• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghệ sĩ tấu hài về lại “thánh đường” nghệ thuật

07/09/2007 11:17

Bước ra từ cổng Trường Cao đẳng Nghệ thuật sân khấu nhưng họ chọn tấu hài để mưu sinh, bỏ lại sau lưng “thánh đường” nghệ thuật - sân khấu kịch. Nay họ lại quay về để được sống trên sàn diễn đúng nghĩa.

Bước ra từ cổng Trường Cao đẳng Nghệ thuật sân khấu nhưng họ chọn tấu hài để mưu sinh, bỏ lại sau lưng “thánh đường” nghệ thuật - sân khấu kịch. Nay họ lại quay về để được sống trên sàn diễn đúng nghĩa.

Từ trái qua: Nghệ sĩ Cát Tường, Tấn Beo, Ngọc Tưởng trong vở Đôi mắt của biểnTừ trái qua: Nghệ sĩ Cát Tường, Tấn Beo, Ngọc Tưởng trong vở Đôi mắt của biển

Lau vội giọt nước mắt lăn dài trên má, nghệ sĩ Tấn Beo nhìn vào gương, tự cười hài lòng. Hậu trường sân khấu nhỏ 5B đêm ra mắt vở Đôi mắt của biển (đạo diễn Nguyễn Lâm) đã là một đêm hạnh phúc của anh. Bên ngoài khán giả còn đứng chờ anh. Đông đảo khán giả yêu thích cách diễn hài của Tấn Beo, lần đầu tiên cũng đã biết thế nào là “sân khấu nhỏ”.

Được khóc cười cùng nhân vật

Trong giới diễn viên từ lâu phân chia ngôn từ “kịch dài”, “kịch ngắn”, “tấu hề”... để phân biệt đẳng cấp làm nghề. Đối với giới diễn viên chuyên chạy sô tấu hài, chuyện đầu quân về kịch dài bị xem là “cửa tử”. Vì trước xu thế một số diễn viên hài tìm về với sân khấu kịch chuyên nghiệp, có nhiều diễn viên chuyên diễn tấu hài đã “dở khóc, dở cười” vì bước chân vào lãnh địa không phải sở trường của họ. Thế nhưng, Tấn Beo, Tấn Hoàng, Nhật Cường, Phương Dung, Lê Quốc Nam, Bảo Trí, Kim Tuyết, Hà Linh, Hữu Lộc... đều cho biết họ thật sự cảm nhận được nghề nghiệp ngày càng thăng hoa khi đi vào các vở kịch dài. Ngay cả lão tướng chuyên diễn tấu hài Thanh Hoài cũng đã khăn gói từ Vũng Tàu lên TP để tham gia kịch dài với bà bầu Hồng Vân (Kịch Phú Nhuận). Nghệ sĩ Tấn Beo cho biết: “Lần đầu tiên tôi diễn kịch tại 5B. Sân khấu nhỏ với phong cách diễn kịch không dùng micro, khán giả im lặng lắng nghe từng lời thoại của mình, nghe rõ cả tiếng thở dài và những lời bình phẩm của khán giả. Cảm giác đó lạ lắm, làm lòng mình cứ lâng lâng vì sung sướng. Mỗi tuần tôi quyết định không nhận sô diễn vào hai đêm cuối tuần để tham gia vở Đôi mắt của biển”.

