩ và giảng viên, sinh viên khoa Âm nhạc truyền thống - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nghệ sĩ - giảng viên Hương Giang vừa trở về từ cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc với Huy chương Vàng, liền nhận nhiệm vụ lên đường biểu diễn, thể hiện xuất sắc bản độc tấu đàn bầu "Sóng Danube" - tác giả Losif Ivanovic, với phần đệm của tốp nhạc dân tộc.
Nghệ sĩ Ngọc Hà với cây đàn T'rưng đưa khán giả đi từ Tây Nguyên hùng vĩ đến những giai điệu tuyệt vời trong tác phẩm nổi tiếng thế giới "Czardas" của Monti.
Nghệ sĩ Diệu Thảo mang đến cho khán giả màn trình diễn với nhạc cụ độc đáo K'longput - một loại nhạc cụ tre nứa đặc trưng của Việt Nam với tác phẩm đặc sắc "Mùa xuân đến", nhận được những tràng pháo tay và yêu mến của khán giả bởi phong cách diễn tấu độc đáo và vô cùng thú vị.
Phần hòa tấu nhạc cụ tre nứa rực rỡ sắc màu của đàn T'rưng (nghệ sĩ Phương Anh và Ngọc Hà), K'longput (Diệu Thảo), Tam thập lục (Hương Giang), Bass (Đức Dũng), Gõ dân tộc (Đăng Hoàng) đã tạo nên một bản hòa ca mang sức sống và nhiệt huyết của một Tây Nguyên hùng vĩ và đẹp đẽ trong tác phẩm "Mùa hái quả".
Ngoài ra, để thể hiện sự kết nối và tình hữu nghị giữ hai quốc gia, các nghệ sĩ đã chơi bản nhạc "Singapore NDP The Theme song - The Road ahead" trên nhạc cụ dân tộc. Điều này thực sự thú vị khi ca khúc nổi tiếng này được thể hiện bằng những cây đàn truyền thống của Việt Nam, khán giả và đặc biệt là khán giả Singapore đã ồ lên thích thú, cổ vũ những tràng pháo tay nồng nhiệt.
Diệu Thảo là nghệ sĩ đàn tỳ bà, nhưng ở chuyến biểu diễn tại Singapore trong sự kiện ngoại giao quan trọng của hai nước Việt – Sing, cô không chỉ chơi nhạc cụ gắn với tên tuổi của mình mà còn biểu diễn cả đàn Tam thập lục, K'longput. Nói về điều này, Diệu Thảo cho biết: "Đoàn chúng tôi không nhiều người, trong khi tính chất chương trình rất quan trọng và đòi hỏi chuyên môn cao, nội dung phong phú. Vậy nên Học viện Âm nhạc Quốc gia và Sứ quán Việt tại Singapore đã phải làm việc rất nghiêm túc và kỹ lưỡng để đưa ra phương án tối ưu cho các chương trình biểu diễn xuyên suốt chuỗi sự kiện. Chúng tôi là một tốp nhạc với đầy đủ nhạc cụ của một "dàn nhạc dân tộc thu nhỏ", vai trò của các nghệ sĩ cũng rất năng động và linh hoạt. Các nghệ sĩ đều kiêm nhiệm ít nhất là 2 đến 3 nhạc cụ dân tộc và luôn nỗ lực hết sức để hoàn thành tốt nhất vai trò của mình trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Và chúng tôi lựa chọn những cây đàn độc đáo riêng có của Việt Nam để có thể tôn vinh những nét đẹp độc đáo, đa dạng của đồng bào 54 dân tộc anh em trên khắp Việt Nam".
Trước Lễ Kỷ niệm chính thức, Diệu Thảo cùng các nghệ sĩ Việt Nam cũng đã có một chương trình biểu diễn thăng hoa trong Lễ Khai mạc Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Singapore vào ngày 14/7. Tâm điểm của chương trình là phần song tấu piano và các nhạc cụ tre nứa truyền thống của Việt Nam, mang đến cho khán giả rất nhiều cảm xúc mới mẻ.
Nghệ sĩ Diệu Thảo là một gương mặt nổi bật trong lĩnh vực biểu diễn nhạc cụ dân tộc Việt Nam hiện nay. Cô là giảng viên môn Tỳ bà của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ngoài đàn tỳ bà, cô có khả năng chơi nhiều loại nhạc cụ khác như Tam thập lục, đàn Tứ, Nhị, T'rưng, K'longput, đàn Đá… Cô thường xuyên được mời tham gia các chương trình nghệ thuật lớn, trong đó có nhiều Ngày Văn hóa Việt Nam tại các nước trên thế giới.
Chia sẻ về việc được hiện diện trong những sự kiện quan trọng mang ý nghĩa ngoại giao và quảng bá văn hóa Việt ra thế giới, Diệu Thảo bày tỏ: "Tôi rất tự hào và hạnh phúc. Mỗi lần đứng trên sân khấu, tôi vừa mang trên vai nhiệm vụ, trọng trách của người nghệ sĩ, đồng thời cũng được nắm lấy cơ hội đưa văn hóa nghệ thuật Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, đó thực sự là niềm vinh dự lớn. Và tôi biết mình cần nỗ lực, quyết tâm cao độ để quảng bá âm nhạc dân tộc.
Biểu diễn trong các chương trình văn hóa ngoại giao, chúng tôi được bạn bè quốc tế hào hứng đón nhận, yêu thích và vỗ tay nhiệt liệt. Còn bà con ta, những người Việt có mặt trong khán phòng, không ít người rơi nước mắt, nghẹn lại khi âm nhạc dân tộc cất lên. Chúng tôi mang đến một không gian đậm đặc âm nhạc dân tộc, đó là hồn cốt, là tinh túy của cha ông bao đời truyền lại. Có thể nói, dù xa quê hương, dù có đi bất cứ nơi đâu trên thế giới, cội nguồn dân tộc vẫn luôn chảy trong máu thịt, thấm đẫm trong tâm hồn người Việt. Có lẽ chúng ta có một điểm chung là vô cùng yêu quê hương đất nước, vậy nên khi những thanh âm dân tộc ngân vang thì bất cứ ai cũng thấy xúc động, lắng đọng và chan chứa yêu thương, tự hào…".