(Cinet) – Thái Thị Liên - Người nghệ sỹ, nhà giáo mẫu mực có những đóng góp cho âm nhạc thính phòng và âm nhạc Việt Nam, một cuộc đời tận hiến cho âm nhạc là niềm hạnh phúc và tự hào vô cùng lớn lao của những người con của bà, cũng như của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Nghệ sĩ, nhà giáo Thái Thị Liên chơi piano trong đêm nhạc "Trăm mùa thu vàng" |
Cây đại thụ của các nghệ sĩ
Sinh ngày 4 tháng 8 năm 1918 trong một gia đình trí thức thượng lưu ở Sài Gòn, Bà đã học đàn piano từ năm tuổi tại trường dòng và tiêu học dành cho con em người Pháp trong 7 năm. Dấu mốc quan trọng trong cuộc đời bà là bắt đầu từ năm 11 tuổi, khi theo học trường Trung học nữ sinh Pháp, Bà đã bước vào con đường chuyên nghiệp với Bà giáo Armande Caron, người đã giành giải nhất piano nhạc viện Paris, học trò của Giáo sư Nhạc viện Paris Isidore Philipp, giải nhất ngành biểu diễn piano năm 1883. Là học trò xuất sắc của Armande Caron, năm 16 tuổi Bà đã có buổi biểu diễn ra mắt công chúng tại toà thị chính Sài Gòn.
Năm 1946, Bà sang Pháp với dự định tiếp tục học cao hơn về âm nhạc nhưng cùng với những biến, cố lịch sử của nước Việt Nam, Bà đã từ Paris sang Praha năm 1948 và theo học ngành biểu diễn piano tại Nhạc viện Praha, một trong những trường âm nhạc lâu đời nhất châu Âu. Tốt nghiệp xuất sắc năm 1951 lớp giáo sư Ema Dolezalova với chương trình biểu diễn đồ sộ gồm các tác phẩm của D. Scarlatti, J. s. Bach, L. V. Bethoven và B. Smetana.
Cuối 1951, Bà theo chồng về Việt Bắc tham gia kháng chiến và công tác tại Đoàn văn công Trung ương. Đầu năm 1954, Bà tham gia đoàn hợp xướng Hoà Bình sang Thượng Hải (Trung Quốc), ghi âm chương trình để phát trên đài phát thanh khi tiếp quản Thủ đô mùa thu năm đó.
Các thế hệ học trò của bà nhiều người trong số đó trở thành những nghệ sỹ, nhạc sỹ, nhà giáo nổi tiếng |
Tháng 11 năm 1956, Bà là một trong 7 nhạc sỹ sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam và là Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Piano cho tới khi nghỉ hưu năm 1977. Trong suốt hơn 20 năm gắn bó kể cả trong những năm tháng chiến tranh, khó khăn thiếu thốn nơi sơ tán, Bà đã biên soạn chương trình, giáo trình, bồi dưỡng, huấn luyện những giảng viên đầu tiên, trực tiếp đào tạo nhiều thế hệ giảng viên, nghệ sỹ piano. Nhiều người trong số đó đã trở thành những nghệ sỹ, nhạc sỹ, nhà giáo nổi tiếng như: Nguyễn Hữu Tuấn, Hoàng My, Phương Chi, Tuyết Minh, Trần Thu Hà và Đỗ Hồng Quân. Nổi bật nhất trong số đó là Đặng Thái Sơn, người Châu Á đầu tiên giành giải nhất Cuộc thi Piano quốc tế Chopin.
Một học trò Hoàng Mi, Hoàng Li của Bà chia sẻ, “Tôi không bao giờ quên bác là người thầy nghiêm khắc trong giảng dạy và cũng rất yêu thương học sinh. Những lúc chúng tôi tập trung cao độ để trả bài, bác thường vỗ nhẹ vào lưng nhắc: “ thở đi, thở đi…” Sau khi có gia đình, tôi đến xin bác cho tôi học lại. Bác sẵn lòng nhận dạy và còn cho sách với hướng dẫn tôi cách tập. Lòng yêu nghề, thương trò vô bờ bến của bác đã ảnh hưởng sâu sắc và rèn giũa chúng tôi chữ “Tâm” trong nghề… chúng tôi cảm phục và học bac về ý chí, lòng yêu nghề, sự tận tụy với nghề dù tuổi đã cao…”.
