• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghệ sĩ xiếc Bảo Cường: “Theo nghề đến lúc tàn hơi…”

22/08/2007 08:06

Bảo Cường là trưởng nhóm xiếc Kung Fu do chính anh thành lập cách đây ba năm, hiện đang dần chinh phục khán giả cả nước. Nhóm có 4 thành viên: Bảo Cường, Bảo Long, Bảo Quy và “thần đồng” Lý Tiểu Bảo vừa tròn 5 tuổi.

Bảo Cường là trưởng nhóm xiếc Kung Fu do chính anh thành lập cách đây ba năm, hiện đang dần chinh phục khán giả cả nước. Nhóm có 4 thành viên: Bảo Cường, Bảo Long, Bảo Quy và “thần đồng” Lý Tiểu Bảo vừa tròn 5 tuổi.

Bảo Cường (đứng trên, giữa)Bảo Cường (đứng trên, giữa)

Với sự ham học hỏi và liên tục làm mới mình, những tiết mục xiếc của Kung Fu ngày càng phong phú, đa dạng, có những màn xiếc cực kỳ nguy hiểm khiến nhiều khán giả phải “ thót tim”.

Trung tuần tháng 9 này, nhóm sẽ ra mắt album DVD Xiếc Kung Fu với các tiết mục: tung hứng banh trên đầu ngón tay; đóng đinh, móc câu, xỏ lẹm vào người; nuốt tất cả các loại kiếm quốc tế (Trung Quốc – Nhật – Pháp), kiếm lưỡi cưa, nuốt kéo, nuốt kiếm xích; công phá gạch tàu; nhai than hồng, bóng đèn; nuốt rắn; nhểu đèn cầy đang cháy vào mặt, vào miệng và toàn thân; nuốt kim…

Một nhóm xiếc thực hiện album, điều này quả rất đặc biệt?

Nhóm đã chuẩn bị cho album DVD này suốt một năm nay. Trong quá trình đi diễn, do giới hạn về thời gian, mỗi một sân khấu nhóm chỉ diễn được một vài tiết mục vì thế khán giả không thể thưởng thức được trọn vẹn một chương trình của Kung Fu. DVD này ra đời sẽ giải quyết được hạn chế trên và thỏa mãn theo yêu cầu của khán giả.

Nhưng nếu sau này đi diễn, những tiết mục của nhóm đã có trong album, khán giả sẽ bị nhàm chán?

Điều này thì không đáng lo ngại bởi nhóm luôn bàn bạc, tìm tòi suy nghĩ, đồng thời ra sức luyện tập để liên tục cho ra đời những tiết mục mới, độc đáo và “ không đụng hàng”.

Bảo Cường có phải là “con nhà nòi” xiếc?

Tôi rất đam mê nghệ thuật xiếc nên đã đến thọ giáo một nghệ sĩ xiếc có truyền thống mấy đời theo nghề này. Lúc đầu tôi theo phụ họa một vài môn xiếc nhỏ trong đoàn với quyết tâm học và theo nghề này. Tuy nhiên, nghề xiếc không đơn giản như tôi nghĩ, phải có sự bền chí, khổ công rèn luyện, nhiều khi cả tháng ròng tôi phải tập suốt đêm, chuyện xỉu trên sàn tập là thường xuyên xảy ra. Những ngày đầu tiên đứng ra thành lập nhóm xiếc riêng, tôi gặp rất nhiều khó khăn, lớn nhất là về kinh tế, bởi vì không có vốn thì làm sao mua dụng cụ về làm đồ nghề, đồng thời phải biết nâng cấp nghề nghiệp bằng việc sáng tạo ra những tiết mục cũng như những mẫu mã đồ nghề mới để không bị lỗi thời. Tuy nhiên, bất kỳ khán giả nào đã xem Kung Fu biểu diễn sẽ không bao giờ thất vọng.

Có phải sở trường của anh là bộ môn nuốt kiếm?

Đúng vậy, nhưng đây là một trong những môn nguy hiểm nhất. Hầu như ai học bộ môn này cũng đều bị thương tùy theo mức độ nặng hay nhẹ. Nhẹ thì uống thuốc dưỡng thương còn nặng thì phải mổ và có một số người phải bỏ nghề. Lúc đầu tôi tự học môn này nhưng không hề tự tin một chút nào. Đâm kiếm rất nhiều lần nhưng không dám cho qua cổ họng. Nhờ thầy chỉ, đâm một lần vào nửa cây nhưng thở không nổi phải lấy ra. Lần thứ hai khi dùng tay ấn cây kiếm vào cổ nó không vào mà vướng lại ngay cổ, cuối cùng lấy kiếm ra thì cây kiếm có dính máu ở đầu mũi kiếm. Sau đó tôi không được thầy chỉ dẫn nữa, tự dưỡng thương và tự học một mình bộ môn này. Có lẽ nhờ tổ đãi nên cuối cùng tôi cũng nuốt trọn hết cây kiếm.

Đã có khi nào anh gặp phải tai nạn nghề nghiệp?

Đó là thời gian đầu mới làm nghề. Tôi nhớ lần nhận diễn show ở rạp Hưng Đạo, tiền cát xê chỉ có 100 ngàn đồng, diễn xong tiết mục nuốt kéo, lúc lấy ra thì lưỡi kéo dính đầy máu, tôi sợ quá dọn đồ nghề về nhưng cũng may chỉ trầy sơ ở cổ họng. Lần thứ hai tôi nhận diễn một đêm 3 show, đến show cuối cùng ở Bình Dương, khi nuốt cây kiếm đế chậu từ từ cho nó xuống cổ họng, vì quá mệt nên không kềm nổi, đồng thời thiếu kinh nghiệm nên bị lủng thanh quản mà không hay biết gì, đau bụng dữ dội mà cứ tưởng mình bị đau bao tử. Trên đường về Sài Gòn, tôi ghé qua Bệnh viện Bình Dân khám và bác sĩ cho nhập viện ngay, tôi phải may 22 mũi và sau đó hôn mê đúng một tuần lễ mới tỉnh. Bác sĩ khuyên tôi nên bỏ nghề nguy hiểm này. Nhưng sau khi dưỡng thương đúng 4 tháng, tôi lại tiếp tục tái xuất giang hồ vì lòng yêu nghề quá sâm đậm. Nhờ sự giúp đỡ của anh em đồng nghiệp và sự cố gắng mà đến hôm nay, những tiết mục biểu diễn của tôi đều hoàn thành một  cách trọn vẹn…

“Thần đồng” Lý Tiểu Bảo là con ruột của anh, nghĩa là “hổ phụ sinh hổ tử”?

Hai chữ “thần đồng” này là do chính khán giả đặt. Khi mới 2 tuổi, nhìn thấy tôi tập luyện, Tiểu Bảo đã bắt chước làm theo. Lúc đầu bé rất nhát khi bước ra sân khấu, cả việc hay ngủ gục khi chờ đến lượt diễn. Hiện cháu đã vào học lớp mầm, đồng thời biểu diễn rất điêu luyện và thuần thục hai tiết mục quay banh và quay dĩa.

Nghề xiếc nhiều hiểm nguy, có bao giờ anh nghĩ đến “điểm dừng”?

Tuy khó khăn và nguy hiểm nhưng tôi sẽ gắn bó với nghề này cho đến lúc tàn hơi…

Theo SGGP

NỔI BẬT TRANG CHỦ