Trên thực tế, mỗi đêm nghệ sĩ hài nổi tiếng có thể thu nhập được cả chục triệu đồng nếu chạy sô các tỉnh và trong TP. Tấn Hoàng nói: “Kiếm tiền thì có thể kiếm quanh năm, nhưng cơ hội làm nghề một cách nghiêm túc, đàng hoàng thì không dễ gì có. Từ khi tôi tham gia kịch dài, thấy nghề của mình được trân trọng. Diễn tấu hài cũng có cái thú, là mang lại tiếng cười phục vụ số đông khán giả. Nhưng không khí chạy sô tấu hài chụp giựt lắm. Có khi một tiểu phẩm bị cắt còn 10 phút xuống 7 phút để không ảnh hưởng đến chuyện chạy sô qua điểm diễn khác. Từ đây tấu hài cứ bị xuống cấp. Còn diễn kịch dài, mình được sống với nhân vật, được khóc cười và giao lưu trực tiếp với khán giả”. Lê Quốc Nam, Bảo Trí, Kim Tuyết, Phương Dung... cũng từ chối nhiều sô tấu hài hái ra tiền để về với 5B, Kịch Sài Gòn, Nhà hát Kịch TPHCM. Đạo diễn Ca Lê Hồng nhận xét: “Cách đây 3 năm, khó tin là các bạn diễn viên tấu hài về với kịch dài. Vì khi xem họ diễn với thói quen vừa nói, vừa chạy, khó mà nuôi tâm lý cho vai diễn. Ấy thế mà hiện nay họ đang từng bước khẳng định mình và là một nguồn diễn viên mới của kịch dài”.

Kéo khán giả tấu hài về với kịch nói

Không giấu tham vọng mời Tấn Beo và Tấn Hoàng về 5B để thu hút số đông khán giả tấu hài đến với kịch dài, ông Huỳnh Minh Nhị, Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM, cho biết: “Đó là cách chúng tôi góp phần nâng cao thị hiếu khán giả. Không loại bỏ thể loại tấu hài vì đó là bộ môn nghệ thuật độc đáo, có đối tượng khán giả riêng. Nhưng nhiều năm qua do thiếu chăm sóc, đầu tư, tấu hài lệch hướng với nhiều hệ lụy mà báo chí đã phản ánh. Ở đây, chúng tôi quan tâm đến thị phần biểu diễn của các anh chị nghệ sĩ chuyên diễn tấu hài. Tự nguyện về với “thánh đường” nghệ thuật, là cách họ tự trang bị nhanh nhất kiến thức biểu diễn, kinh nghiệm nghề nghiệp. Quan trọng hơn chính là nâng cao giá trị thẩm mỹ qua từng vai diễn”.

Nghệ sĩ Tấn Beo cho biết, fan của anh từ nhiều nơi đã mua vé xem kịch ở 5B. Nhiều người không biết và chưa có khái niệm gì về “sân khấu nhỏ”. Nghệ sĩ Tấn Hoàng cũng phấn khởi vì đa số fan của anh đã nhắn tin khen ngợi, họ thấy anh mới hơn khi về với kịch dài. Nghệ sĩ hài Thanh Hoài cười khoái chí: “Tôi cả đời đi đóng phim hoặc diễn tấu hài, khi vào diễn kịch dài thấy thích lắm vì mình được sống một đời sống khác”. Khán giả của nghệ sĩ Lê Quốc Nam cũng bày tỏ sự yêu thích khi anh tham gia một số vở diễn mới tại Kịch Sài Gòn. Nhất là trong chương trình Tiếng nói trẻ thơ, Lê Quốc Nam đã lấy nước mắt khán giả khi vào vai ông xích lô tốt bụng, cưu mang những đứa trẻ bụi đời. Phòng vé của 5B, Kịch Sài Gòn, Kịch Phú Nhuận, rạp Công Nhân, sân khấu Nụ cười mới... ngày càng có đông khán giả các tụ điểm tấu hài đến mua vé.

Tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM – chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Sở VHTT TPHCM: “Với cách nghĩ tích cực, một số diễn viên tấu hài đang từng bước làm mới mình. Qua một số vở có mặt họ, đã thấy kịch nói TPHCM đang chuyển hướng với gam màu mới. Cái họ cần trang bị chính là sự lắng đọng trong diễn xuất, để có thể tạo được cảm xúc làm người xem bật khóc. Tấn Beo, Tấn Hoàng thật sự đã diễn được như thế, trong vở Đôi mắt của biển, hoặc Lê Quốc Nam với Chiếc vé trở về đã thuyết phục người xem”.

Theo NLĐ

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