Con gái của nghệ sĩ Thái Thị Liên, Nguyên hiệu trưởng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam GS. NGND Trần Thu Hà và cháu ngoại chơi đàn trong đêm nhạc. |
Cống hiến hết mình cho nghệ thuật
Bên cạnh sự nghiệp đào tạo, bà đã có những hoạt động biểu diễn không ngừng nghỉ. Bà là người đầu tiên đã biểu diễn chương trình recital từ cuối những năm 50 ở Hà Nội, tham gia các chương trình hoà tấu với các chuyên gia từ Liên Xô cũ như Giáo sư Khodjaev (violon) và Fedoshenko (violoncelle) tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Hải Phòng. Bà đã biểu diễn không chỉ trong các khán phòng lớn đầy ánh sáng, mà còn cả trong những đêm nhạc chỉ có ánh trăng trên sân kho hợp tác xã nơi sơ tán, như những đêm chuyên đề với các tác phẩm của Chopin hay đêm hoà tấu Trio Weber với các giáo sư Vũ Hướng (violoncelle) và Lê Bích (flute).
Năm 1973, khi từ nơi sơ tán lần thứ hai trở về, ở tuổi 55, trong chương trình độc tấu tại Hà Nội, Bà đã đàn bản Sonate Ánh trăng của Beethoven để "giã từ sân khấu”. Repetoire yêu thích của Bà gồm các tác phẩm của Chopin và Beethoven, Mozart và Bach, Smetana và Fauré. Bà đã ghi âm với Supraphon ở Tiệp Khắc năm 1959 cùng với ca sỹ Minh Đỗ đĩa nhạc đầu tiên được ghi âm của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - bên người thầy đáng kính của mình. |
Trong suốt sự nghiệp của mình, Bà nổi tiếng là người thẳng thắn, yêu cầu khắt khe và không khoan nhượng đối với những yểu tố phi nghệ thuật. Âm nhạc là lẽ sống, là cứu cánh của cuộc đời Bà trong những lúc khó khăn nhất.
Là cây đại thụ của các nghệ sỹ đàn piano, cuộc đời Bà là một tấm gương trong hoạt động đào tạo và biểu diễn. Ở tuổi một trăm, Bà vẫn thuờng xuyên đi nghe hoà nhạc, luyện đàn, dạy học và lên sân khấu trong những dịp kỷ niệm lớn của Học viện và khoa piano. Trong đêm “Trăm mùa thu vàng”, tổ chức tối 23/11, trên sân khấu Phòng hoà nhạc Lớn của Học Viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Bà đã trở lại biểu diễn cùng với đại diện các thế hệ học trò, như GS NGND Trần Thu Hà, NSƯT Trần Tuyết Minh, NGƯT Hoàng Kim Dung và Đan Thu Nga. Bà chơi nhạc Chopin, như một sự trở về với tuổi hoa niên ở Sài Gòn, nơi Bà đã gặp Chopin qua những bài học đầu tiên với bà giáo. Đó là hành trang Bà đã mang theo suốt cuộc đời để rồi truyền lại cho các thế hệ tiếp theo.
NSND Đặng Thái Sơn - Người con, người học trò xuất sắc nhất của bà. |
Đặc biệt, trong phần biểu diễn của mình NSND Đặng Thái Sơn đã kể những câu chuyện bằng âm nhạc về những kỷ niệm đầy ý nghĩa của anh và nghệ sĩ, nhà giáo Thái Thị Liên. Anh coi đây như một món quà để tặng mẹ và cũng là người thầy đầu tiên đưa anh đến với âm nhạc. NSND Đặng Thái Sơn chia sẻ, đối với anh mẹ là một người Anh hùng, một người ý chí quyết liệt, sắt đá; những khoảng khắc âm nhạc đêm nay, được dành riêng cho mẹ - người thầy vĩ đại của anh.
Ngoài việc được thưởng thức nghệ sỹ Thái Thị Liên biểu diễn ở tuổi 100, công chúng yêu nhạc đã lần đầu tiên được xem những thước phim tài liệu quý về nữ nghệ sỹ ở nước ngoài.
Bà là động lực, là nguồn cảm hứng cho các thế hệ học trò noi theo. |
Ông Lê Anh Tuấn-Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho biết: “Đây không chỉ là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của Học viện, còn là đêm nhạc ý nghĩa thể hiện sự tri ân, tình cảm của những thế hệ học trò của Học viện với Nghệ sỹ, Nhà giáo Thái Thị Liên đã có công lao, đóng góp cho sự phát triển của Học viện nói riêng và ngành âm nhạc Việt Nam nói chung”.
Cuộc đời và sự nghiệp của Nghệ sĩ – Nhà giáo Thái Thị Liên luôn là một ấm gương sáng trong hoạt động đào tạo và biểu diễn. Bà là động lực, là nguồn cảm hứng cho các thế hệ học trò noi theo. Bà là chỗ dựa vững chắc và là biểu tượng cho ý chí phấn đấu vươn lên vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hướng đến thành công.
Lan Anh